Chu Nguyên Chương truy cùng giết tận, quật mộ công thần và bài học thấm thía về cách dùng người

22/11/2019 20:32 PM | Sống

Thời Tam quốc, Tào Tháo cũng từng có câu: "Đã dùng thì không nghi, đã nghi thì không dùng". Câu nói này vẫn giữ được tính đúng đắn đến thời điểm hiện tại và làm kim chỉ nam cho nhiều người trong cung cách quản trị nhân lực.

Nhân sự nơi công sở luôn là vấn đề khiến nhiều người làm sếp đau đầu. Tuyển dụng được người tài giỏi đã khó, giữ được người tài giỏi còn khó hơn. Bởi bên cạnh những yếu tố như lương thưởng, phúc lợi hàng tháng; nhân sự giỏi còn cần rất nhiều thứ khác để có thể thỏa mãn và cống hiến hết bản thân mình. Một trong những yếu tố đó chính là sự tin tưởng đến từ lãnh đạo.

Tuy nhiên, việc tin tưởng và tạo mọi điều kiện để nhân viên của mình có thể hết lòng cống hiến cho tổ chức là việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Câu chuyện được kể bên dưới đây chắc hẳn sẽ để lại không ít bài học sâu sắc cho những ai đã và đang làm sếp về cung cách đối xử với những người dưới trướng.

Chu Nguyên Chương truy cùng giết tận, quật mộ công thần và bài học thấm thía về cách dùng người - Ảnh 1.

Chu Nguyên Chương khi đánh hạ Nam Kinh đã tìm kiếm nhân tài khắp nơi. Nghe nói đến đại danh của Lưu Bá Ôn, ông lập tức tái hiện điển cố ba lần thăm lều cỏ. Từ đó Lưu Bá Ôn xuống núi, trở thành mưu sĩ của Chu Nguyên Chương, phụ tá ông dẹp loạn thành công.

Năm 1368, Chu Nguyên Chương phong thưởng cho những khai quốc công thần ở Nam Kinh, Lưu Bá Ôn chỉ được phong làm đệ tam Bá tước (5 tước vị thời xưa gồm: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Chu Nguyên Chương sở dĩ làm thế là bởi ông không yên tâm về Lưu Bá Ôn. Bên cạnh phần thưởng “bèo bọt” vua ban, Lưu Bá Ôn còn nhận được 2 quả táo và 1 quả lê từ Mã hoàng hậu.

Nhận được trái cây, Lưu Bá Ôn vô cùng kinh ngạc và sau đó nhanh chóng hiểu ra ý tứ của Mã hoàng hậu. Ông lập tức dặn dò người nhà thu dọn đồ đạc, sáng sớm hôm sau vào cung cáo lão về quê. Vua nghe xong ba lần mời ông ở lại, nhưng ông nhất mực chối từ.

Chu Nguyên Chương truy cùng giết tận, quật mộ công thần và bài học thấm thía về cách dùng người - Ảnh 2.

Trong tiếng Hán, chữ “Táo” đọc cùng âm với chữ “Tảo”, nghĩa là sớm. Còn chữ “Lê” đọc cùng âm với chữ “Ly”, nghĩa là rời khỏi. Hai quả táo và một quả lê, ngụ ý là “sớm rời khỏi”.

Người thông minh như Lưu Bá Ôn lập tức hiểu được nên lựa chọn rời khỏi triều đình. Ông vốn tưởng rằng sau đó có thể ở quê an hưởng tuổi già, nhưng Chu Nguyên Chương vẫn không yên tâm, ngày ngày đều ban tặng lễ vật nhằm bức bách Lưu Bá Ôn trở lại triều đình.

Lưu Bá Ôn biết bản thân không thể quay về quê cũ, trong lòng sầu muộn, bệnh tình càng trở nên nguy kịch. Hồ Duy Dung đã sai người mang thuốc đến cho Lưu Bá Ôn, gọi đó là “ngự dược”, tức là thuốc vua ban. Lưu Bá Ôn uống xong, ôm hận mà tạ thế.

Không lâu sau khi Lưu Bá Ôn qua đời, có lời gièm pha nói rằng ông đã tìm đến nơi phong thủy tốt của thiên tử để xây lăng mộ. Chu Nguyên Chương biết được lập tức lệnh cho khâm sai phái người đào phần mộ của Lưu Bá Ôn.

Chu Nguyên Chương truy cùng giết tận, quật mộ công thần và bài học thấm thía về cách dùng người - Ảnh 3.

Khi đào đến mộ phần, người ta thấy một điều kỳ lạ: trong quan tài không có người, chỉ có một quyển sách. Những người hiếu kỳ mở sách ra xem thì sợ đến ngây người. Đây chính là một quyển luật của triều Minh, chương đầu tiên ghi 6 chữ: “Người mở quan xem xác, trảm!”.

Thì ra Lưu Bá Ôn đã sớm dự tính được rằng Chu Nguyên Chương với rất nhiều nghi kỵ sẽ đào mộ phần, nên dùng cách “trộm xà đổi cột”: Lệnh cho con trai chôn thi hài của mình một cách lặng lẽ, còn phần mộ an táng theo cách “khua chiêng gióng trống” thì chỉ có một quyển luật Đại Minh.

Sau khi khâm sai trình lên quyển luật Đại Minh, Chu Nguyên Chương xem xong mới thở dài: “Lưu Bá Ôn dự liệu như Thần, quả nhiên là nhân tài ngàn năm khó gặp”.

Chu Nguyên Chương truy cùng giết tận, quật mộ công thần và bài học thấm thía về cách dùng người - Ảnh 4.

Rõ ràng, người giỏi như Lưu Bá Ôn, nếu có “đất dụng võ” sẽ phát huy được hết khả năng của bản thân cũng như phò tá quân chủ của mình trong công cuộc dựng nước. Tương tự như thế, người giỏi nơi công sở là một trong những yếu tố tối quan trọng, đóng góp và sự thành công chung của tổ chức. Vì lẽ đó, trong quá trình tuyển dụng, ai cũng muốn tìm được những người giỏi, hoặc ít nhất là có tố chất để có thể đào tạo.

Quá trình tuyển dụng người giỏi vốn khó, nhưng giữ được người giỏi còn khó khăn hơn gấp bội. Sự tin tưởng là một trong những yếu tố cốt yếu để tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa sếp và nhân viên. Thời Tam quốc, Tào Tháo cũng từng có câu: "Đã dùng thì không nghi, đã nghi thì không dùng". Câu nói này vẫn giữ được tính đúng đắn đến thời điểm hiện tại và làm kim chỉ nam cho nhiều người trong cung cách quản trị nhân lực.

Trao lòng tin để nhận được sự tin tưởng. Đừng vì những nghi kỵ nhỏ nhoi mà để mất đi những cá nhân thật sự xuất sắc. Trong môi trường công sở, nơi yếu tố nhân sự là nòng cốt, điều này càng đáng đươc chú trọng.

Theo Louis

Cùng chuyên mục
XEM