Chủ tịch Trần Kim Thành: Bánh kẹo đã là quá khứ, dầu ăn Kido sẽ vươn lên số 1 thị trường

01/08/2016 11:00 AM | Kinh doanh

"Dầu ăn của Kido (Kinh Đô cũ) sẽ là số 1. Ngay khi lập chiến lược, dầu ăn Kido đã muốn vươn lên số 1"

Chiến lược vươn lên số 1 về dầu ăn của Chủ tịch Kido Trần Kim Thành

Đó là điều ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Kido chia sẻ với Cafebiz tại buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tại TP HCM ngày 29/7.

Kinh Đô (nay là Kido) để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt ở nhiều thế hệ ở mảng bánh kẹo. Từ lâu, nhắc đến bánh trung thu, đến Cosy là người ta nhớ đến thương hiệu "vương miện đỏ".

Năm 2014, Kido đã bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác Mondelēz International, tập đoàn thức ăn nhẹ lớn hàng đầu thế giới của Mỹ. Tháng 6 vừa rồi, tập đoàn của ông Trần Kim Thành bán nốt 20% của mảng làm nên tên tuổi của Kido này. Hiện Kido tập trung vào dầu ăn, kem và mì gói.

Ông Trần Kim Thành đã chia sẻ những chiến lược để dầu ăn Kido đứng vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam.

"Dầu ăn của Kido (Kinh Đô cũ) sẽ là số 1. Ngay khi lập chiến lược, dầu ăn Kido đã muốn vươn lên số 1, chớ không lập chiến lược để thấp hơn", ông Thành trả lời câu hỏi của Cafebiz về mong muốn thị phần dầu ăn của Kido tại thị trường Việt Nam.

Ông Thành cho biết ngành dầu khó nhất là giá dầu lên xuống. Lên kế hoạch rồi, giá dầu lên, có thể đạt được doanh số nhưng không có lợi nhuận. Quản lý giá dầu là khía cạnh quan trọng nhất trong làm dầu. Ở ngành sữa, Vinamilk khống chế được nguồn sữa nên mới có được thị trường như ngày hôm nay.

"Dầu trên thị trường hiện gồm dầu mè, dầu đậu nành, dầu đậu phộng, dầu hướng dương.... Vấn đề ở chỗ người tiêu dùng cần dầu gì: Loại dầu mà chiên xong không bị đổi màu, không sinh ra những chất có hại cho sức khỏe. Người tiêu dùng cần dầu ăn hơn là thứ dầu gì trong đó. Họ không quan tâm là hướng dương hay đậu nành mà là chiên rồi màu dầu không bị đổi. Dầu ăn của Kido đã vào thị trường rất ngọt bằng dầu bền nhiệt", Chủ tịch tập đoàn Kido nói.

Doanh nhân này cho biết thêm ông từng cân nhắc chuyện có nên trồng cọ để lấy dầu không nhưng kết quả Kido đã không mua đảo trồng cọ. "Tôi đã từng đến đảo cọ để xem xét việc có nên mua đảo hay không. Đảo đó cho ra chất lượng dầu cọ rất tốt nhưng đồ dùng thiết yếu phải lấy từ đất liền. Mình không thể xây nhà xưởng ở đó để ngày đêm chở nước, lương thực qua đó. Tôi thấy không ổn nên không mua đảo đó", Chủ tịch Kido kể.

Theo ông Thành, giải quyết vấn đề nguyên liệu cực kỳ quan trọng. Kido tìm mọi cách để giải quyết vấn đề nguyên liệu. Cần ép dầu, cảng, bồn chứa rồi các công đoạn khác. Kido quyết định, về phần mua dầu, các tập đoàn đa quốc gia đã vào Việt Nam rồi thì Kido chơi hết 4 đại gia về dầu trên thế giới. 4 công ty này đều muốn vào Việt Nam và Kido đã ký với một công ty dầu cọ lớn nhất thế giới. Kido đã đưa giá dầu xuống. Công ty có chế độ quản lý mua dầu rất kỹ để tránh trường hợp mua dầu rồi, giá tự nhiên xuống là doanh nghiệp lỗ.

Lãnh đạo Kido tỉ mỉ đưa ra những phân tích về người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng chiên chả giò, họ không nhìn thấy chả giò như thế nào do dầu sủi bọt nhiều. Khi nhấc lên miếng chả giò đen thui. Kido cho sản phẩm ít sủi bọt để người tiêu dùng nhìn rõ sản phẩm.

"Một điểm nữa, khi đang chiên, dầu ăn bốc khói, người tiêu dùng cho rằng đó là dầu pha. Họ không biết nhà sản xuất pha cái gì. Dầu cua Kido không bốc khói", ông Thành bổ sung thêm.

Tiếp đó, lãnh đạo Kido nhắc đến bài toán vạn chuyển, kho bãi nhập hàng, dịch vụ. "Người đầu tàu làm sao chỉ đạo được mọi gười cùng làm. Bộ phận tài chính, nhân sự làm gì, ngân sách ra sao. Việc chọn người đảm nhiệm cũng rất quan trọng: phải cẩn thận, trung thực. Nhân sự làm marketing là người hiểu ngành dầu thì rấ tốt. Nếu không hiểu thì Kido sẽ hợp tác với bên ngoài", doanh nhân nói.

Ông Thành cho biết Kido đã hợp tác với trường Đại học Bách Khoa để thành lập trung tâm nghiên cứu nhằm cho ra sản phẩm tốt nhất.

Đã nhìn thy th trường bao la ca du ăn 7 năm trước

"7 năm trước tôi đã nhìn thấy cơ hội về dầu ăn. Làm sao chọn được ngành vừa lớn lại vừa né được những biến động của nền kinh tế. Dầu ăn là thiết yếu với cuộc sống, làm sao thiếu được dầu ăn trong bếp mỗi nhà. Bắc cái chảo lên, không có dầu, làm sao xào nấu gì. Mà chiên mới nhanh", ông Thành cho hay.

Theo doanh nhân, ngành dầu còn nhiều không gian để phát triển. Chỉ riêng từ dầu động vật chuyển sang thực vật thì thị trường còn bao la. Cái áo này rất phù hợp với Kido. Năm 2017, bức tranh Kido sẽ khác hoàn toàn, sẽ thành công.

Trước đó, ngày 22/6, Kinh Đô đã ký kết với nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới là Felda Global Ventures (FGV) và Tập đoàn Indo-Trans Logistics Coporation (ITL) để thành lập liên doanh sản xuất dầu ăn từ cọ lớn nhất Việt Nam sau khi đã mua 51% cổ phần tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).

Với doanh thu dự kiến đạt tới 5.625 tỉ đồng vào năm 2016, Vocarimex sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn trong những năm tới, có thể chiếm tỉ trọng lớn và đủ bù đắp phần thiếu hụt của mảng bánh kẹo.

Nắm được Vocarimex, Tập đoàn Kido sẽ lên ngôi vị độc quyền trong ngành dầu ăn nội địa, khi nắm giữ hơn 80% thị phần. Bởi lẽ, Vocarimex đang sở hữu tới 51% cổ phần của Dầu Thực vật Tường An, 49% cổ phần của Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, 27% cổ phần trong Dầu Thực vật Tân Bình (Nakydaco) cũng như có cổ phần tại một số doanh nghiệp dầu ăn nhỏ khác.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM