“Chủ tịch nước, Thủ tướng nên giải thích chuyện phong tướng”

30/03/2016 15:33 PM | Xã hội

Phản ánh nhận xét của cử tri là đất nước thời bình mà quá nhiều tướng, đại biểu cho rằng không chỉ có Chủ tịch nước mà cả Thủ tướng cũng cần có lời giải thích.

Thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sáng 29/3 tại Quốc hội, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề cập một trong những nhiệm vụ Chủ tịch nước là phong các hàm, cấp trong cấp tướng .

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch nước cho biết với quyền thống lĩnh vực lượng vũ trang, trong 5 năm, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong thăng hàm cấp tướng cho hơn 300 sĩ quan (gồm 194 sĩ quan quân đội và 119 sĩ quan công an), trong đó có 3 thượng tướng được thăng lên hàm đại tướng, 23 trung tướng lên thượng tướng, 55 thiếu tướng lên trung tướng, 211 đại tá lên thiếu tướng.

“Thời gian vừa qua, cử tri có nhiều ý kiến là tại sao trong thời gian chiến tranh, chúng ta có đến hơn 1 triệu quân chính quy, nhưng số lượng cấp tướng trong lực lượng vũ trang của chúng ta chỉ có 72 người cho đến khi kết thúc thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Nhưng, đến thời kỳ hiện nay, chúng ta có khoảng 400 cấp tướng”, ông Thường phản ánh.

“Cử tri cho rằng như vậy là quá nhiều, tôi không khẳng định đấy là nhiều hay ít, bởi vì còn phụ thuộc vào sự chính quy của quân đội. Nhưng tôi nghĩ rằng trong bản báo cáo, Chủ tịch nước cũng nên giải thích chỗ này và cần có giải thích của Thủ tướng, bởi vì Thủ tướng là người đề xuất để Chủ tịch nước bổ nhiệm, phong hàm”, đại biểu Thường nêu quan điểm.

Vẫn liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước, đại biểu Thường còn băn khoăn về công tác đặc xá.

Dẫn báo cáo, đại biểu cho biết nhiệm kỳ vừa qua Chủ tịch nước đã ký đặc xá 33.999 người.

Ông Thường cho rằng cần đánh giá thử xem hoạt động này hiệu quả đến đâu và đặc biệt là trong số đã đặc xá thì bao nhiêu trường hợp tái phạm và cần bổ sung số liệu chính thức vào báo cáo này.

Bởi vì, nhân đạo với một người, nhưng nếu như một người đó tha không đúng ra ngoài xã hội thì có thể bản thân họ gây hại cho nhiều người, có nghĩa là không nhân đạo với nhiều người, đại biểu Thường lập luận.

Bên cạnh đại biểu Thường, khá nhiều ý kiến khác cũng góp ý về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước.

Cùng đơn vị bầu cử với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang , đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh 3 nhận xét trong nhiều ưu điểm mà cử tri dành cho Chủ tịch nước. Thứ nhất là toàn tâm, toàn ý để thực hiện nhiệm vụ và luôn luôn trăn trở với sự phát triển của đất nước, vấn đề an ninh, vấn đề bảo vệ chủ quyền.

Thứ hai là gắn bó rất chặt chẽ với cử tri, đã tham gia hơn 70 buổi tiếp xúc cử tri, trong đó tham gia trực tiếp việc xét khiếu nại, tố cáo của công dân khá nhiều trường hợp.

Thứ ba là đóng góp rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại để tạo điều kiện cho Chính phủ đạt thành công về đối ngoại như mong muốn.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM