Chưa bao giờ công bố số liệu nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nền kinh tế Triều Tiên chỉ ngang hàng với Haiti

23/05/2018 08:08 AM | Xã hội

Chuyên gia Suk đánh giá nền kinh tế của Triều Tiên ngang với các nước có thu nhập thấp như Uganda hay Haiti.

Triều Tiên là một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới khi nền kinh tế này hầu như tách biệt với bên ngoài. Chính quyền Bình Nhưỡng không công bố các số liệu chính thức và hầu hết các thông tin của chuyên gia nước ngoài chỉ mang tính phỏng đoán.

Một trong những nguồn thông tin sát thực nhất về nền kinh tế Triều Tiên là báo cáo từ Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoJ). Tuy nhiên báo cáo này dựa phần lớn vào các dự đoán tổng sản phẩm hữu hình của Triều Tiên và quy đổi ra đồng Won. Điều này không chính xác lắm bởi sản phẩm hữu hình chỉ đóng một phần vai trò trong nền kinh tế và chúng ta không thể định giá một thứ gì đó không được rao bán trên thị trường hoặc đưa vào lưu thông.

Một số liệu nữa hay được các chuyên gia xem xét là dữ liệu giao dịch của Triều Tiên với Trung Quốc, dẫu vậy những báo cáo này cũng được nhiều người cho là không chính xác.

Trước những khó khăn đó, nhiều chuyên gia đã phát triển các phương pháp khác nhau để đánh giá nền kinh tế Triều Tiên. Một số sử dụng vệ tinh để đánh giá lượng đèn thắp sáng ban đêm, sản lượng sản xuất và tốc độ đô thị hóa. Trong khi đó, một số tổ chức như Viện Huyndai Research Institute dựa trên tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và năng suất cây trồng của Triều Tiên để đánh giá nền kinh tế.

Mới đây, chuyên gia kinh tế Suk Lee của Viện Korea Development Institute lại cho ra một báo cáo khá mới lạ khi đánh giá nền kinh tế Triều Tiên qua việc so sánh tỷ lệ sử dụng khí đốt làm nhiên liệu nấu ăn với những nước có thu nhập thấp khác.

Theo số liệu được điều tra tại Triều Tiên vào năm 2008, khoảng gần 93% số hộ gia đình tại đây không có điều kiện sử dụng khí đốt hay điện mà hoàn toàn phụ thuộc vào củi lửa hoặc than đá. Như vậy, chuyên gia Suk đánh giá nền kinh tế của Triều Tiên ngang với các nước có thu nhập thấp như Uganda hay Haiti. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập bình quân đầu người theo sức mua (PPP) của Triều Tiên vào khoảng 948-1.361 USD vào năm 2008.

Nền kinh tế Triều Tiên được cho là đã có những tiến bộ đáng kể từ đợt đói lịch sử thập niên 1990. Chính quyền Bình Nhưỡng đã nới lỏng để thị trường tự do được phát triển phần nào. Mặc dù phần lớn người dân Triều Tiên vẫn được đánh giá là nghèo so với chuẩn thế giới nhưng việc thủ đô Bình Nhưỡng có nhiều cửa hàng, xe taxi đã cho thấy sự mở cửa của nền kinh tế này.

BT

Cùng chuyên mục
XEM