Chưa biết có thắng nổi Grab ở quê nhà hay không, FastGo tuyên bố sắp mở dịch vụ sang cả Malaysia và Myanmar, nhắm tới trở thành ứng dụng gọi xe hàng đầu khu vực

08/10/2018 16:20 PM | Kinh doanh

Bước tiến này đến chỉ 5 tháng sau khi FastGo ra mắt tại Việt Nam.

Theo thông tin từ tờ Nikkei, FastGo - ứng dụng gọi xe Việt đang lên kế hoạch mở rộng dịch vụ sang Malaysia và Myanmar vào tháng 12 với hy vọng trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực gọi xe ở Đông Nam Á.

Bước tiến này đến chỉ 5 tháng sau khi FastGo ra mắt tại Việt Nam, định vị như một đối thủ của Grab – người chơi lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á và GoJek của Indonesia – đơn vị cũng vừa ra mắt ở Việt Nam vào tháng trước thông qua liên doanh mang tên GoViet.

FastGo cung cấp dịch vụ gọi xe riêng và xe taxi tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Đầu tháng 10, họ tuyên bố đã chiếm 20% thị phần trong nước với 30.000 tài xế đăng ký. Ứng dụng này được phát triển bởi công ty MPOS – startup công nghệ được sáng lập bởi ông Nguyễn Hữu Tuất. MPOS tạo ra giải pháp thanh toán di động đầu tiên của Việt Nam vào năm 2013 và đã liên kết với nhiều đối tác địa phương gồm cả ngân hàng và hãng bảo hiểm.

"Mặc dù lĩnh vực gọi xe ở Đông Nam Á đang bị thống trị bởi Grab và GoJek nhưng FastGo vẫn có đối tác chiến lược, mạng lưới và chiến lược thích đáng cho thị trường Indonesia và Myanmar", ông Tuất trả lời phỏng vấn tờ Nikkei.

Chưa biết có thắng nổi Grab ở quê nhà hay không, FastGo tuyên bố sắp mở dịch vụ sang cả Malaysia và Myanmar, nhắm tới trở thành ứng dụng gọi xe hàng đầu khu vực - Ảnh 1.

Ông Tuất nói rằng nền tảng này có thể cho phép FastGo mở rộng cả trong nước và khu vực và cân bằng thị trường ứng dụng gọi xe. Thị trường này hiện bị thống trị bởi 2 tên tuổi lớn vốn đang miệt mài mở rộng hệ sinh thái của họ. FastGo đang nhắm tới đạt 30% thị phần tại Malaysia và Myanmar sau 6 tháng.

MPOS vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực gọi xe, cung cấp công nghệ và nền tảng được sử dụng bởi 2 công ty gồm Mai Linh và Blue Bird của Indonesia kể từ năm 2016.

"FastGo không phải là đối thủ cạnh tranh của công ty taxi mà là đối tác. Chúng tôi cung cấp giải pháp công nghệ và nền tảng cho các công ty taxi và người chủ sở hữu xe riêng trong khi đó đưa ra nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng".

FastGo không thu hoa hồng từ tài xế nhưng họ sẽ lấy mức phí 30.000 VNĐ nếu như các lái xe kiếm được trên 400.000 VNĐ mỗi ngày.

Khách hàng mục tiêu của FastGo là những nhân viên văn phòng và người trẻ - những người sẵn sàng sử dụng thẻ tín dụng hay ứng dụng thanh toán.

CEO Tuất nói rằng doanh thu và lợi nhuận chính của công ty sẽ không tới từ mảng gọi xe mà từ các dịch vụ đang được lên kế hoạch gồm vận chuyển và cho vay tài chính.

FastGo là một thành viên của NextTechGroup – hiện đang hoạt động ở 8 quốc gia và phục vụ hơn 12 triệu khách hàng với 40.000 doanh nghiệp đối tác.

Nhà sáng lập 35 tuổi của FastGo có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghệ Việt Nam và đồng sáng lập 3 startup gồm cả PeaceSoft. Ông Tuất đã giúp những công ty này trải qua các vòng gọi vốn từ những nhà đầu tư như IDG, Softbank, eBay, AccessPortal của Malaysia và ACTIS của Anh.

NextTech cũng là đơn vị đứng sau nền tảng thương mại điện tử đầu tiên của Việt Nam là OchoDienTu, nền tảng thanh toán điện tử NganLuong và ví di động Vimo. Họ cũng liên quan tới 2 nền tảng giao dịch tiền kỹ thuật số khác.

FastGo sẽ tập trung vào làm việc với những đối tác hiện tại và khách hàng tại mỗi thị trường của NextTech.

"Không giống Grab hay GoJek, 2 người chơi lớn nhất trong khu vực xây dựng hệ sinh thái từ dịch vụ gọi xe, FastGo là dịch vụ giá trị gia tăng cho hệ sinh thái NextTech và chúng tôi sẽ tối đa hóa lợi thế của hệ thống đó".

FastGo đã gọi thành công 3 triệu USD từ quỹ VinaCapital trong vòng đầu tiên vào tháng 8. Công ty kỳ vọng huy động thêm 50 triệu USD trong vòng sau – dự kiến là quý đầu tiên của năm 2019. Đây sẽ là động lực chính nhằm thúc đẩy kế hoạch mở rộng trong khu vực. FastGo lên kế hoạch huy động vốn mỗi 6 tháng 1 lần.

FastGo kỳ vọng sẽ đưa được dịch vụ tới 20 thành phố ở Việt Nam và 5 thị trường khác ở Đông Nam Á gồm Philippines, Campuchia và Thái Lan và cuối năm sau.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM