Người nông dân chăn nuôi: 'Chúng tôi đang đứng trước vực thẳm rồi, chỉ cần lấy ngón tay đẩy nhẹ là ngã!'

01/03/2017 15:37 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhất trong vòng 10 năm qua. Nuôi gà gà lỗ, nuôi heo thì heo rớt giá kỷ lục.

Đây là lời chia sẻ đầy ám ảnh của anh Trần Quang Trung khi nói về tình cảnh kinh doanh bết bát của người làm chăn nuôi trong nước hiện nay.

Câu chuyện ngành chăn nuôi gặp khó khăn đã không còn là điều mới. Tuy nhiên, những ngày này, chuyện người nông dân nuôi gà, nuôi lợn đang chịu cảnh giá gia cầm rớt thê thảm thì phải nói là tồi tệ nhất trong cả thập kỷ trở lại đây.

Người nuôi gà gặp khó nhất trong 10 năm trở lại đây

Theo hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, vùng chăn nuôi lớn nhất của cả nước thì giá gà vẫn đang tiếp tục giảm sâu và xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Cụ thể, chỉ nhìn trong có 3 ngày qua, giá gà lông màu đã giảm tới 20%, còn giá gà công nghiệp lông trắng cũng chỉ còn có 18.000 đồng/kg, tức là cứ bình quân 1 kg gà loại này bán ra thì người nuôi sẽ lỗ từ 5.000 đồng -12.000 đồng/kg.

Trong một bài phỏng vấn mới đây với các chủ hộ nuôi gà tại một số tỉnh miền Nam, dường như không thể thấy được một gam màu sáng nào từ bức tranh vào lúc này.

Theo đó, các hộ nông dân đều đang chấp nhận mỗi kilogram gà bán ra thì sẽ lỗ ở mức hơn 10.000 đồng. Chịu lỗ đến vậy nhưng người mua thì chẳng thấy đâu. Có những trang trại mà cho chỉ trong một tháng nay, số gà quá lứa đã lên đến 100.000 con - một con số lớn đến gấp 10 lần số trong một đàn gà thông thường.

Lượng khách hàng tiêu thụ, cũng theo các hộ nuôi, đã giảm tới 80% hàng ngày. Còn nhớ, ở thời gian trước, mỗi hộ nuôi gà đều sẽ đều đặn bắt mỗi ngày từ 1.000 - 2.000 con gà để mang đi bán.

Thế nhưng những điều đen đủi dường như vẫn chưa dừng lại cho con gà của những người nông dân. Đã gặp khó vì phải cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu, giờ đây những thông tin về dịch cúm gia cầm tại các tỉnh phía Bắc lại càng khiến người nuôi gà lâm vào cảnh lao đao.

Kết quả là khi về những vùng nuôi gà của nước ta hiện nay, sự đìu hiu, với cảnh nhiều trang trại trong cảnh "trống hơ trống hoắc" chính là hình ảnh chung. Điều đáng nói, đằng sau sự yên tĩnh đáng buồn này là những khoản lỗ "trên trời rơi xuống" mà những người nông dân đang phải chịu.

Theo chia sẻ từ anh Cường, một chủ hộ nuôi gà thì trang trại gà với quy mô 29.000 con của anh hiện đã phải tạm đóng cửa. Công việc của anh vào lúc chỉ là hạn chế làm sao để cơ sở hạn chế xuống cấp nhất.

Chỉ quanh quẩn với những công việc này, số tiền thua lỗ của anh hiện đã ngót ngét đến trăm triệu. Gà quá lứa vẫn để đó, nhưng anh không dám nhập gà thêm về để bán vì không dám chắc rằng số lỗ trăm triệu kia liệu có tăng lên tiếp hay không ?

Người nuôi lợn cũng khó chẳng kém

Nuôi gà đã khó, cả những người nuôi lợn cũng đang gặp khó khăn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Các lý do dẫn đến tình cảnh bi đát này thì vẫn cũ, là việc thị trường bị phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, khi các thương lái ngưng mua thì toàn bộ người nuôi heo lao đao,

Ông Nguyễn Văn Lợi, người nuôi lợn tại xã Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai nói một cách đầy chua xót “Tôi bị 3 chập lỗ rồi, tổng lỗ đã là 65 triệu rồi”.

Còn ông Trần Gia Trung, người nuôi lợn từ xã Gia Tân 3, Thống Nhất, Đồng Nai thì bộc bạch thẳng thắng rằng: “Người chăn nuôi đang đứng trước vực thẳm rồi, anh chỉ cần lấy ngón tay đẩy nhẹ là người ta ngã rồi chứ không cần phải lấy cả bàn tay đâu”.

Câu nói trên nào đâu có sai nếu chúng ta thử tính toán đến những khoản mất mát mà những người nông dân nuôi gà, nuôi heo, đang phải chịu đựng mỗi ngày như dưới đây:

- Hiện tại, mỗi con heo nặng 1 tạ bán ra sẽ lỗ khoảng gần 1 triệu đồng. Với một trại heo có 100 con, số lỗ lên đến gần 100 triệu đồng. Tổng đàn lợn cả nước có số lượng khoảng 26 triệu con. Như vậy, tổng thiệt hại người nuôi heo phải chịu là 26 nghìn tỷ đồng.

- Hiện tại, mỗi con gà nặng trên 2 kg bán ra sẽ lỗ khoảng trên 20.000 đồng. Với một trại gà có 1.000 con, chủ trại sẽ chịu lỗ 20 triệu đồng. Tổng đàn gà cả nước có số lượng khoảng 277 triệu con. Như vậy, tổng thiệt hại người nuôi gà phải chịu là 520 tỷ đồng.

Hai con số trên chia trung bình cho từng người nông dân, rồi sau đó đem so sánh với thu nhập của người nuôi gà, nuôi lợn thu được thì có thể thấy đó là những khoản quá lớn, thậm chí có thể khiến những chủ trại nuôi gà, nuôi lợn kia phải sạt nghiệp.

Một điều đáng buồn hơn là nguyên nhân dẫn đến cảnh bấp bênh này của ngành chăn nuôi đã được nói đi nói lại rất nhiều lần, như dịch bệnh, nguồn cung đột biến và quan trọng nhất là lý do thương lái nước ngoài (Trung Quốc là chủ yếu) đột ngột không thu mua nữa.

Bí đầu ra, bị ép giá rút cục là cảnh mà người nông dân phải chịu nhiều năm qua, tuy nhiên, chưa năm nào, tình thế lại khó khăn và bi đát như năm nay. Rõ ràng trong bối cảnh cả ngành nông nghiệp năm qua như một bài hát buồn, chăn nuôi lại hiện lên như một nốt nhạc trầm hơn thế nữa.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM