Chủ tịch Egroup: Thấy 'đau' khi người nước ngoài nói năng suất NLĐ Việt Nam thấp nhất khu vực

14/04/2018 08:33 AM | Kinh tế vĩ mô

Ông Nguyễn Ngọc Thủy cho rằng chỉ số về năng suất lao động thấp sẽ khiến Việt Nam thiệt thòi khi đàm phán với đối tác nước ngoài.

Chiều 13/4, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn CEO với chủ đề 'Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế'. Tại sự kiện, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Ông Lâm đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên năng suất lao động Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực khi quy theo sức mua tương đương.

 Chủ tịch Egroup: Thấy đau khi người nước ngoài nói năng suất NLĐ Việt Nam thấp nhất khu vực  - Ảnh 1.

Năng suất lao động của Việt Nam thua xa Singapore, Malaysia. Ảnh minh họa

"Năm 2016, năng suất lao động của Việt Nam bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% của Lào. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN như: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô nhỏ...

"Nguyên nhân cơ bản là do xuất phát điểm nền kinh tế của nước ta thấp. Về kỹ năng và trí thông minh, người lao động Việt Nam không hề thua kém so với các nước khác. Nếu cùng điều kiện sản xuất như Singapore, năng suất của Việt Nam có thể cao hơn họ", ông Lâm nhấn mạnh.

 Chủ tịch Egroup: Thấy đau khi người nước ngoài nói năng suất NLĐ Việt Nam thấp nhất khu vực  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Egroup

Chia sẻ về số liệu do Tổng cục Thống kê đưa ra, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup cho biết, "Khi nghe những con số này tôi thấy rất tiếc, rất buồn và cho rằng đây là vấn đề đáng báo động".

Theo ông Thủy, năng suất lao động là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, 'với những chỉ số thấp như vậy Việt Nam sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi khi đàm phán với đối tác nước ngoài'.

"Nếu coi con người là nguồn tài nguyên quốc gia. Chúng ta đang khai thác nguồn tài nguyên này một cách 'rẻ mạt'. Tôi thấy rất 'đau' khi ra nước ngoài và nghe họ đánh giá thấp về năng suất lao động của Việt Nam', Chủ tịch Egroup bộc bạch.

Dù vậy, ông Thủy cho rằng có một tín hiệu đáng mừng khi năng suất của người lao động có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Vị doanh nhân này cũng lưu ý, những chỉ số Tổng cục Thống kê đưa ra chỉ là con số bình quân. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng suất lao động rất tốt.

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM