"Chung cư bồ câu" trăm năm tuổi giữa lòng Sài Gòn bị đập bỏ khiến bao người nuối tiếc

17/09/2017 09:30 AM | Sống

Rất nhiều người gắn bó với Sài Gòn cảm thấy hụt hẫng khi nhìn hình ảnh chuồng bồ câu trăm tuổi ở bị đập bỏ vì xuống cấp.

Không có quá nhiều người biết đến sự tồn tại của chuồng bồ câu có tuổi đời gần 100 năm ở phía sau ngôi chùa Ấn trên đường Tôn Thất Tiệp (quận 1, TP.HCM), bởi từ khá lâu con đường dẫn từ phía sau chùa đến chuồng bồ câu đã bị khoá. Người ta chỉ có thể đến ngắm nhìn công trình này thông qua một con hẻm nhỏ trên đường Pasteur.

Hình ảnh của chuồng bồ câu thời còn nguyên vẹn. (Ảnh: Internet)

Và hình ảnh khi bị đập bỏ - Ảnh: Lee Starnes/ Saigoneer
Và hình ảnh khi bị đập bỏ - Ảnh: Lee Starnes/ Saigoneer

Thế nhưng với những người yêu Sài Gòn, thích khám phá những ngóc ngách của thành phố thì ắt hẳn đây là một địa điểm văn hoá vô cùng lý thú và có phần thi vị.

Chuồng được xây dựng bằng gạch đỏ theo hình dáng chữ L có hơi hướng ảnh hưởng của kiến trúc Pháp, gồm hàng trăm hốc nhỏ liền kề nhau và được che mát bởi một gốc cổ thụ có tuổi đời cũng không dưới trăm năm.

Tôi vẫn thường gọi vui chuồng bồ câu này là chung cư bồ câu. Bởi nó giống như ngôi nhà tập thể của hàng trăm con chim bồ câu ở Sài Gòn. Cứ thử tưởng tượng vào một buổi chiều khi hoàng hôn vừa buông xuống thành phố, hàng trăm chú bồ câu bay về tổ ríu rít bên bạn đời, chẳng có những tiếng ồn, cũng chẳng có khói bụi, Sài Gòn lúc đó thật sự rất thơ.

Những ngóc ngách thi vị trong con hẻm chuồng bồ câu.

Quay lại một tí xíu về nguồn gốc của chuồng bồ câu. Chẳng ai biết chính xác công trình này được xây dựng từ thời gian nào. Những người dân sống gần đây cho biết, vào những năm 80 của thế kỷ 19, một lượng lớn người Tamil (Ấn Độ) di cư sang Sài Gòn để sinh sống và làm ăn. Họ tập trung đông ở khu vực đường Ohier (nay đổi thành đường Tôn Thất Tiệp). Người Tamil ở Sài Gòn chủ yếu làm nghề buôn bán vải, sữa và cho vay.

Các thương gia người Ấn thời bấy giờ đã góp tiền để xây dựng chuồng bồ câu quy mô phía sau chùa Sri Thenday Utthapani (đường Tôn Thất Tiệp) để cầu sự may mắn trong công việc kinh doanh.

Ngôi chùa Ấn Độ trên đường Tôn Thất Thiệp (quận 1).

Trên một bức tường của công trình có dòng chữ khiến nhiều người chú ý: "Pigeon's Case since 1920" (Chuồng bồ câu từ năm 1920). Theo lời anh Lê Văn Âu (chủ của cửa hàng nội thất cổ thời Pháp góc đường Partuer - Lê Lợi), có thể chuồng bồ câu này được xây dựng vào khoảng thời gian 1910 - 1920. Nghĩa là công trình này tồn tại ngót nghét đã một thế kỷ.

Vài năm trở lại đây, chuồng bồ câu bị xuống cấp nặng, nhiều đoạn công trình bị đổ bể, chỉ còn duy nhất đoạn dưới gốc cây cổ thụ tồn tại. Thế nhưng nơi đây vẫn là một điểm đến quen thuộc của giới nhiếp ảnh Sài Gòn và du khách nước ngoài khi có dịp ghé thăm thành phố.

Một đoạn dài của chuồng bồ câu đã bị dỡ bỏ vì xuống cấp.

Gốc cổ thụ ở chuồng bồ câu cũng bị chặt.

Kế bên là công trình Metro đang xây dựng.

Ảnh: Lee Starnes/ Saigoneer

Trong suốt nhiều năm, "chung cư bồ câu" này vẫn là nơi thu hút nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đến sáng tác ảnh.

Những hình ảnh chuồng chim bồ câu được một nhiếp ảnh gia nước ngoài chụp lại - Ảnh: Lee Starnes/ Saigoneer.

Theo Futo Nguyen

Cùng chuyên mục
XEM