Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị HN: Nếu cứ "bắt cóc bỏ đĩa" thì 10 năm sau Việt Nam vẫn ăn toàn thực phẩm bẩn

04/05/2016 12:37 PM | Kinh tế vĩ mô

"Nếu chúng ta vẫn làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay thì đến 10 năm nữa thực phẩm của chúng ta vẫn thế, và người chịu thiệt hại nhất vẫn chính là những người tiêu dùng", Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Mặc dù Việt Nam đã hoàn thiện luật về An toàn thực phẩm, Luật bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan chức năng quản lý về ATVSTP luôn cho rằng mình đã làm tốt công việc được giao nhưng vẫn xảy ra tình trạng rau thừa dư lượng hóa chất, thịt nhiễm chất tăng trọng, thực phẩm chứa chất bảo quản...

Câu hỏi nhiều người đặt ra là: Vì sao người tiêu dùng vẫn không thể biết chính xác chất lượng các sản phẩm mình tiêu dùng hàng ngày?

Trả lời câu hỏi tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn?” diễn ra sáng nay 4/5 (Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức), ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định: Vấn đề thực phẩm bẩn của Việt Nam hiện nay thực chất là quốc nạn.

Theo ông Phú, lý do là bởi cách làm của chúng ta hiện nay chưa khoa học, không kiểm soát ở sản xuất mà lại kiểm soát ở khâu bán lẻ là chính. Tức là không kiểm soát ở gốc mà lại kiểm soát ở ngọn.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng đề xuất, cơ quan quản lý hãy chọn một số loại thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, rau, quả để thí nghiệm kiểm soát trước chứ không có sức lực, tiền bạc để làm tất cả các mặt hàng (30.000 mặt hàng/siêu thị).

Tất cả những loại ăn vào bụng thì miễn tỷ lệ phí và tất cả các chi phí có liên quan đến thực phẩm cho nhân dân, thuế VAT phải bằng 0 (thu không đáng bao nhiêu).

Ngoài ra, cần phải thiết lập được chuỗi sản xuất phân phối. Theo Quyết định 27/CP năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thì người sản xuất những mặt hàng thiết yếu phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng và giá cả khi đến tay người tiêu dùng.

"Hiện tại chúng ta chưa làm được điều này. Tôi khẳng định: Nếu chúng ta vẫn làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay thì đến 10 năm nữa thực phẩm của chúng ta vẫn thế, và người chịu thiệt hại nhất vẫn chính là những người tiêu dùng", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Thực tế, chưa bao giờ vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như hiện nay. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát, xử lý nhưng thực phẩm bẩn vẫn tràn vào nhà hàng, quán nhậu và mâm cơm mỗi gia đình người Việt.

Hậu quả là, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể do ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới. Số người chết hằng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh.

Thậm chí, thực phẩm bẩn còn hạn chế khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng ra nước ngoài. Trong năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam, 17 sản phẩm phải ngừng xuất khẩu để làm rõ thông tin chất lượng.

Trước đó, năm 2014, Việt Nam cũng có tới 130 sản phẩm không được phép xuất khẩu trực tiếp vào EU; 51 lô hàng bị phát hiện chứa hóa chất, kháng sinh quá cao, tăng gấp 7 lần so năm 2013.

"Tôi khẳng định, đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước và chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá để có những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. Theo tôi, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa mà còn ảnh hưởng tới đầu tư, du lịch", ông Phú khẳng định.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM