Chưa học hết cấp III, đi khuôn gạch thuê, cuối cùng anh nông dân này đã tìm ra con đường làm giàu từ nông sản thu 3 tỷ/năm

28/02/2017 14:03 PM | Xã hội

Nhiều lần thất bại khi nghệ sấy bị hỏng, không tìm được thị trường, hạng đọng khi lãi trả ngân hàng ngày càng tăng, nhà xưởng bị cháy thiêu rụi hơn 1 tỷ đồng, thế nhưng, anh Đông vẫn bám giữ ý chí làm giàu.

Đang học cấp III, không có tiền học tiếp, Hoàng Quang Đông (1980) ở Chí Tân, Khoái Châu, Hưng Yên theo người trong làng đi làm gạch. Công việc nặng nhọc vất vả, đứa trẻ 17 tuổi chuyển sang lái máy xúc, bươn chải nhiều nghề rồi lái xe tải thuê. Không được đủ đầy điều kiện như bạn bè cùng trang lứa, nhưng những trải nghiệm khó khăn đã cho Đông thêm những kinh nghiệm và động lực để làm giàu.

Người biến củ nghệ kho cá thành tiền đô

Trong quá trình lái xe thuê, Đông thường xuyên chở buôn sắn sấy khô từ các tỉnh miền núi về cho các nhà máy thức ăn gia súc. Nhiều bà con trên vùng cao từ nghèo khó cũng có thu nhập thường xuyên từ cây nông nghiệp này.

Vốn sinh ra và lớn lên trên đất nghệ Chí Tân có tiếng về chất lượng tốt trong cả nước, Đông nghĩ ngay đến ý tưởng lập nghiệp ở quê hương.

Thời điểm này, cánh đồng nghệ được trồng bạt ngàn. Người dân đem bán lẻ các chợ để kho cá, hoặc bán cho các nhà máy quanh vùng với giá 4.000-5.000 đồng/kg, đấy là chưa kể giá bấp bênh theo thị trường. Cũng vì thế, người thân của Đông khi biết ý tưởng của anh đều ra sức khuyên ngăn.

Với ý chí khởi nghiệp, Đông bỏ ngoài tai, sang các nhà lân cận để thuyết phục họ cho thuê lại 2 mẫu ruộng trồng nghệ, sắm máy móc, xây xưởng... Sau 9 tháng cần mẫn trên ruộng đồng và tìm hiểu thị trường, 30 tấn nghệ tươi đã được thu hoạch về đầy một sân.

Thế nhưng, áp dụng công nghệ sấy khô thủ công từ sắn, những mẻ nghệ đầu tiên cháy xém, miếng dày, miếng mỏng. Lò sấy bị đập đi xây lại biết bao nhiêu lần nhưng vẫn cho kết quả không ưng ý.

Thời điểm năm 2007-2008 lãi suất ngân hàng rất cao, hàng chục lô nghệ sấy khô đọng vốn, người ngoài nhìn vào lo lắng, Đông thì như đang ngồi trên đống lửa.

Không chịu đầu hàng với những khó khăn, sau khi anh mời các đơn vị về thiết kế lò sấy, cuối cùng cũng cho ra lò những mẻ hàng ưng ý nhất. Nhờ tìm hiểu trước khi còn đi chở sắn khô thuê, Đông cũng tìm được đầu ra cho củ nghệ quê mình.


Theo anh Đông, tinh bột nghệ phải sấy khô trong phòng kín, điều hòa thì mới giữ được nguyên chất sản phẩm. Ảnh: HMC.

Theo anh Đông, tinh bột nghệ phải sấy khô trong phòng kín, điều hòa thì mới giữ được nguyên chất sản phẩm. Ảnh: HMC.

Chưa dừng lại ở đó, một lần được mời tham gia hội thảo ở Ấn Độ, tiếp xúc với những doanh nghiệp, nhà máy sản xuất tinh bột nghệ lớn hiện đại, anh thấy tiềm năng với củ nghệ ở quê hương còn rất lớn.

So với bột nghệ thông thường, tinh bột nghệ có giá trị gấp 8 lần và hàng trăm lần so với củ tươi. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm tinh bột nghệ ở Việt Nam đều được làm thủ công, giá trị không xứng tầm với tiềm năng của nó. Cơ hội mở ra trước mắt, một lần nữa Đông lại vay vốn ngân hàng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ thông minh.

Thế nhưng, trái ngược với hy vọng của anh, sản phẩm ra lò thành công mỹ mãn nhưng lại vấp phải bài toán thị trường. Tinh bột nghệ quá mới nên chưa được thị trường biết đến và đón nhận. Hơn 2 tấn sản phẩm tồn đọng hàng tháng trời.

Đâm lao thì phải theo lao, anh hít một hơi thật sâu rồi ôm thùng hàng lên xe kiếm thị trường. Đông đến các cửa hàng dược, hàng tạp hóa, thuyết phục các chủ hàng cho ký gửi hàng không lấy một đồng tiền cọc.

Vài tháng sau, khi anh quay lại, các chủ hàng cho biết sản phẩm tinh bột nghệ rất được khách ưa dùng. Khi ấy, nghệ khô thái lát bán giá 55.000 đồng/kg, bột nghệ là 60.000 đồng nhưng tinh bột nghệ lên tới 600.000-1 triệu đồng/kg.

Năm 2013, lô hàng bột nghệ của Đông lần đầu tiên xuất được đơn hàng sang Ukraine (Nga). Một số thị trường Trung Đông cũng đang rộng đường cho sản phẩm này. Thế nhưng, khi sự nghiệp nở hoa thì một biến cố xảy ra.

Lửa đốt cháy của cải nhưng không đốt được ý chí làm giàu

Vào tháng 5/2015, lô hàng hơn 30 tấn nghệ khô thái lát trong xưởng của anh Đông đang chuẩn bị xuất sang Trung Quốc thì xảy ra hỏa hoạn. Tàn của lò sấy đã bay sang kho chứa hàng, khiến cả xưởng sản xuất cháy rụi chỉ trong một đêm, thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng.

Chứng kiến cả gia tài gây dựng bao nhiêu năm tan biến theo ngọn lửa, nước mắt Đông đã rơi. Số tiền thiệt hại quá lớn đối người nông dân như anh khi sinh ra từ vùng quê nghèo khó.


Công nghệ sản xuất tinh bột nghệ khép kín. Ảnh: HMC.

Công nghệ sản xuất tinh bột nghệ khép kín. Ảnh: HMC.

Thế nhưng, lửa đã thiêu đốt hơn 1.000 m2 nhà xưởng, hàng chục tấn hàng hóa nhưng không thiêu cháy được ý chí làm giàu của anh. Gạt đi nước mắt, anh xây dựng sự nghiệp lại từ đầu.

Chẳng bao lâu, nhà xưởng rộng hàng nghìn mét lại khang trang, 10 ha nghệ xanh rờn cánh đồng và hơn chục công nhân lại miệt mài làm việc.

Đến nay, mỗi năm, công ty Hoàng Minh Châu của anh Đông cung cấp ra thị trường 400-500 tấn các sản phẩm nghệ sấy khô, dạng bột, tinh. Trong đó, tinh bột nghệ đã chinh phục được các thị trường khó tính như Đông Âu, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, hiện đang đàm phán với Pháp, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Hiện tại, ngoài Hưng Yên, anh còn cung cấp giống nghệ, đầu tư liên kết với bà con ở một số tỉnh thành trong cả nước như Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh...

Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, anh Đông cười nói: "Nhìn thấy đứa con của mình đang lớn từng ngày, không chỉ là niềm vui của tôi mà còn hàng chục công nhân lao động và nhất là bà con nông dân đã có nguồn thu ổn định từ cây nghệ".

Điều này cũng giải mã được vì sao, mỗi khi đến Chí Tân, người ta lại nhắc đến anh Đông với một cái tên đầy ngưỡng mộ: “Vua Nghệ”.

Bị chê bai và chấm 1 sao trên TripAdvisor và cách xử trí đầy khéo léo

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM