Chứng minh được mối liên hệ giữa nước ngọt có đường và ung thư, người trẻ thu nhập thấp là đối tượng có nguy cơ cao

11/10/2016 09:52 AM | Sống

Nhiều người dân vẫn không quan tâm và để ý xem họ đã uống bao nhiêu đường từ các loại nước ngọt.

Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Trường Y Đại học Bang Louisiana (LSU) chỉ ra mối liên hệ giữa ung thư và các loại đồ uống có đường . Theo đó, mức độ tiêu thụ đồ uống có đường đã được chứng minh có mối liên kết với bệnh béo phì, tiểu đường, các bệnh tim mạch chuyển hóa và một số loại ung thư.

Các nhà khoa học chỉ ra thêm rằng còn một số yếu tố khác đang tác động vào mối liên hệ này, ví dụ như tuổi tác, tình trạng kinh tế, địa vị xã hội và tiền sử bệnh tật. Bởi vậy, họ khuyến cáo các chương trình can thiệp nhằm giảm lượng tiêu thụ đường nên tập trung vào những nhóm đối tượng cụ thể, một trong số đó là nam thanh niên trẻ có thu nhập thấp.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Translational Cancer Research.

Các loại đồ uống có đường có mối liên hệ với nhiều bệnh nguy hiểm, bao gồm cả ung thư

Những bằng chứng mới nhất đang cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường và nguy cơ ung thư tuyến tụy, nội mạc tử cung cũng như nguy cơ tái phát ung thư đại trực tràng và tử vong ở những bệnh nhân ung thư sống sót sau điều trị”, Tiến sĩ Melinda Sothern, Giáo sư Y tế cộng đồng đến từ LSU cho biết.

Tham gia vào nghiên cứu còn có Phó giáo sư Tung-Sung Tseng từ LSU. Ông và các đồng nghiệp đã kiểm tra một khối dữ liệu khổng lồ từ 22.182 người Mỹ trưởng thành trong giai đoạn 2003-1012. Khi đó, có một cuộc điều tra Dinh dưỡng và Y tế quốc gia tại Hoa Kỳ, khảo sát mức tiêu thụ nước ngọt, nước trái cây, đồ uống thể thao, nước tăng lực, trà có đường, cà phê và nhiều loại đồ uống có đường khác.

Các dữ liệu cũng bao gồm cả chẩn đoán ung thư, tình trạng hút thuốc, béo phì, đặc điểm nhân khẩu học, độ tuổi, giới tính, chủng tộc, trình độ học vấn, mức thu nhập… Điều này cho phép Tseng và nhóm nghiên cứu nhìn sâu vào các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ đồ uống có đường và ung thư.

Kết quả phân tích cho thấy 15.7% dân số đang tiêu thụ quá nhiều đường từ đồ uống. Những người chưa mắc ung thư tiêu thụ nhiều đường hơn so với những bệnh nhân ung thư sống sót. Nhưng trong số đó, phụ nữ đã mắc ung thư cổ tử cung vẫn tiêu thụ một lượng đường cao hơn (60 g/ngày) so với những loại ung thư khác (30-40 g/ngày).

Nhóm nghiên cứu chỉ ra một nhóm đối tượng đặc biệt cần chú ý. Những nam thanh niên trẻ, béo phì, hút thuốc, có trình độ học vấn và thu nhập thấp đang tiêu thụ quá nhiều đường (80 g/ngày). Bởi vậy, nếu một chiến dịch can thiệp, giáo dục về đường được tiến hành bởi chính phủ hoặc một tổ chức, họ nên đặt một phần trọng tâm vào những đối tượng này đầu tiên.

Những nam thanh niên trẻ, béo phì, hút thuốc, có trình độ học vấn và thu nhập thấp đang tiêu thụ quá nhiều đường
Những nam thanh niên trẻ, béo phì, hút thuốc, có trình độ học vấn và thu nhập thấp đang tiêu thụ quá nhiều đường

Mặc dù tác hại và những nguy cơ của việc tiêu thụ đường phụ gia đã từng được cảnh báo rất nhiều, một bộ phận lớn người dân vẫn không quan tâm và để ý xem họ đã uống bao nhiêu đường từ các loại nước ngọt, Tseng cho biết. “Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo một mốc tiêu thụ là không quá 450 Calo đồ uống có đường, hoặc dưới 3 lon 12 ounce (355ml) nước ngọt mỗi tuần”, ông nói.

Tình trạng tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường không chỉ đặt nguy cơ với thanh niên ở Mỹ. Trước đây, Hội đồng Ung thư Australia cũng chỉ ra rằng những nam thanh niên trong độ tuổi 19-24 ở quốc gia này đang là đối tượng tiêu thụ đồ uống có đường cao nhất. Và tỉ lệ liêu thụ cao hơn cũng nằm ở nhóm có địa vị kinh tế-xã hội thấp.

Tham khảo Lsuhsc

Theo zknight

Cùng chuyên mục
XEM