Chuồn chuồn tre "cất cánh" đón Trung thu

19/09/2018 08:30 AM | Xã hội

Nghề làm chuồn chuồn tre làng Thạch Xá mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Ban đầu làng có hơn 10 hộ gia đình mở cơ sở sản xuất, nhưng gặp sóng gió về đầu ra nên nhiều người đã từ bỏ.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 1.

Về với làng quê Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội), nằm cách Hà Nội 25km về phía Tây, bạn có thể tìm thấy hàng trăm, hàng ngàn con chuồn chuồn tre muôn màu sắc. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre từ nhiều năm trước. Ban đầu dân làng làm chuồn chuồn tre bán làm quà lưu niệm cho du khách khi họ tới đây tham quan, đi lễ chùa Tây Phương. Chuồn chuồn tre lạ và đẹp mắt, giá chỉ từ 5.000 đồng - 7.000 đồng/con nên du khách mua rất nhiều, làm ra bao nhiêu con bán hết bấy nhiêu.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 2.

Theo chỉ dẫn người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Tái, một trong số những người đầu tiên làm thành công và mở rộng được hình ảnh chuồn chuồn tre Thạch Xá. Anh Tái chia sẻ, nghề làm đồ chơi chuồn chuồn không có tuổi đời lâu mà mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Ban đầu có hơn 10 hộ gia đình mở cơ sở sản xuất, nhưng gặp sóng gió về đầu ra nên nhiều người đã từ bỏ. Hiện trong làng chỉ còn khoảng 2-3 gia đình còn làm nghề này. “Người ta lúc đầu thấy trào lưu, thấy nghề mới cũng làm, sau thì bỏ gần hết. Cơ bản vì họ không yêu nghề, không say với nghề”, anh nói thêm.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 3.

Để có được những con chuồn chuồn tre, đòi hỏi người thợ trải qua hơn 10 công đoạn khác nhau. Bước đầu tiên người thợ là chặt tre để tạo thân chuồn chuồn, sau đó khoan hai lỗ nhỏ bên thân, vuốt đuôi, và hơ mỏ để tạo hình cong của đầu chuồn chuồn. Tiếp tục vót cánh, mài đầu và lắp ghép thành 1 con chuồn chuồn mộc. Sau đó, chuồn chuồn được đặt lên một chiếc que nhỏ, người thợ lại tiếp tục căn chỉnh thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân. Để tạo thêm sự đẹp mắt, hấp dẫn, những con chuồn chuồn được sơn và trang trí lên rất nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 4.

Theo chị Nhân (46 tuổi, vợ anh Tái), công đoạn khó nhất chính là ở phần thân, đây là công đoạn mà máy móc cũng không thể thay thế được, người thợ phải có kinh nghiệm và kiểm tra bằng tay. Để một con chuồn chuồn có thể đứng được bằng miệng phải có những cảm nhận tinh tế của bàn tay, cách vót hai bên sao cho cân xứng.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 5.

Ngoài ra, công đoạn chọn lựa nguyên vật liệu cho sản phẩm là tre cũng rất quan trọng. Gia đình chị phải đặt loại tre lấy từ vùng miền núi về, là loại tre bánh tẻ không già, không non.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 6.

Tre được cạo vỏ, phơi khô, cắt theo kích thước của từng sản phẩm đã định, tiếp đó là tạo hình sản phẩm, sơn vẽ các họa tiết hoa văn cho sản phẩm được đẹp hơn.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 7.

Ban đầu sản phẩm chuồn chuồn tre còn đơn điệu, tre chủ yếu lấy ở quanh làng, còn màu là phẩm màu công nghiệp và hoàn toàn làm bằng thủ công nên số lượng sản xuất ra cũng ít. Sau này người dân đã mạnh dạn cải tiến mẫu mã, dùng sơn dầu để tô và kết hợp với viền nhũ khiến cho sản phẩm ngày càng bắt mắt. Bên cạnh đó, để sản xuất ra số lượng lớn và nhiều, người dân đưa máy móc vào sản xuất như máy khoan, máy cắt tre, mô tơ mài cánh...

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 8.

Tuỳ theo kích cỡ của nan tre mà chuồn chuồn có nhiều kích thước khác nhau. Những thanh tre được vót, mài giấy nhám từng bộ phận rồi ghép thành những chú chuồn chuồn mộc mạc. Đặc biệt hai bên cánh chuồn chuồn phải thật cân xứng để đảm bảo thăng bằng.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 9.

Anh Tái cho biết làm chuồn chuồn tre cần sự kiên trì lớn. Trung bình, mỗi mẻ chuồn chuồn mất gần 1 tháng. Người thợ phải trải qua đủ các công đoạn như chặt tre để tạo thân chuồn chuồn, sau đó khoan hai lỗ nhỏ bên thân, vuốt đuôi, và hơ mỏ để tạo hình cong của đầu chuồn chuồn. Tiếp tục vót cánh, mài đầu và lắp ghép thành 1 con chuồn chuồn mộc. Sau đó, chuồn chuồn được đặt lên một chiếc que nhỏ, người thợ lại tiếp tục căn chỉnh thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 10.

Chuồn chuồn tre sau khi được phủ lớp sơn sẽ được phơi khô chờ người thợ khéo léo vẽ họa tiết.

Chuồn chuồn tre cất cánh đón Trung thu - Ảnh 11.

Hiện tại giá chuồn chuồn tre trên địa bàn dao động từ 5.000 - 7.000 tùy kích cỡ, đế để chuồn chuồn đậu loại đế 1 chân (3.000 đồng), đế 2 chân (4.000 đồng), đế 3 chân (5.000 đồng).

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM