Chủ tịch FPT Software: Sếp hãy bỏ phòng riêng đi và ra ngồi cùng nhân viên, công ty sẽ tăng trưởng gấp 5 lần

10/10/2016 13:48 PM | Kinh doanh

‘Một trong những tiêu chuẩn đầu tiên của công ty tăng trưởng nhanh là phải có cấu trúc cực kỳ đơn giản. Nếu là giám đốc doanh nghiệp, đừng nghĩ lãnh đạo phải ở phòng riêng. Đừng nghĩ bàn, ghế lãnh đạo phải to hơn bàn, ghế của nhân viên…’

Để công ty tăng trưởng nhanh, hãy bắt đầu từ một điều bình thường nhất: Bỏ phòng riêng của sếp đi!

Đây là chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Software – tại hội thảo “Tăng trưởng hay là chết” do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức.

Ông Tiến phân tích: Cấu trúc phổ biến của các công ty Việt Nam là mô hình tháp – trên cùng là sếp – lần lượt phía dưới là các lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo cấp trung… Những công ty có tầng tầng lớp lớp cấu trúc không bao giờ tăng trưởng nhanh được, khi việc kết nối giữa sếp và nhân viên không thông suốt và phải qua nhiều tầng lớp trung gian.

Một trong những tiêu chuẩn đầu tiên của công ty tăng trưởng nhanh là phải có cấu trúc cực kỳ đơn giản. Phải làm sao cấu trúc công ty càng phẳng, tức nhân viên và lãnh đạo càng gần nhau thì càng tốt cho sự phát triển của công ty.

Văn hóa tăng trưởng nhanh của một công ty có thể đem đến lợi nhuận gấp 5 lần cho cổ đông và khả năng đạt doanh thu 1 tỷ USD cũng gấp 8 lần so với công ty không có văn hóa trên, theo phân tích khảo sát của McKinsey với 3.000 công ty phần mềm và dịch vụ IT.

“Tôi đề nghị những ai đang làm giám đốc doanh nghiệp, nếu muốn công ty phát triển nhanh, nên thuê văn phòng mới hoặc sửa văn phòng sao cho các bạn ngồi gần tất cả nhân viên. Đừng nghĩ lãnh đạo phải ở phòng riêng hay bàn, ghế lãnh đạo phải to hơn bàn, ghế nhân viên!”

“Nghe thì rất hình thức, nhưng đấy là yếu tố đầu tiên để công ty tăng trưởng nhanh”, ông Hoàng Nam Tiến khuyên nhủ.

Ông Tiến kể lại: Năm 2012, khi ông sang thăm văn phòng của Facebook. Lúc đó, Facebook mới có khoảng mấy trăm triệu người dùng với chừng 1.900 nhân viên. Tất cả nhân viên ngồi trong một khu văn phòng lớn.

“Mark Zuckerberg ngồi ở một chỗ bình thường, cái bàn của ông ta có kích thước tương tự các bàn xung quanh, ghế cũng vậy. Xung quanh khu vực làm việc, Facebook bố trí toàn bộ là phòng họp và phòng nghỉ, cho ai cần họp ra họp, ai cần nghỉ ra nghỉ vì họ làm không theo giờ giấc. Tuy kiến trục đơn giản như vậy nhưng cực hiệu quả. Tất cả mọi người đều kết nối với nhau”, ông Tiến kể.

Khác với cấu trúc này, mô hình phổ biến của các công ty Việt Nam là mô hình tháp. Và vị trí lãnh đạo với nhân viên phân biệt rất rạch ròi từ phòng riêng hoành tráng đến kích thước bàn, ghế của các lãnh đạo cũng phải to hơn nhân viên cấp dưới.

Nhưng xét về mặt tổ chức, để công ty phát triển nhanh, người lãnh đạo phải làm sao kết nối hiệu quả được với tất cả mọi người.

“Điều này cực kỳ khó. Nhưng hành động đầu tiên khi người lãnh đạo bỏ phòng riêng và bước ra ngồi cùng anh em, tuy chưa phải là sẽ thành công, nhưng là một bước rất quan trọng. Công ty với vẫn những con người ấy sẽ thay đổi. Vậy nên hãy lấy phòng riêng của chúng ta ra làm phòng họp, còn chúng ta kê 1 cái bàn ra ngồi với anh em”, ông Tiến nói.

Đây là một trong những chiến thuật nghe thì đơn giản, nhưng đúng với tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Startup như Uber, Facebook, Airbnb…

“Thực tế ở FPT Software, bản thân tôi có phòng riêng nhưng ít khi ngồi. Bao giờ tôi cũng muốn ngồi cùng mọi người, và tôi yêu cầu tất cả lãnh đạo đều như vậy… Mỗi một cấp độ công ty phát triển khác nhau sẽ đòi hỏi những cấu trúc của công ty phát triển khác nhau".

"Khi công ty chúng ta mới chỉ có 1.000 – 2.000 người, hãy bỏ phòng riêng và bước ra ngồi cùng nhân viên”, ông Tiến nói.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM