Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam : Ngành VLXD đang gặp khó, có hiệp hội phải gửi văn bản khuyến nghị hội viên giảm công suất 20% thay vì áp dụng chính sách giảm giá

15/06/2019 09:15 AM | Bất động sản

Chia sẻ tại buổi lễ giới thiệu Triển lãm quốc tế Vietbuild 2019 tại TPHCM, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết ngành vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nhất định do thị trường bất động sản trầm lắng. Ngoài sản phẩm xi măng và sắt thép được tiêu thụ tốt thì nhiều sản phẩm khác gặp khó khăn.

Ngành vật liệu xây dựng thời gian qua có dấu hiệu giảm sút do chính sách kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản, đặc biệt là kiểm soát các khoản vay trên 3 tỉ đồng 

Theo chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một số sản phẩm thuộc ngành vật liệu xây dựng đang gặp khó, có hiệp hội đã phải gửi văn bản khuyến nghị hội viên giảm công suất 20% thay vì áp dụng chính sách giảm giá.

Trong bối cảnh giá điện, than, xăng dầu đang tăng, theo ông Nam, chính sách giảm giá tỏ ra không hữu hiệu, đặc biệt là khi thị trường không có nhu cầu.

Điểm sáng duy nhất của ngành vật liệu xây dựng trong thời gian qua tập trung ở lượng tiêu thụ hai sản phẩm xi măng và sắt thép.

Ông Nam phân tích rằng nguồn sắp thép nhập khẩu chiếm 60% - 70% nhu cầu tiêu thụ nội địa, do đó nếu mặt hàng này suy giảm thì chỉ suy giảm sản lượng nhập khẩu.

Mặc dù sản phẩm xi măng chỉ tiêu thụ bằng 80% so với cùng kỳ nhưng ngành xi măng hưởng lợi lớn nhờ chính sách quản lý thắt chặt của Trung Quốc đối với hoạt động sản xuất xi măng gây ô nhiễm.

Tận dụng khoảng trống đó, Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc trong năm vừa qua, đạt con số 30 triệu tấn. Giá bán trung bình từ 18-20 USD đã tăng lên đến 40 USD.

Cũng tại buổi họp báo, lý giải hiện tượng vật liệu xây dựng của khu vực Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị ứ đọng, ông Nguyễn Quang Cung - phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam - cho rằng nguyên nhân đầu tiên là xu hướng vật liệu tấm ốp làm tường phát triển mạnh thay thế vật liệu xây tường.

Bên cạnh đó, khu vực quanh Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh có cao trào đầu tư công nghệ tiên tiến và lò sản xuất lớn để làm gạch xây nên nguồn cung dư thừa.

Hiện tượng trên không xảy ra ở các tỉnh miền Trung và phía Nam vì thiếu cát ven sông, nếu phải dùng đất đồi làm gạch sẽ khiến giá thành đội lên nên ít doanh nghiệp đầu tư.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM