Chủ tịch Hòa Bình: 10-20 năm trước chúng tôi chỉ làm thầu phụ, giờ đây đã thành tổng thầu nhiều công trình lớn, cao cấp

11/12/2017 15:00 PM | Kinh doanh

"Tôi nghĩ là trong một số loại hình công trình, các công ty Việt Nam đang giữ ở thế thượng phong. Nhiều công trình khác đang còn đi sau, chưa thể cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài. Như hệ thống điện ngầm metro chúng ta chưa có kinh nghiệm để cạnh tranh hay cảng như nhà máy lọc dầu"

Đó là ý kiến của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tại một sự kiện kinh tế vừa diễn ra tại TP HCM. Nguời điều phối chuơng trình đã có cuộc trao đổi với ông Hải xung quanh câu chuyện cạnh tranh trong ngành xây dựng.

* Theo ông, cạnh tranh trong ngành xây dựng như thế nào giữa doanh nghiệp nội và ngoại?

- Tôi nghĩ mỗi ngành nghề có năng lực cạnh tranh nhất định. Trong ngành xây dựng có thể khẳng định, ở một số lĩnh vực xây dựng dân dụng, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với nước ngoài, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Trong 10-20 năm trước chúng ta rất lạc hậu, có khoảng cách xa với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Nhưng hiện nay, chúng ta đã có thể làm tốt các công trình như nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học… Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các công ty xây dựng Việt Nam tại nước ngoài còn hạn chế nhưng có triển vọng rất lớn. Nếu có một chiến lược mang tầm quốc gia thì doanh nghiệp xây dựng Việt cũng có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.

* Nhiều năm qua, Hòa Bình đã làm thầu phụ. Hòa Bình giờ đã làm tổng thầu cho dự án lớn chưa?

- Khoảng 10-20 năm trước Hòa Bình chỉ làm thầu phụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hòa Bình làm tổng thầu nhiều công trình lớn như Sài Gòn Centre giai đoạn 2 và 3. Khách sạn 5 sao WJ Mariot, công trình nhà ở cao cấp đầu tư nước ngoài. Hòa Bình cũng thực hiện trong vai trò tổng thầu. Kể cả công trình mở rộng sân bay quốc tế cũng là tổng thầu giai đoạn 1,2.

* Như vậy, các công ty xây dựng Việt Nam nói chung và Hòa Bình nói riêng đã chiếm thượng phong chưa?

- Tôi nghĩ là trong một số loại hình công trình, đang giữ ở thế thượng phong. Nhiều công trình khác đang còn đi sau, chưa thể cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài. Như hệ thống điện ngầm metro chúng ta chưa có kinh nghiệm để cạnh tranh hay cảng như nhà máy lọc dầu. Còn công trình công nghiệp hiện nay nhà thầu trong nước cũng đứng ra làm tổng thầu. Chúng tôi là 1 trong 2 nhà thầu của Thép Hòa Phát.

* Vốn rất quan trọng với doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng có bị yếu thế về lĩnh vực này không?

- Chúng tôi đã niêm yết thì vấn đề vốn không phải quá khó khăn. Ngoài tài trợ từ ngân hàng trong nước cũng có tài trợ của ngân hàng nước ngoài. Nếu thiếu có thể phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

* Hòa Bình có hợp tác với các doanh nghiệp khác không?

- Chúng tôi hợp tác nhiều. Chẳng hạn như hợp tác trong thầu phụ, hợp tác với nhà cung cấp, thi công chuyên ngành, nhà cung cấp trang thiết bị nước ngoài, nhà thiết kế dự án.

Địa ốc Hoà Bình đã có những chuyển biến đáng kể khi liên tục trúng thầu và nhận được tín nhiệm từ các chủ đầu tư lớn như Sungroup hay Novaland trong năm 2015.

Năm 2016, kết quả kinh doanh của HBC cũng khá ấn tượng với doanh thu cán mốc 10.000 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần năm 2015), bỏ xa một vài nhà thầu xây dựng khác, là công ty có doanh thu đứng thứ 2 trong ngành xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán (chỉ sau Coteccons).

Năm 2016, Hòa Bình cũng đạt mức lãi kỷ lục đạt hơn 700 tỷ đồng so với mức lợi nhuận 120 tỷ hồi năm 2015 tăng gấp 6 lần.

11 tháng đầu năm 2017, doanh thu của HBC ước đạt 14.500 tỷ đồng và con số này có thể nâng lên mức 16.500 tỷ đồng trong năm 2017, tức vượt 5% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế có thể vượt 10% - 15% kế hoạch, đạt khoảng 920 - 960 tỷ đồng.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM