Chôn cất ở tuổi 70 nhưng tôi đã chết ở tuổi 30 lâu rồi: Đừng sống chỉ để lãng phí cơ hội của ngày mai và bóp nát kỳ vọng của hôm qua

11/05/2019 16:18 PM | Sống

Nếu đã sống, tại sao không sống thật rạng rỡ theo cách của riêng mình, làm việc mình thích, gặp người mình vui và theo đuổi điều mình muốn?

01. Chăm chỉ mới đạt điều điều mình muốn

Vào ngày 1 tháng 12, một nhà văn mạng nổi tiếng đã nhận được yêu cầu giới thiệu một vài cuốn sách bổ ích từ độc giả của mình. Người đó đang cảm thấy bản thân sống quá trì trệ nên muốn học tập thêm kiến thức gì đó cho bản thân. Vị nhà văn không chần chừ gì, lập tức trò chuyện cùng bạn độc giả này để hiểu thêm về tình hình cụ thể của cậu ấy, rồi giới thiệu ngay 3 cuốn sách phù hợp mà mình vừa đọc xong. Người đó vui vẻ cảm ơn, hứa rằng sẽ tập trung nghiên cứu cả 3 cuốn trong một tháng tới rồi hẹn nhà văn cùng trao đổi những điều tâm đắc.

Hơn một tháng sau, vị nhà văn mạng chủ động liên lạc với người độc giả ấy để hỏi cảm nhận về 3 cuốn sách như thế nào. Anh chàng độc giả cũng là người thành thật, anh ta thú nhận rằng mình vẫn đang đọc dở cuốn sách đầu tiên, thậm chí còn chưa đọc hết 50 trang đầu. Lấy làm lạ, vị nhà văn mới trao đổi thêm mấy câu và đưa ra kết luận rằng: Không phải vì bận, mà chỉ do cậu ta quá lười nên nhiều ngày liền đều quên đọc. Cuối cùng, nhà văn tặng lại cho anh ta một câu: "Giữa Muốn và Được còn cách nhau một chữ, đó chính là Làm, muốn đạt được điều gì thì nhất định phải làm được điều đó đã."

Có rất nhiều người giống như vị độc giả nọ, không muốn sống một cuộc đời tầm thường nhưng lại không chịu thay đổi hiện trạng tầm thường của bản thân. Khi hứng lên thì đặt kế hoạch rất hay như đọc mấy cuốn sách một tháng, đăng ký học thêm chứng chỉ chuyên môn, tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi năm, ngủ sớm dậy sớm sinh hoạt điều độ... Nhưng kế hoạch hay đến mấy thì họ cũng chỉ nghiêm túc thực hiện được vài tuần, thậm chí chỉ là vài ngày ngắn ngủi. Thời gian sau đó, họ lại trở về với những thói quen cũ của bản thân.

Tại sao chúng ta không thể đọc xong một cuốn sách trong một tuần nhưng lại có thể "cày" cả tá tập phim truyền hình trong một ngày? Có thể hiểu rằng, với những chuyện khác nhau, khả năng kiên trì của một người cũng khác nhau. Những hành động như học tập, đọc sách, tập thể dục... lại không thể mang lại lợi ích ngay lập tức mà mắt nhìn thấy được. Một thời gian sau, chúng ta sẽ đánh mất sự chăm chỉ, dần dần trở nên lười biếng, không còn muốn tiếp tục nữa. Khi sự lười biếng đã bắt đầu, kéo dài qua thời gian, chúng ta sẽ khó có thể quay lại guồng quay chăm chỉ trước kia.

 Chôn cất ở tuổi 70 nhưng tôi đã chết ở tuổi 30 lâu rồi: Đừng sống chỉ để lãng phí cơ hội của ngày mai và bóp nát kỳ vọng của hôm qua  - Ảnh 1.

Rất nhiều độc giả ngưỡng mộ, luôn khen ngợi vị nhà văn mạng ấy thật là một người chăm chỉ, hôm nào cũng sáng tác thêm mấy trăm chữ, cập nhật sách đều đặn mỗi ngày. Nhà văn chỉ chia sẻ rằng, nhiều lúc ngồi trong toilet anh cũng không thể ngừng nghĩ về đề tài của mình. Tuy rất mệt nhưng anh luôn muốn chăm chỉ làm việc, đọc nhiều sách hơn, viết nhiều hơn và suy nghĩ nhiều hơn nữa vì đằng sau mỗi tấm gương thành công đều cần rất nhiều kiên trì và chăm chỉ.

Nhạn sống để tiếng, người sống lưu danh. Nếu đã đến thế giới này một lần, ít nhất phải làm tốt được điều gì đó mà chính mình muốn làm.

02. Đừng "tự sát" ở tuổi 30

Cuộc sống 70 năm nghĩ thì tưởng như rất dài nhưng thực chất vô cùng ngắn ngủi. Đến khi đã già, liệu chúng ta đã thực sự hoàn thành được bao nhiêu kế hoạch mà mình mong muốn? Ý nghĩa của cuộc sống không phải chúng ta sống được bao lâu, mà là chúng ta thấy được và làm được những gì.

Có một câu nói trên mạng như thế này: "Thời điểm tốt nhất không phải ngày mai, càng không phải mười năm sau, mà chính là bây giờ." Nếu như có việc muốn làm, có mục tiêu muốn đạt được, tự nhiên chúng ta sẽ thấy thời gian của mình thật ít ỏi. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình, chăm chỉ tiến tới ngay từ hiện tại để không phải hối tiếc khi tuổi đã về già.

 Chôn cất ở tuổi 70 nhưng tôi đã chết ở tuổi 30 lâu rồi: Đừng sống chỉ để lãng phí cơ hội của ngày mai và bóp nát kỳ vọng của hôm qua  - Ảnh 2.

"Chết ở tuổi 25, chôn ở tuổi 75, cuộc đời của bạn có như vậy không?" Đây là câu nói nổi tiếng của chính trị gia, nhà khoa học người Mỹ Franklin. Cái gọi là "chết" ở đây chỉ sự phai nhạt của niềm đam mê, của những giấc mơ nhiệt huyết, chỉ cái chết tinh thần, khi chúng ta đánh mất cuộc sống phong phú rực rỡ, bị cuốn vào guồng quay công việc mỗi ngày, sống trong khuôn mẫu cứng nhắc cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Cho dù đôi lúc muốn thoát khỏi sự nhàm chán vô vị ấy thì cuối cùng chúng ta vẫn lặng lẽ bỏ cuộc vì muôn vàn lý do như mình đã quá già, mình đã hết tuổi "làm liều", bây giờ đã quá muộn để thay đổi...

Cho dù chưa bước vào nửa sau của cuộc đời, họ đã sớm chối bỏ hi vọng và tự nhận định mình sẽ chỉ có thể tiếp tục sống vô vị như thế suốt phần đời còn lại. Nhưng trên thực tế, miễn là chúng ta bắt đầu nỗ lực, dù là 40 tuổi, 50 tuổi hay 70 tuổi, thì chúng ta còn có cơ hội. Hãy biết rằng, Barack Obama về hưu ở tuổi 55 nhưng Donald Trump đến 70 tuổi mới bắt đầu giữ chức vụ Tổng thống.

Tiếp tục phàn nàn mà không hề bắt đầu nỗ lực chăm chỉ thay đổi hiện trạng, bạn chỉ đang lãng phí cơ hội của ngày mai và giết chết kỳ vọng của hôm qua. Nếu đã tồn tại, tại sao không tồn tại theo cách rạng rỡ nhất của riêng mình?

Theo Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM