Chủ tịch TBS Group nói về TPP: Mỹ chiếm chưa tới 1/3 số dòng hàng XK ngành thời trang, chúng ta còn nhiều thị trường khác không nên bỏ qua

20/09/2017 14:31 PM | Kinh tế vĩ mô

Chỉ sau một đêm thức dậy với kết quả bầu cử tại Mỹ, có vẻ như mọi thứ sẽ trở nên màu xám với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ vậy, công nghệ mới cũng đang phá vỡ nhiều quy tắc cũ,... Tại Diễn đàn kinh doanh 2017 của Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, câu chuyện TPP được nhắc lại, không phải để tiếc nuối mà cùng nhau tìm ra các cơ hội thị trường mới.

"Ngoài sản xuất trong nước và xuất khẩu sang các thị trường truyền thông như châu Âu và Mỹ, tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện xuất các sản phẩm này trở lại Trung Quốc?", đó là câu hỏi bà Somhatai Panichewa, Chủ tịch Ban đầu tư của Amata Corporation PCL, CEO Amata Vietnam PCL, Chủ tịch Amata (Vietnam) JSC đặt ra trước viễn cảnh TPP không thành.

Theo nữ CEO này, Việt Nam đang ở trong một nhóm các quốc gia Đông Nam Á có tiếng nói mạnh mẽ, nằm trong nhóm 5 quốc gia có nhiều lợi thế nhất trong thương mại với Trung Quốc sau biến động về TPP.

Bà Somhatai Panichewa cũng nhấn mạnh không có TPP, các nước cần hợp tác với Trung Quốc, một quốc gia lớn về mặt thương mại.

May mặc vốn là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất khi TPP đổ vỡ, trước mốc thời gian quyết định đó, rất nhiều nhà đầu tư của khu công nghiệp Amata đã lên kế hoạch mở rộng để đầu tư trong các ngành may mặc, và hiện đã dừng lại. 

Chủ tịch TBS Group nói về TPP: Mỹ chiếm chưa tới 1/3 số dòng hàng XK ngành thời trang, chúng ta còn nhiều thị trường khác không nên bỏ qua - Ảnh 1.

Bà Somhatai Panichewa

Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này lại cho rằng hãy nghĩ đến Trung Quốc, là một trong những thị trường lớn nhất, và hiện tại chi phí ở Trung Quốc đang cao lên từng ngày, có rất nhiều nhà máy sản xuất đã rời Trung Quốc và xây dựng mối quan hệ đối tác với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, nguồn đầu tư có xu hướng dịch chuyển xuống các nước bên dưới Trung Quốc như là Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam. Đây chính xác sẽ là thị trường và nguồn lao động dự phòng của họ, là những mục tiêu mới.

Đồn tình với quan điểm của bà Panichewa, Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành TBS Group, tập đoàn chuyên xuất khẩu da giày cho biết: "Thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng chưa tới 1/3 con số dòng hàng xuất khẩu của ngành thời trang, chúng ta còn có Nga, Trung Quốc và các thị trường khác, đó là cơ hội mà chúng ta không nên bỏ qua". 

Theo tổng hợp, dòng hàng xuất khẩu của Việt Nam trung bình đạt giá trị 200 tỷ đô la mỗi năm, trong đó Da giày và ngành công nghiệp thời trang khác chiếm từ 50 đến 60 tỷ đô la, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng chưa tới 1/3 con số này. Vì vậy, theo ông Thuấn cơ hội thị trường còn rất rộng lớn. Ngoài TPP, Việt Nam có lợi thế ở 4 Hiệp định khác, đặc biệt lợi thế khi vào thị trường Nga và các nước Đông Âu.

Hiện Nga đã có hàng trăm dự án lớn, nhỏ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại chủ yếu của Nga tại châu Á và xếp thứ hai trong Cộng đồng ASEAN. Đến năm 2015, kim ngạch thương mại song phương có bước phát triển nhanh hơn giai đoạn trước, với mức tăng bình quân khoảng 21%/năm. Đây chính là cơ hội mà các nhà đầu tư nên nhìn nhận. 

Vấn đề thứ hai nằm ở nguồn lực các ngành xuất khẩu của chúng ta, hiện có khoảng 20 ngành nghề chính, đến năm 2020 đem lại thu nhập bình quân trên đầu người mới lên 5 đến 6 nghìn đô la. 

"Hiện tại ở Trung Quốc con số này là 7 nghìn đô la, trong khi đó chúng ta chỉ cần 5% lượng hàng xuất khẩu đồng loại của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và các nước Asean, đây là cơ hội đầu tư lớn chứ không còn là thách thức. Nếu có TPP thì điều đó còn tuyệt vời hơn nữa", doanh nhân này lạc quan..

Một điều thường thấy là việc đổ lỗi cho cơ chế hay chính sách khi so sánh tốc độ phát triển, tuy nhiên bà Somhatai Panichewa cho rằng chính sách không phải là mấu chốt duy nhất, mà vấn đề nằm ở con người và giáo dục. 

Con người chính là nguồn lực tốt nhất mà chúng ta phải đầu tư phát triển, như Singapore, một quốc gia rất gần Việt Nam đã thành công rực rỡ. Để cảm nhận tốt trước một thế giới đang thay đổi thì ngoài chính sách của nhà nước ra, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, khi nguồn nhân lực tốt chúng ta mới nghĩ đến chính sách tốt và hai điều này song hành với nhau tạo nên sự phát triển lâu dài.

Ngoài ra các doanh nghiệp cần đổi mới, nhanh chóng thích nghi trước bối cảnh mới. Ngay như chính trong ngành thời trang, trước tốc độ phát triển thần tốc của Khoa học Công nghệ thế giới, để cạnh tranh thì chỉ trong 20 năm, công ty ông Thuấn đã thay đổi đến 4 đời Công nghệ.

Nguyễn Việt Hùng

Cùng chuyên mục
XEM