Chứng khoán Mỹ chứng kiến tình trạng bán tháo dữ dội, Dow Jones mất hơn 600 điểm

13/11/2018 08:20 AM | Xã hội

Lo ngại về thương mại kéo dài cùng tin tức bản báo cáo về thuế quan đối với ngành công nghiệp ôtô đã đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư, cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn đều rơi vào vùng trũng.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 602 điểm vào phiên giao dịch đầu tuần sau mức sụt giảm mạnh của Apple, đồng USD tăng giá và những lo ngại kéo dài về thương mại toàn cầu gây áp lực đối với tâm lý của các nhà đầu tư.

Sự lao dốc của phiên giao dịch ngày thứ Hai đã khiến Dow Jones mất 804 điểm trong hai phiên liên tiếp, đóng cửa ở mức 25.387,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,8% xuống còn 7200,87 điểm và tiếp tục rơi vào vùng điều chỉnh đầu tiên hồi tháng 10.

Chỉ số S&P 500 giảm 2% xuống 2726,22 điểm, với các ngành tài chính giảm mạnh nhất, dẫn đầu là Goldman Sachs.

Trong phiên giao dịch cuối buổi chiều, các chỉ số lớn chạm mức thấp nhất trong ngày sau khi hãng tin Bloomberg cho biết Nhà Trắng đang lưu hành một bản báo cáo dự thảo về thuế quan đối với ngành công nghiệp ôtô. Cổ phiếu của General Motors cũng lao dốc sau khi tin tức về việc này được lan truyền.

Cổ phiếu của Apple giảm 5% sau khi Lumentum Holdings, hãng cung cấp chức năng nhận diện khuôn mặt cho iPhone, cắt giảm triển vọng tài chính cho quý II của năm tài khoá 2019. CEO của Lumentum - Alan Lowe cho biết một trong những khách hàng lớn nhất của họ đã yêu cầu công ty phải "giảm số lượng vận chuyển thiết yếu" đối với các sản phẩm. Cổ phiếu của Lumentum đã giảm 33%.

Sự lao dốc của cổ phiếu Apple gây áp lực cho cả lĩnh vực công nghệ. Quỹ ETF Technology Sector SPDR giảm 3,5%. Alphabet giảm 2,7% và Amazon giảm 4,3%. Cổ phiếu của Amazon tiếp tục rơi vào vùng tiêu cực, chứng kiến mức giảm 20% tính từ mức cao nhất trong 52 tuần. Cách đây hơn 2 tháng, gã khổng lồ này đã chạm mức vốn hoá 1 nghìn tỷ USD.

Khu vực công nghệ S&P 500 được giao dịch trong vùng điều chỉnh, giảm hơn 10% so với mức cao nhất trong 52 tuần. Trong lĩnh vực này, gần 70% số cổ phiếu đã trải qua ít nhất một đợt điều chỉnh.

Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group, cho biết "chiến lược đầu tư vào cổ phiếu nhóm FANG đã chết và thị trường đang vật lộn để tìm một sự thay thế".

Cổ phiếu của Goldman Sachs chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong 7 năm sau khi một thông báo cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính của Malaysia yêu cầu ngân hàng này hoàn trả khoản phí đã nhận có liên quan đến vụ tham nhũng đầy tai tiếng 1MDB.

Việc đồng USD tăng giá mạnh cũng gây áp lực cho các nhà đầu tư, với tâm lý lo lắng về doanh số của các công ty đa quốc gia. Chỉ số Dollar Index đạt mức cao là 97,58 - cao nhất kể từ ngày 23 tháng 6 năm 2017.

"Đây là thời điểm để xem xét về việc giảm thiểu rủi ro hơn là tạo thêm rủi ro", Tom Martin, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt, cho hay. "Tình trạng này không giống việc chúng ta đang bắt đầu chu kỳ của thị trường gấu, nhưng tốt hơn là nên thận trọng."

Ngoài ra, SAP đã đồng ý với thoả thuận mua Qualtrics, một công ty tư nhân cạnh tranh với SurveyMonkey, với giá 8 tỷ USD. Trong khi đó, Veritas Capital và Elliott Management đã mua Athenahealth với hơn 5 tỷ USD.

Cổ phiếu của General Electric rớt 6,9% xuống dưới mức 8 USD sau khi CEO Larry Culp trả lời CNBC rằng ông cảm thấy công ty có nhu cầu cắt giảm đòn bẩy tài chính "khẩn cấp" bằng cách bán bớt tài sản.

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM