Chưa từng có trong lịch sử: Đại biểu Quốc hội chỉ cần đi họp với chiếc smartphone

18/05/2019 09:28 AM | Xã hội

Trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV chuẩn bị diễn ra, các Đại biểu Quốc hội sẽ được cung cấp một phần mềm giúp đáp ứng mọi nhu cầu trong quá trình họp và không cần tới văn bản truyền thống.

Đại biểu Quốc hội không còn phải dùng đến giấy

Chia sẻ trong cuộc họp báo trước thềm Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ thí điểm ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong việc cung cấp thông tin cho Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Với phần mềm chuyên dụng, các đại biểu sẽ được cung cấp tài liệu hữu ích cho công việc và được hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác thông qua thiết bị smartphone cầm tay.

Ngoài những tài liệu cơ bản, phần mềm còn có thể cung cấp cho các đại biểu những thông tin bên lề của một dự án luật, chẳng hạn như nước ngoài áp dụng luật tương tự ra sao, bao nhiêu nước áp dụng. Bên cạnh đó, phần mềm còn có chức năng tra cứu kết quả của các kỳ họp trước. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc còn tập hợp hàng nghìn ý kiến cử tri và cho vào phần mềm để phục vụ các Đại biểu Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, phần mềm còn có thể cho các đại biểu biết việc giải quyết ý kiến cử tri trong các kỳ họp trước được thực hiện ra sao. Ngoài thời điểm họp Quốc hội, phần mềm còn giúp ích nhiều cho các đại biểu trong quá trình tiếp xúc cử tri. Phần mềm cũng giúp giảm thiểu việc sử dụng văn bản theo kiểu truyền thống.

Tuy nhiên, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV mới là lần đầu Quốc hội Việt Nam thí điểm sử dụng phần mềm mới. Chính vì thế, việc sử dụng văn bản bằng giấy cũng vẫn được duy trì để đảm bảo các đại biểu luôn có đủ thông tin trong trường hợp sự cố xảy ra. Phần mềm này sẽ được đánh giá, cho ý kiến vào cuối kỳ họp để được điều chỉnh cho phù hợp.

 Chưa từng có trong lịch sử: Đại biểu Quốc hội chỉ cần đi họp với chiếc smartphone  - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Quốc hội


Phần mềm mới là một phần của của việc triển khai chương trình xây dựng Quốc hội điện tử. Cùng với đó, Quốc hội sẽ cải tiến việc lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội từ hình thức bằng văn bản sang hình thức bằng bảng điện tử. Qua đó giúp việc lấy ý kiến được chính xác, nhanh chóng và thuận tiện hơn nhất là trong việc tổng hợp các ý kiến phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật.

60% thời gian để xây dựng pháp luật

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết dự kiến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sẽ khai mạc sáng 20/5 và kéo dài trong 20 ngày làm việc. Đây là kỳ họp giữa năm 2019, năm thứ tư của nhiệm kỳ. Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác trong khoảng 12 ngày.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các dự án luật, bao gồm Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phỉ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các Đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự phục vụ Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề. Phiên họp thảo luận về nội dung này tuy không được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhưng là phiên thảo luận mở, các phóng viên báo chí được trực tiếp theo dõi, đưa tin tại Trung tâm Báo chí kỳ họp.

 Chưa từng có trong lịch sử: Đại biểu Quốc hội chỉ cần đi họp với chiếc smartphone  - Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng tóm tắt về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc hội


Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: Việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.

Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành theo quy định chất vấn theo nhóm vấn đề, được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM