Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM: Doanh nghiệp bất động sản bây giờ là phải tạo ra sự khác biệt

17/04/2017 09:33 AM | Kinh doanh

"Bất động sản bây giờ là phải tạo ra sự khác biệt. Hiện nay, chúng tôi có doanh nghiệp bất động sản như anh Dương Thaco ở Đại Quang Minh, là chọn ra một hướng đi cho mình, hướng đi xanh thân thiện môi trường".

Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, trong sự kiện Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017 tại TP HCM ngày 15/4.

Theo ông Châu, các doanh nghiệp BĐS năm 2017 phải tiếp tục nỗ lực. "Chúng tôi thấy tái cấu trúc lại sản phẩm, doanh nghiệp là yêu cầu sống còn với doanh nghiệp. Có một điều mà tôi từng nghe, năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu dài, nó hầu như là tất cả", ông Châu nói.

Lãnh đạo Hiệp hội BĐS TP HCM nhấn mạnh: "Bất động sản bây giờ là phải tạo ra sự khác biệt. Hiện nay, chúng tôi có doanh nghiệp bất động sản như anh Trần Bá Dương (ông Dương Thaco) ở Đại Quang Minh, là chọn ra một hướng đi cho mình, hướng đi xanh thân thiện môi trường". Đại Quang Minh là công ty con của Thaco và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Ông Châu cho rằng như ông Dương không phải chỉ làm nhà ở mà còn làm hạ tầng giao thông như công viên, tạo tiện ích cho khách hàng rất lớn. Các doanh nghiệp BĐS đang cố gắng tạo ra không gian sống vừa đảm bảo chất lượng, vừa phù hợp điều kiện tài chính mà khách hàng nhắm tới.

Ông Châu đề cập đến chuyện thể chế trong bất động sản. Theo ông, ở bất động sản, thể chế là yếu tố đầu tiên. Vì nó đi đôi với quy trình, thủ tục. Năm 2017 là năm đầy thách thức, có cơ hội nhưng thách thức rất lớn.

5 điểm nghẽn trong bất động sản trong năm 2017

Ông Châu cho rằng thách thức của BĐS trong năm 2017 chính là phải đối mặt với 5 điểm nghẽn này.

Thứ nhất, điểm nghẽn suốt 20 năm nay là không biết tiền sử dụng đất là bao nhiêu. Nhà đầu tư có 2 câu hỏi không giải đáp được: chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất phải đóng cho nhà nước là bao nhiêu. Làm kinh doanh không biết chi phí đầu vào thì là điều mà ai làm BĐS cũng phải đương đầu.

"Trong cơ chế như vậy thì chúng tôi gặp rất nhiều áp lực. Chúng tôi đã đề nghị và được chủ tịch thành phố chấp nhận để đề xuất lên thủ tướng chính phủ biến tiền sử dụng đất đó thành thuế cho minh bạch. Tiền sử dụng đất tính theo giá thị trường và tính 10 hay 15% gì đó. Để từ đó, doanh nghiệp cân nhắc có nên làm hay không nên làm. Và làm thì chi phí bao nhiêu. Như vậy hiện nay, khó lòng giải quyết được vấn đề này. Hiện tại làm sao xét quy trình sử dụng đất đơn giản hơn, hiện mất khoảng trên dưới 3 năm", ông Châu giải thích.

Thứ hai là giải phóng mặt bằng. Theo quy tắc là phải thương lượng, mua lại đất của người có đất. Có dự án, như Estalla ở quận 2 giải phóng mặt bằng tới 98%, còn 2% mất 9 năm. Nên chi phí về cơ hội, thời gian gặp nhiều khó khăn.

Điểm nghẽn thứ ba là về mặt tín dụng. Bất động sản là mặt hàng kinh doanh về mặt trung hạn và ngắn hạn. Trong khi đó, TP HCM chưa có cấu trúc tín dụng trung hạn và dài hạn.

Khi nhà nước sửa thông tin 36 và đưa thông tư 06 thì đang trong quá trình hạn chế tín dụng vào bất động sản. Các doanh nghiệp trong ngành phải tìm kiếm nguồn vốn từ đầu tư, khách hàng, thị trường chứng khoán.

Qua thị trường chứng khoán, Việt Nam hiện có một quỹ rất nhỏ của Techcombank. Hiện cơ chế tín dụng còn rất khó. Tín dụng dành cho người mua nhà xã hội nhưng chưa tái cấu trúc được nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Vừa rồi những người mua được nhà xã hội là từ gói 3.000 tỷ, chứ không phải chính sách của luật nhà ở.

Thứ tư là chuyển nhượng dự án. TPHCM có 1270 dựa án, có 500 dự án tạm ngừng nhưng chuyển nhượng rất khó khăn. Trước đây có 7 điều kiện giờ còn 6 điều kiện. Đó là tảng băng chìm của hàng tồn kho.

Thứ năm, luật dự thảo về sửa đổi, bổ sung về đầu tư kinh doanh nhưng chưa được thông qua. "Dự kiến năm nay chúng tôi tiếp tục trình. Môi trường kd năm 2017 sẽ tốt hơn", ông Châu cho biết.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM