Chủ tịch DKRA Việt Nam: 1 tỉ đồng rất khó để mua bất động sản ở Sài Gòn

05/04/2019 09:11 AM | Kinh doanh

“Hiện nay với số tiền 1 tỉ đồng sẽ rất khó để mua được một căn nhà như ý ở Tp.HCM (chưa tính thêm chi phí làm sổ đỏ)…”, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam chia sẻ tại buổi Báo cáo thị trường BĐS nhà ở Tp.HCM quý I/2019 sáng 4/4/2019.

Làm ra 1 tỉ rất mệt nhưng đem 1 tỉ đồng để sở hữu BĐS ở Sài Gòn cực kỳ khó ở giai đoạn hiện nay

Theo ông Lâm, giá cả BĐS Tp.HCM là câu chuyện rất “căng” đối với việc tiếp cận nhà ở của những người có tài chính trên dưới 1 tỉ đồng. Căn hộ hạng C gần như hiện nay không có dự án mới. Nếu như cách đây 2 năm, những khu vực như Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi… với tầm tài chính này có thể sở hữu BĐS nơi đây nhưng hiện tại các khu vực này giá cũng đã tăng khá cao.

Thị trường hiện nay theo ông Lâm đang thiết lập mặt bằng giá mới. Giá đất nền tại Hóc Môn hơn 30 triệu đồng/m2, khu vực Q.9 là từ 40 triệu đồng/m2… đã trở thành mức giá bình thường đối với thị trường nơi đây. “Mặt bằng giá cả hoàn toàn khác xa so với thời điểm trước”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm cho rằng, tại Tp.HCM, những khu vực ven như Q.9, Hóc Môn, Củ Chi hay Cần Giờ để tìm được một BĐS có mức giá trên dưới 1 tỉ đồng cực kỳ khó. Mặc dù giá trung bình hiện nay hầu hết trên dưới 2 tỉ đồng/nền nhưng có một thực tế, các phòng công chứng trên địa bàn TP vẫn giao dịch rất tốt. Hễ có dự án nào bung thị trường giai đoạn hiện nay đều bán rất nhanh, mặc dù giá không hề giảm chút nào, đặc biệt tại khu Đông TP. Điều này có nghĩa là là nhu cầu mua BĐS vẫn còn khá lớn.

“Rõ ràng, có một thực tế hiện nay là để làm ra 1 tỉ đồng rất mệt nhưng đem 1 tỉ đi mua BĐS ở Sài Gòn lại không còn dễ dàng như trước”, ông Lâm giãi bày.


Người dân buộc phải đi xa để mua BĐS

Có một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường BĐS hiện nay là, cả người mua thực lẫn NĐT đang dồn mạnh về các khu vực tỉnh để mua được nhà phù hợp với khả năng tài chính của mình trước bối cảnh BĐS Tp.HCM tăng giá cao và khan nguồn cung mới.

“Nguồn cung hạn chế, giá cả đạt ngưỡng cao nên mua đầu tư khó, bắt buộc  NĐT phải di chuyển về vùng tài chính dễ dàng sở hữu. Hiện thị trường nổi lên 1 số điểm thu hút NĐT như: Nhơn Trạch, Cần Guộc, Bến Lức, Đức hòa, Thuận An và xa hơn là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Quốc, Bình Thuận….”, ông Lâm cho hay.

Theo Chủ tịch DKRA Việt Nam, Khánh Hòa có thành phố Nha Trang phát triển du lịch, có Bắc Vân Phong được xem xét thành lập đặc khu, có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án quy mô ở Bãi Dài, Cam Ranh… nên giá đất ổn định, hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bình Thuận cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, với lợi thế đường bờ biển kéo dài hơn 100 km, thị trường này đang phát triển tập trung ở Mũi Né (Phan Thiết) và Hàm Tiến.

"Thông tin về sân bay Phan Thiết khiến thị trường địa ốc tại đây nóng lên hẳn. Tuần rồi, tôi ra Phan Thiết thấy con đường dẫn đi sân bay kẹt xe kéo dài. Trong đó, biển số xe của NĐT đến từ khắp nơi. Nhiều người đầu cơ mua đến vài ngàn m2, môi giới cũng tập trung về đây đông đúc”, ông Phạm Lâm cho biết.

Theo ông Lâm, lý do NĐT kéo về các tỉnh thành là bởi giá cả còn hấp dẫn, trong khả năng sở hữu của họ.

Trong khi đó, quỹ đất tại Tp.HCM cạn kiệt, các khu vực tỉnh quỹ đất còn lớn nên thu hút các chủ đầu tư về đây làm dự án. Khi các khu đô thị quy mô mọc lên thì lại hút các NĐT lẻ đổ về mua bán.

Ngoài ra, yếu tố hạ tầng giao thông liên kết vùng thuận lợi cũng là lý do khiến BĐS tỉnh thành trở thành điểm nóng thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo ông Lâm việc hình thành những điểm nóng BĐS mới xung quanh Tp.HCM cũng đối mặt thách thức cho việc hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông kết nối vùng.


Có hiện tượng loạn giá BĐS ở các điểm nóng

Chia sẻ tại buổi báo cáo, Chủ tịch DKRA Việt Nam khẳng định, thị trường BĐS ở một số khu vực đang có sự thay đổi giá theo giờ, hoãn loạn. Nhà đầu cơ nhiều hơn nhà đầu tư.

Ông Lâm lấy ví dụ về chuyện sốt đất Đà Nẵng trong những ngày gần đây. Khi khu tây bắc Đà Nẵng có một dự án mà làm điên đảo thị trường, giá đất gần dự án này tăng từ 20 – 22 triệu đồng/m2 lên 30 – 33 triệu/m2 trong khoảng thời gian ngắn. “Tôi ra Đà Nẵng lần 1 thấy người người, nhà nhà đi buôn đất, xe cộ tấp nập. Nhưng cách đây 20 ngày tôi trở lại thấy giảm đáng kể về lượng xe và môi giới. Giá tăng quá nhanh khiến người mua dè chừng”, ông Lâm cho hay.   

Chủ tịch DKRA Việt Nam: 1 tỉ đồng rất khó để mua bất động sản ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Hay ở khu vực Long An, ông Lâm cho biết, có những khu vực cách đây 2 năm giá đất chỉ 4 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên đến mức 10-25 triệu đồng/m2. Hay Nhơn Trạch đang có giá đất cao nhất khoảng 28 triệu đồng/m2, những nơi giá thấp nhất (chỉ có sổ đỏ, chưa có hạ tầng) cũng 7 triệu đồng/m2. Dù giá cao là vậy nhưng khách vẫn mua bởi họ kỳ vọng vào tương lai kết nối hạ tầng của những khu vực này, kết nối với Tp.HCM.

Ông Lâm cho biết, có những giao dịch BĐS diễn ra trong “tích tắc”. Chẳng hạn, nếu NĐT đã thích thì phải mua ngay nếu để sau 45 phút có thể người khác đã mua hoặc giá đã tăng thêm. “Ở một số nơi, thị trường đang rất hỗn loạn”, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch DKRA Việt Nam, nguyên nhân của việc đầu tư ồ ạt vào đất nền ở một số khu vực là do tâm lý người Việt thích sở hữu đất, dù ở xa trung tâm nhưng có sổ đỏ là được. Cảm giác người Việt Nam rất “cuồng” BĐS, đầu tư lĩnh vực gì rồi khi có lãi họ cũng sẽ quay lại BĐS hay khi làm có tiền là họ nghĩ ngay đến việc mua BĐS.

Lãnh đạo DKRA đưa lời khuyên, khi đầu tư BĐS trước tiên phải cân nhắc chuyện "có an toàn không? Có mất vốn không?", sau đó mới là "liệu sẽ lãi được bao nhiêu?". Khi thị trường đang nóng sốt như hiện nay, nhà đầu tư phải bình tĩnh để xác thực thông tin một cách chính xác.

Dự báo về thị trường BĐS Tp.HCM trong quý 2/2019, ông Lâm cho rằng, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu của NĐT mặc dù thị trường thời gian gần đây có xu hướng giảm. Trong quý 2/2019 có thể phân khúc đất nền sẽ tăng so với quý 1/2019, đặc biệt đất nền phân lô tại tỉnh giáp ranh Tp.HCM như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM