Chứng khoán 2016 - Năm nhiều sự kiện của các đại gia!

22/12/2016 12:09 PM | Kinh doanh

2016 có thể xem là năm nhiều sự kiện đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chúng tôi xin giới thiệu series "Câu chuyện kinh doanh 2016", tập hợp những sự kiện kinh doanh và nhân vật nổi bật nhất trong năm qua ở Việt Nam và thế giới.

Bài viết sau đây sẽ phác họa lại một số sự kiện chứng khoán Việt Nam đáng chú ý trong năm 2016. Mời quý độc giả đón đọc.


2016 có thể xem là năm nhiều sự kiện đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Những cái tên đình đám nhất trong các lĩnh vực đều đánh tiếng và lần lượt lên sàn. Ngành bia có cả Sabeco và Habeco; ngành hàng không có ACV, Vietnam Airlines, Vietjet Air; bán lẻ có FPT Telecom; F&B có Highlands Coffee...

Năm 2016 cũng là năm chứng kiến sự xuất hiện của tỷ phú đô la mới - ông Trịnh Văn Quyết - người đã có những khoảng thời gian vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng để vươn lên vị trí giàu nhất sàn chứng khoán.

Về diễn biến thị trường, các chỉ số chứng khoán năm 2016 ghi nhận sự tăng trưởng khá, đặc biệt trong quý 2. Tính đến hết ngày 21/12/2016, chỉ số VN-Index chốt phiên ở mức 666,94 điểm, tăng 15,18% so với ngày đầu năm (tăng gần 88 điểm). HNX-Index tăng thấp hơn, chỉ ở mức 0,36% lên 80,25 điểm (tăng 0,29 điểm).

Cùng điểm lại những dấu ấn đáng chú ý trên thị trường chứng khoán trong năm 2016:

Bán vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco...

Cuối tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có quyết định: Bán tiếp cổ phần Nhà nước tại 2 Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát (Sabeco, Habeco) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

"Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và Ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn, thì để cho tư nhân làm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Sabeco và Habeco sẽ phải niêm yết và bán cho các nhà đầu tư theo phương án đấu giá trên thị trường chứng khoán, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc công khai bán vốn tại Vinamilk, Sabeco, Habeco là một quyết định tuyệt vời, sẽ tốt cho tất cả các bên tham gia thị trường, trừ "nhóm lợi ích".

Đối với Nhà nước, phương án bán vốn này sẽ tối ưu được khoản thu thoái vốn so với việc giới hạn các nhà đầu tư theo ý muốn chủ quan của những người trực tiếp thực hiện. Bên cạnh đó, việc hoạt động minh bạch sẽ giúp công ty hoạt động tốt lên, nộp thuế cho ngân sách cao hơn và phần lợi nhuận của số vốn Nhà nước còn nắm giữ cũng cao hơn.

Đối với nhà đầu tư, phương án bán vốn này giúp nhiều người có cơ hội tham gia Đại hội cổ đông thường niên, góp phần giám sát trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp, nêu ý kiến và có thể đề xuất bãi miễn hoặc thay đổi Ban điều hành, Hội đồng quản trị nếu các nhóm này hoạt động không hiệu quả.

Thương vụ bán vốn Vinamilk mới đây đã thu về cho SCIC tới 500 triệu USD và là thương vụ lớn nhất toàn Đông Nam Á năm 2016. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng đây chưa phải là một thương vụ thành công, khi rao bán 9% nhưng thực chất chỉ có duy nhất nhà đầu tư F&N đến từ Thái Lan đăng ký mua vào. SCIC cho biết, sẽ rút kinh nghiệm trong các lần bán vốn sau tại Vinamilk.


Ảnh: SCIC

Ảnh: SCIC

Nhiều doanh nghiệp lớn nhất ngành lên sàn chứng khoán

Năm 2016 là năm "bội thực" của thị trường chứng khoán khi hàng loạt tên tuổi đình đám đồng loạt đưa cổ phiếu lên sàn, dù là tự nguyện, hay do yêu cầu của Chính phủ. Nghị định 145/2016/NĐ-CP đã đưa mức phạt 300-400 triệu đồng với doanh nghiệp không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.

Nổi bật nhất trong danh sách lên sàn năm nay là 2 ông lớn ngành bia Sabeco Habeco. Ngay khi lên sàn, cổ phiếu của cả 2 doanh nghiệp này đều đồng loạt tăng mạnh. Sabeco nhanh chóng trở thành cổ phiếu vốn hoá lớn thứ 2 thị trường, chỉ đứng sau Vinamilk.


Ảnh: Đầu tư Chứng khoán

Ảnh: Đầu tư Chứng khoán

Ngoài ra, nhiều cái tên đáng chú ý cũng đang rục rịch chuẩn bị lên sàn. FPT Telecom, "con cưng" của Tập đoàn FPT đã được cấp mã chứng khoán FOX và sẽ sớm niêm yết hơn 137 triệu cổ phiếu.

Tập đoàn địa ốc Novaland, doanh nghiệp có quỹ đất lớn bậc nhất tại TPHCM cũng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết và được cấp mã NVL.

Superfoods Group - Công ty quản lý chuỗi cửa hàng cà phê Highlands Coffee (sở hữu bởi Tập đoàn Jollibee & Việt Thái International) cũng đang có ý định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Highlands là một trong những chuỗi cửa hàng thành công nhất ở Việt Nam và đang liên tục xuất hiện tại những vị trí đắc địa tại các đô thị lớn

Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân giá rẻ cũng đang trong quá trình chuẩn bị cho thương vụ IPO của mình. Theo thông tin từ Vietjet, hãng hàng không này dự kiến sẽ đưa cổ phiếu lên sàn vào cuối tháng 2/2017.

Đường Quảng Ngãi, công ty đứng đầu trong phân khúc sữa đậu nành, sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy, cũng đã chính thức niêm yết trên sàn UPCoM hôm 20/12. Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, khối tài sản của vợ, chồng gia đình ông Võ Thành Đàng (Chủ tịch kiêm TGĐ Đường Quảng Ngãi) đã đạt gần 1.600 tỷ, vượt qua giá trị tài sản của gia đình ông Trầm Bê, để trở thành gia đình giàu có thứ 13 trên thị trường chứng khoán (không tính khối tài sản của gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) do những biến cố liên quan đến ông bầu này).

Bên cạnh đó, một loạt tên tuổi cũng đã lên sàn, hoặc đang trong quá trình chuẩn bị, như Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), Tập đoàn dệt may (Vinatex), Tổng công ty điện lực TKV, Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Ông Trịnh Văn Quyết thành tỷ phú

Nhắc tới những sự kiện đình đám nhất năm nay, không thể bỏ qua sự kiện soán ngôi giàu nhất sàn chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bởi ông Trịnh Văn Quyết.

Ông Trịnh Văn Quyết từ vị trí chỉ có tài sản không tới 1.000 tỷ đồng, đứng ngoài top 10 người giàu nhất sàn, đã thay đổi chóng mặt, vươn lên ngôi vị số 1 trong vòng vỏn vẹn hơn 2 tháng.

Từ đầu tháng 9, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây Dựng Faros chính thức lên sàn chứng khoán với giá chỉ 10.500 đồng nhưng liên tục tăng trần, lên tới 120.000 đồng/cổ phiếu.

Mức tăng hơn 11 lần này đã đưa tài sản của ông Trịnh Văn Quyết lần lượt đạt các cột mốc lớn. Ngay khi lên sàn, ROS đã đưa ông Trịnh Văn Quyết lọt vào top 10 người giàu nhất. Chỉ một tháng sau, ông Quyết vươn lên vị trí người giàu thứ 2 trên sàn, vượt qua ông Trần Đình Long Chủ tịch Hoà Phát. 3 tuần sau đó, ROS đưa tài sản của ông Quyết lên trên 1 tỷ USD, trở thành 1 trong 2 tỷ phú đô la của thị trường, chỉ còn kém ông Phạm Nhật Vượng của Vingroup.

Và đến giữa tháng 11, tức chỉ 2 tháng rưỡi sau khi lên sàn, ông Trịnh Văn Quyết vượt qua nốt tỷ phú Phạm Nhật Vượng để chính thức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Giai đoạn đỉnh cao của ROS, tài sản của ông Quyết có lúc cao hơn 5.400 tỷ đồng so với ông Phạm Nhật Vượng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng bị soán ngôi. Suốt gần 7 năm qua, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup luôn là người giàu nhất thị trường.

Tuy nhiên, những diễn biến không thuận lợi của thị trường đã khiến cổ phiếu ROS quay đầu giảm giá, trong khi VIC của ông Phạm Nhật Vượng vẫn duy trì mức giá ổn định. Chính vì thế, ngày 13/12 vừa qua ông Phạm Nhật Vượng đã lấy lại vị trí người giàu nhất của mình. Rất có thể, ông Vượng sẽ có năm thứ 7 liên tiếp là người giàu nhất sàn chứng khoán.


Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Ám ảnh doanh nghiệp ma

Hạn chế lớn nhất của các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư chứng khoán, đó là chỉ biết được thông tin về doanh nghiệp qua bảng điện tử và các báo cáo do công ty tự cung cấp. Điều này tạo ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là khi doanh nghiệp cố tình mập mờ trong việc công bố các hoạt động.

MTM - Công ty Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung là một ví dụ điển hình. Lên sàn từ giữa tháng 4/2016, nhưng 2 tháng sau nhà đầu tư bất ngờ "té ngửa" khi nhận được thông tin MTM đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Lần tìm theo địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư còn bất ngờ hơn nữa khi trụ sở công ty là quán bò né, sốt vang, bún lươn và đầu số điện thoại cố định không hề tồn tại.

Sự kiện đã gây chấn động và MTM ngay lập tức bị ngừng giao dịch, lãnh đạo công ty bị bắt, dàn lãnh đạo mới được thay thế, doanh nghiệp rục rịch hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh thua lỗ, chưa biết khi nào cổ phiếu MTM mới được hoạt động trở lại và cũng không ai dám chắc doanh nghiệp liệu có hồi sinh được hay không. Hàng nghìn nhà đầu tư có nguy cơ rơi vào cảnh mất trắng số tiền mua cổ phiếu trên sàn.

Tuy chỉ là sự kiện của một doanh nghiệp, nhưng MTM lại khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, trong số hàng trăm doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hiện nay, liệu còn bao nhiêu MTM nữa mà chưa bị phát hiện? Quy chế kiểm soát hiện nay liệu có quá lỏng lẻo khi để một doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn có thể niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán?


Ảnh: BizLive

Ảnh: BizLive

VNX Allshare Index, dấu ấn lịch sử của Thị trường Chứng khoán Việt Nam

Chỉ số chứng khoán vốn được coi như "hàn thử biểu" của nền kinh tế, một thước đo quan trọng để đánh giá sức khoẻ chung của thị trường. Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán lại có tới 2 chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index, ngoài ra còn có chỉ số UPCoM-Index dành cho các doanh nghiệp đại chúng với quy định bớt khắt khe hơn.

Chính vì có nhiều chỉ số chứng khoán nên hiện nay, rất khó để các nhà đầu tư có cái nhìn đúng đắn về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần một chỉ số chứng khoán chung cho toàn thị trường, để phù hợp với các thông lệ quốc tế và giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được quốc tế nâng hạng.

Đáp lại mong mỏi của nhà đầu tư, trong năm 2016 chỉ số VNX-Allshare Index đã được thành lập. Đây là rổ chỉ số bao gồm hơn 400 cổ phiếu đã qua nhiều tiêu chí sàng lọc khác nhau. Các cổ phiếu này sẽ có tính chất đại diện cho thị trường.


Các đại diện của HOSE, HNX và VSD cùng UBCK tại lễ ký kết thỏa thuận. Ảnh: Đầu tư Chứng khoán

Các đại diện của HOSE, HNX và VSD cùng UBCK tại lễ ký kết thỏa thuận. Ảnh: Đầu tư Chứng khoán

Thực tế, việc một quốc gia sở hữu nhiều Sở Giao dịch chứng khoán không phải là chuyện chỉ riêng Việt Nam mới có. Khi công nghệ thông tin chưa quá phát triển, một quốc gia thường có nhiều Sở giao dịch khác nhau ở các địa bàn khác nhau để đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tiếp tại sàn, nhanh chóng xử lý các vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên hiện nay, khi công nghệ thông tin đã phát triển vượt bậc, giao dịch hầu hết được thực hiện qua mạng internet chứ không còn qua sàn, thì yếu tố địa lý không còn gây cản trở nhà đầu tư, xu hướng hợp nhất các Sở Giao dịch chứng khoán trở nên phổ biến.

VNX-Allshare là bước đầu để Uỷ ban chứng khoán hợp nhất các sở giao dịch. Một lãnh đạo Uỷ ban cho biết, thông thường việc hợp nhất cần khoảng 3-5 năm để hoàn tất vì trong suốt quá trình hợp nhất vẫn luôn phải đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả.

“Chỉ số chung là điều mà thị trường mong mỏi từ lâu. Và hôm nay, chúng ta đã thực hiện được. Có thể xem đây là một trong những dấu mốc lịch sử của TTCK Việt Nam”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhận định.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM