Chủ tịch FED và “bài toán khó” ở Jackson Hole

23/08/2019 15:30 PM | Xã hội

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell được dự báo sẽ rơi vào một tình thế rất khó tại hội nghị ở Jackson Hole vào ngày thứ Sáu (23/8)...

Thách thức đó là: ông Powell sẽ phải đưa ra một quan điểm nhất quán về chính sách của FED, trong khi ngân hàng trung ương này đang có chia rẽ nội bộ mạnh mẽ nhất trong nhiều năm. Nếu ông Powell không trấn an được thị trường rằng FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, thì "sóng gió" có thể nổi lên.

Theo hãng tin CNBC, ông Powell sẽ có bài phát biểu tại hội nghị thường niên của FED tại Jackson Hole, một khu nghỉ dưỡng ở bang Wyoming, vào lúc 10h sáng ngày thứ Sáu theo giờ địa phương, trước các quan chức ngân hàng trung ương và chuyên gia kinh tế. Giới tài chính toàn cầu được cho là sẽ dõi theo từng lời ông nói trong bài phát biểu được chờ đợi này.

Nội bộ FED bất nhất

Hội nghị Jackson Hole luôn thu hút sự chú ý hàng năm. Nhưng năm nay, tính quan trọng của sự kiện này gia tăng, bởi hội nghị diễn ra trong bối cảnh FED và ông Powell đối mặt cùng lúc sức ép chưa từng có tiền lệ từ Tổng thống Donald Trump và nỗi lo sợ dâng cao trên thị trường.

Ông Powell "đang ở vào thế khó. Ủy ban của ông ấy có sự chia rẽ quan điểm. Ông ấy chịu nhiều áp lực từ Tổng thống, và quan trọng nhất là các số liệu kinh tế Mỹ tương đối vững vàng - điều khiến ông ấy không có lý do đủ lớn để hạ mạnh lãi suất", ông Mark Cabana, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất và tỷ giá tại Mỹ của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, nhận xét.

Phiên ngày thứ Năm, lãi suất tương lai ở Mỹ phản ánh khả năng hơn 90% FED sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, cộng thêm 1-2 lần hạ lãi suất nữa trước khi kết thúc năm 2019.

"Tôi cho rằng ông Powell sẽ cố gắng đưa ra một quan điểm đồng nhất của ủy ban về triển vọng lãi suất", ông Cabana nhận định. "Ông ấy có thể tỏ ra mềm mỏng hơn, có một chút lo lắng, nhưng tôi cho là ông ấy sẽ thoải mái với việc cam kết hạ lãi suất. Đó chính là điều mà thị trường muốn nghe".

"Rủi ro nằm ở chỗ FED có thể gây thất vọng" - vị chiến lược gia nói thêm.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong FED đang có sự chia rẽ giữa một bên là những quan chức cho rằng cần phải có thêm những dấu hiệu giảm tốc kinh tế mới hạ lãi suất, và một bên là những người muốn có biện pháp bảo vệ sớm cho kinh tế Mỹ trước những bất lợi đến từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của FED cho thấy có 2 thành viên muốn FED giảm lãi suất mạnh hơn, tức là cắt giảm 0,5 điểm phần trăm thay vì hạ 0,25 điểm phần trăm như FED đã thực hiện; 2 thành viên không muốn hạ lãi suất; và một số thành viên không có quyền bỏ phiếu cũng không muốn FED hạ lãi suất.

"Những vị giữ quan điểm rằng tình hình kinh tế phải xấu hơn mới cần phải hạ lãi suất. Tôi cho đó là quan điểm sai lầm", ông Michael Gapen, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Barclays, nhận xét.

Ông Powell sẽ "gây sóng gió"?

Phát biểu hôm thứ Năm, Chủ tịch FED chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker, nói rằng ông không nhận thấy sự cần thiết FED phải giảm lãi suất thêm lần nữa. Ông Harker không phải là một thành viên có quyền bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận quyết định lãi suất trong FED, nhưng phát biểu này của ông khiến thị trường lo ngại FED có thể không hành động đủ nhanh chóng và quyết liệt để ngăn nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái.

Mối lo này tăng cao hơn khi một bản báo cáo của IHS Market cho thấy ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 8 lần đầu tiên suy giảm kể từ khủng hoảng tài chính.

"Phần còn lại của nền kinh tế thế giới đang mong manh. Nếu chúng ta không làm gì, đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá, và chúng ta thực chất sẽ ‘nhập khẩu’ sự thắt chặt chính sách tiền tệ", ông Gapen nhấn mạnh.

Các chiến lược gia cho rằng nội bộ FED càng bất đồng, thì thị trường càng lo ngại về tình trạng khó lường của chính sách tiền tệ. Như vậy, giới đầu tư sẽ càng tin rằng FED có thể thất bại trong việc ngăn chặn suy thoái xảy ra.

Kết quả là, trong vòng một tuần qua, đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã vài lần đảo ngược - một dấu hiệu đáng tin cậy rằng suy thoái kinh tế có thể sắp đến với Mỹ.

Trước đợt cắt giảm lãi suất của FED vào tháng 7, ông Powell tuyên bố FED sẽ hành độ phù hợp với các yếu tố gồm sự suy yếu của kinh tế toàn cầu, nỗi lo thương chiến, và lạm phát thấp.

Tuy nhiên, sau khi hạ lãi suất, ông nói FED chỉ đang thực hiện một "sự điều chỉnh giữa chu kỳ" chứ không bắt đầu một chuỗi cuộc hạ lãi suất. Tuyên bố này của ông Powell đã khiến thị trường bị sốc bởi giới đầu tư vốn kỳ vọng FED bước vào một chu kỳ giảm lãi suất quyết liệt.

"Nếu từ ‘điều chỉnh giữa chu kỳ’ không được nhắc lại trong bài phát biểu ở Jackson Hole, thì mọi người sẽ xem đó là dấu hiệu của việc FED sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn", ông Gapen nói, cho rằng FED có thể hạ lãi suất thêm 3 lần nữa trước khi kết thúc năm 2019.

Theo ông John Briggs, trưởng bộ phận chiến lược của Natwest Markets, ông Powell có thể sẽ một lần nữa "gây sóng gió" trên thị trường tài chính khi ông phát biểu ngày thứ Sáu. "Ông ấy sẽ xuất hiện, với những phát biểu có thể vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn", ông Briggs dự báo.

Chiến lược gia này nhắc lại phản ứng mạnh của thị trường sau cuộc họp tháng 7 của FED, cho rằng đó là do FED đưa ra một tuyên bố mềm mỏng, nhưng rồi ông Powell lại có những tuyên bố có phần cứng rắn trong họp báo.

"Thế tiến thoái lưỡng nan"

Điều mà thị trường thực sự mong muốn ở ông Powell trong lần xuất hiện ở Jackson Hole sẽ là một quan điểm cân bằng, để ngỏ mọi khả năng, đồng thời nhấn mạnh được rằng ông sẵn sàng giảm lãi suất để phòng ngừa rủi ro hoặc nếu kinh tế Mỹ yếu đi.

"Đáng ngại nhất là ông Powell khiến thị trường thất vọng bằng cách không cam kết đủ về một đợt giảm lãi suất trong tháng 9 vì ông ấy không thể cam kết", chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk thuộc Grant Thornton nhận định. "Nền kinh tế Mỹ đang cho thấy sự vững vàng, với tiêu dùng mạnh trong khi sản xuất và đầu tư yếu đi. Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan".

Trước dàn ống kính của giới truyền thông ở Jackson Hole, ông Powell có thể sẽ cố gắng giữ vẻ bình tĩnh. Nhưng thực ra, theo ông Gapen, lần gần đây nhất nội bộ FED có sự chia rẽ quan điểm lớn như hiện nay là vào năm 2011 - khi Chủ tịch FED lúc đó là Ben Bernanke theo đuổi chính sách thấp kỷ lục kéo dài và nới lỏng định lượng để đưa kinh tế Mỹ hồi phục sau khủng hoảng và suy thoái.

Cũng theo ông Gapen, trước đây, sức ép chính trị đối với FED đến từ Quốc hội Mỹ. Nhưng hiện nay, FED và cá nhân ông Powell chịu sự chỉ trích ngày càng lớn từ Tổng thống Trump, người luôn "nổi đóa"vì cho rằng FED cắt giảm lãi suất quá ít và quá chậm.

Điều này khiến công việc của ông Powell càng trở nên khó khăn hơn, dù ông khẳng định vai trò độc lập của FED và tuyên bố sẽ không nghỉ việc trước khi chính thức hết nhiệm kỳ.

"Thật khó để vẽ nên một bức tranh về sự đồng thuận trong khi chẳng hề có sự đồng thuận nào", chuyên gia Swon nhận định. "Sự đồng thuận đang rất mong manh".

Theo KIỀU OANH

Cùng chuyên mục
XEM