Chủ tịch VCCI đề xuất Nhà nước cân nhắc hỗ trợ nguồn lực cho thị trường bất động sản vượt khó

16/12/2022 10:07 AM | Kinh doanh

Theo Chủ tịch VCCI, nguồn hỗ trợ đó có thể là một nguồn vốn nhất định cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất cho người lao động chưa có nhà được vay để mua căn hộ, hoặc nhà ở theo tiêu chuẩn trung cấp trở xuống.

Chủ tịch VCCI đề xuất Nhà nước cân nhắc hỗ trợ nguồn lực cho thị trường bất động sản vượt khó - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công.

Một năm biến động của thị trường địa ốc

Phát biểu khai mạc “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường Bất động sản năm 2022” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã có những nhận định chung về thị trường địa ốc. Theo ông Công, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam vừa trải qua một năm 2022 đầy biến động.

Đáng chú ý, dòng vốn cho bất động sản suy giảm đột ngột, tín dụng hết room. Các doanh nghiệp bất động sản vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của những khó khăn này. Bên cạnh đó, chứng khoán cũng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp bán giải chấp khiến dòng vốn đầu tư ngày càng khó khăn. Ông Phạm Tấn Công đánh giá, tất cả những điều này tạo ra bối cảnh hết sức khó khăn cho ngành bất động sản.

Về nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn đặt vấn đề, lỗi cũng từ các doanh nghiệp địa ốc như về vốn, sản phẩm. Và đây là giai đoạn mà doanh nghiệp rút ra bài học, rút kinh nghiệm để phát triển bền vững.

Chủ tịch VCCI thẳng thắn chia sẻ rằng: Khi vốn huy động xã hội không được đổ vào tạo sản phẩm cho thị trường bất động sản, nhưng một tỷ lệ lớn đổ vào đầu cơ, mở rộng quỹ đất thâu tóm dự án quỹ đất khiến dòng tiền tương lai bị chặn đứng. Doanh nghiệp trông chờ vào tăng giá đất đai là khiếm khuyết lớn, là bài học chúng ta cần rút ra.

“Chúng ta huy động vốn để tạo ra sản phẩm bất động sản không phải là thâu tóm đất đai”, ông Công nhấn mạnh. Đặc biệt là các sản phẩm chào bán ra thị trường chưa phù hợp với nhu cầu mà tập trung phục vụ nhu cầu đầu cơ. Đó là điểm yếu chí mạng của thị trường bất động sản.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI dẫn thông tin, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, vào tháng 11, tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Việc làm này, đã kịp thời giúp ổn định phần nào tâm lý, niềm tin cho thị trường, cho cho các nhà đầu tư cũng như cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản.

Cùng với việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, ngay ngày hôm qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững.

Từ thực tế này, ông Công yêu cầu doanh nghiệp cần khách quan nhìn nhận, có tầm nhìn phát triển bền vững, bởi thời kỳ vàng son của vốn rẻ cũng đã kết thúc theo covid-19.

Chủ tịch VCCI cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm tới. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. B

ên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới. Trong đó việc thích ứng để có thể quản lý thay đổi, quản lý rủi ro....

Đặc biệt, doanh nghiệp bất động sản cần phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất từ khâu huy động vốn hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết... Đặc biệt, việc huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng cụ thể.

Về phía Nhà nước, ông Phạm Tấn Công đề xuất, Nhà nước cũng cần cân nhắc hỗ trợ một nguồn lực nhất định giúp thị trường có trợ lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Đó có thể là một nguồn vốn nhất định cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất cho người lao động chưa có nhà được vay để mua căn hộ, hoặc nhà ở theo tiêu chuẩn trung cấp trở xuống. Điều này sẽ tạo dòng tiền mới cho thị trường, vừa kết hợp người dân mua nhà để ở theo tinh thần tự chọn lựa căn nhà phù hợp.

Trên cơ sở đánh giá tín hiệu tích cực như thị trường 100 triệu dân, kinh tế và mức sống tăng trưởng nhanh, tốc độ đô thị hoá cao, trong dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tốt, Chủ tịch VCCI tin rằng thị trường sẽ vượt khó thành công và sớm khởi sắc trở lại.

Theo Triệu Vương

Cùng chuyên mục
XEM