Chủ tịch HĐQT Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh: Sáp nhập đường Biên Hòa để đủ sức ra biển lớn

26/05/2017 10:32 AM | Kinh doanh

Việc sáp nhập đường Biên Hòa vào Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh để công ty trở thành đầu ngành thì mới đủ sức ra biển lớn. Biên Hòa có chiến lược bán lẻ tốt với 50 năm trên thị trường. Trong khi đó, Thành Thành Công Tây Ninh chủ yếu bán sỉ và có công nghệ. Nếu kết hợp với nhau thì sẽ phát triển tốt.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, tại ĐHĐCĐ bất thường niên độ 2016 – 2017 của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT). Sự kiện diễn ra chiều 25/5 với sự có mặt của của 248 cổ đông, đại diện sở hữu 197,7 triệu cổ phần, tương đương 78,09% vốn.

Nội dung chính của cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần này nhằm thông qua phương án sáp nhập, hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) với cổ phiếu phát hành thêm của Công ty theo hợp đồng sáp nhập.

Sáp nhập để trở thành công ty đầu ngành và đủ sức ra biển lớn

Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, cho biết hội nhập giúp các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có đường tăng trưởng mạnh. Khi hội nhập thì có nghĩa là phải ra biển lớn. Việc sáp nhập đường Biên Hòa vào Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh để công ty trở thành đầu ngành thì mới đủ sức ra biển lớn. Biên Hòa có chiến lược bán lẻ tốt với 50 năm trên thị trường. Trong khi đó, Thành Thành Công Tây Ninh chủ yếu bán sỉ và có công nghệ. Nếu kết hợp với nhau thì sẽ phát triển tốt. Việc kết hợp sẽ giúp làm giảm chi phí, công ty to nhưng đi nhanh và xử lý vấn đề nhanh hơn.

Còn theo đại diện CTCK Bảo Việt, đơn vị tư vấn cho thương vụ sáp nhập BHS vào SBT cho biết, việc sáp nhập mang lại lợi ích cộng hưởng.

Vùng nguyên liệu sau sáp nhập là 49.000 ha, chiếm 16% cả nước. Sản lượng mía là 3.4000.000 tấn, 22% tổng sản lượng cả nước. Năng lực sản xuất cũng tăng lên. Sau khi sáp nhập, công ty sẽ có 8 nhà máy và công suất ép mía sẽ bằng 20% toàn quốc. Doanh thu thuần năm 2017/2018 đạt 8.353 tỷ đồng. Sau khi sáp nhập thì bộ máy bán hàng có thể được tinh gọn lại, tăng hiệu quả lên.

Theo đại diện Bảo Việt, việc quản trị nhân sự cũng thuận lợi hơn nhờ việc đồng bộ hóa hệ thống phần mềm quản lý nông nghiệp, smartcane để tận dụng được đội ngũ nhân sự chuyên môn cao.

Đại diện Bảo Việt cũng cho rằng cổ đông cũng có lợi vì hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn do yếu tố cộng lực đem lại. Điều này sẽ làm gia tăng giá trị cho cổ đông, gia tăng tính thanh khoản của cổ đông. Người tiêu dùng cũng sẽ được giảm chi phí và công ty có thể đưa ra những sản phẩm có giá trị cạnh tranh hơn.

TTC Tây Ninh sẽ tiếp tục M&A

Cổ đông tham dự đã đặt ra những câu hỏi đối với đoàn chủ tọa:

- Chiến lược TTCS sau khi sáp nhập là gì?

- Chúng tôi có 4 giải pháp. Thứ nhất là M&A và sẽ tiếp tục M&A nữa. TTC cũng vừa mua vựa mua vựa mía ở Lào.

Thứ hai là tập trung khoa học kỹ thuật, từ nghiên cứu giống đến quy trình, cách thức và thu hoạch. Ứng dụng khoa học kỹ thuật để không phụ thuộc vào thời tiết.

Thứ ba, tập trung triển khai cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, tạo ra vùng nguyên liệu; tự chủ, liên kết vùng nguyên liệu.

- Đoàn chủ tọa có thể cho biết về các dự án của công ty để tăng năng lực cạnh tranh?

- Tương lai, công ty sẽ làm mía đóng lon, có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, công ty còn có các dự án về năng lượng mặt trời, đường organic, hoàn thiện logistics và tiếp tục M&A...

- Trong thời gian tới, công ty sẽ đầu tư tài chính như thế nào?

- Công ty sẽ đầu tư bài bản, có nghiên cứu về chiều sâu. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề ngắn hạn mà đầu tư dài hạn. Chúng tôi chọn các doanh nghiệp tương đồng về ngành nghề, hỗ trợ cho công ty trong tương lai.

Ngành đường của Việt Nam có một số điểm yếu, khi hội nhập thì sẽ cạnh tranh với Thái Lan. Thành Thành Công Tây Ninh tập trung vào khách hàng sỉ. Trong khi Biên Hòa là bán lẻ. Hai mảnh ghép bổ sung giúp 2 công ty phát triển vượt bậc về thị trường.

Thị trường có xuống thấp thì đường Biên Hòa vẫn cân đối, cân bằng được. Đặc biệt nữa, trong hoạt động của Biên Hòa, họ đã đầu tư vào HAGL, giúp cân bằng về giá thành. Biên Hòa cũng là đơn vị xuất khẩu ra thị trường thế giới nhiều nhất của Việt Nam.

- Đánh giá thị trường tiềm năng và thị trường đường? Mục đích xác nhập?

- Tiềm năng thị trường đường vẫn tiếp tục phát triển. Tốc độ gia tăng dân số vẫn cao. Bình quân thị trường đường vẫn tăng 3%/năm. Khi sáp nhập, thì TTCS được hưởng lợi thế này.

Trong chiến lược phát triển, chúng tôi đầu tư nhiều vào bán lẻ, phủ rộng, sâu và khắp. Tôi tin rằng với chiến lược phát triển, chúng ta sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn. TTCS đang là dẫn đầu và dẫn đầu chắc hơn trong 5 năm sắp tới.

Sau khi sáp nhập TTCS sẽ chiếm 30% thị phần ngành đường trong nước

SBT sẽ sở hữu 100% vốn BHS bằng cách phát hành thêm cổ phiếu SBT để hoán đổi lấy toàn bộ cổ phiếu BHS đang lưu hành. Tỷ lệ hoán đổi được xác định là 1:1,02, tức 1 cổ phiếu BHS đổi lấy 1,02 cổ phiếu SBT.

Tỷ lệ hoán đổi được xác định dựa trên kết quả định giá của CTCP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam. Theo đó, tổ chức này định giá một cổ phiếu BHS là 21.356 đồng và SBT là 20.944 đồng, tỷ lệ hoán đổi hợp lý 1:1,02.

Sau hợp nhất BHS sẽ đăng ký chuyển đổi thành loại hình Công ty TNHH một thành viên với việc SBT là chủ sở hữu duy nhất 100% vốn có tên gọi là Công ty TNHH một thành viên Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai. Đồng thời, SBT và BHS vẫn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình một cách bình thường như trước sáp nhập.

Việc hoán đổi sẽ được thực hiện trong thời hạn 90 ngày và thời gian gia hạn phát hành (nếu cần) kể từ ngày CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu để hoán đổi của UBCKNN.

Số lượng cổ phần SBT dự kiến phát hành để hoán đổi là 303,8 triệu cổ phiếu, đồng nghĩa với vốn điều lệ SBT sau nhận sáp nhập sẽ tăng thêm 3.038 tỷ đồng.

Mục tiêu kinh doanh sau sáp nhập của SBT là doanh thu hợp nhất 8.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 674 tỷ đồng. Riêng chỉ tiêu với BHS (lúc này là Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai) là doanh thu thuần 4.688 tỷ và lãi trước thuế 323 tỷ đồng.

Sau khi sáp nhập, SBT dự kiến sẽ nắm 30% thị phần ngành đường trong nước với tổng tài sản lên đến gần 14.677 tỷ đồng (cộng ngang), tổng nợ vay 7.865 tỷ đồng (54% tổng tài sản). Vốn điều lệ tăng từ 2.532 tỷ lên 5.570 tỷ đồng.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM