Chơi đùa quan trọng thế nào?

19/04/2019 19:06 PM | WeLearn

Điều gì đã xảy ra khi chúng ta lớn lên? Và chúng ta đã trở nên xa lạ với những ngày thơ ấu, cũng như những trò chơi đầy hào hứng ấy? Cuộc sống đã trở nên nghiêm túc quá từ khi nào? Và có điều gì chúng ta có thể học từ cách bọn trẻ chơi không?

Lũ trẻ con khu hàng xóm tầm 5-8 tuổi của tôi thường chơi trên đường phố. Giọng của chúng nghe như những bản nhạc, được nhấn mạnh thêm bằng tiếng hò reo và tràng cười thích thú...

Tôi không biết chúng nói gì với nhau.

Tôi chỉ biết sau đó, lũ trẻ vội vã đuổi theo nhau. Trí tưởng tượng của chúng cũng chuyển động liên tục theo cách chúng di chuyển: chẳng hề đi bộ, đầy những cú nhảy, lò cò, xoay tròn và quay vòng, chạy nhảy, đuổi bắt, ngụp lặn và trốn tìm. Chúng có thể chơi hàng giờ, không ngừng nghỉ. Chúng chơi tự nhiên như những cơn gió, như mặt trời. Bọn trẻ dùng những cái gậy mà chúng tìm thấy như đồ chơi và đổi xe đạp vòng quanh. Khi màn đêm buông xuống, tất cả chỉ tạo thêm không khí để chúng nghĩ ra đủ trò thám hiểm mới, trước khi bị gọi nhắc về nhà.

Có lẽ chúng ta cũng đã từng chơi như thế khi còn nhỏ: Những trò chơi không luật lệ, những vai trò thay đổi theo kịch bản tưởng tượng. Những trò chơi đầy cảm hứng và luôn sẵn sàng thay đổi bất cứ điều gì. Những điều đầy đam mê, cảm xúc lên - xuống, đầy tranh cãi và cả sáng kiến kết hợp xuất hiện vài phút một.

Tôi cũng tin rằng đó là bản năng chung của mọi người. Ở khắp mọi nơi trên thế giới nếu có cơ hội, trẻ em sẽ cùng nhau vui chơi.

Nhưng điều gì đã xảy ra khi chúng ta lớn lên? Và chúng ta đã trở nên xa lạ với những ngày thơ ấu, cũng như những trò chơi đầy hào hứng ấy? Cuộc sống đã trở nên nghiêm túc quá từ khi nào? Và có điều gì chúng ta có thể học từ cách bọn trẻ chơi không?

Là một nhà tâm lý học tôi dành thời gian của mình với những người gặp vấn đề trong cuộc sống. Nhiều người đang phải đối mặt với trầm cảm. Tâm trạng không tích cực định hình cách họ nhìn cuộc sống, làm tiêu tan nguồn năng lượng họ cần để hoạt động và tận hưởng cuộc sống. Tôi đã gặp những người mà lo lắng như một kẻ xâm chiếm lấy họ. Tâm trạng lo lắng tạo ra sự lo âu, làm cho nỗi sợ hãi trở thành một thành phần chính suy nghĩ của họ. Những rối loạn liên quan đến tâm trạng này sẽ xâm chiếm tâm trí, làm mất khả năng cảm nhận niềm vui, sự hân hoan cũng như suy nghĩ thoải mái hoặc khả năng tập trung. Rất khó để những người trầm cảm hay lo lắng có thể thoải mái chơi đùa.

Động từ "vui chơi" được xác định bởi từ điển Oxford có nghĩa là: "tham gia vào một hoạt động mang lại sự thích thú và giải trí, thay vì cho những mục đích nghiêm túc hoặc thực tế". Nghĩa gốc của từ này bao gồm những khái niệm như là "tập luyện", "chuyển động nhanh" và "nhảy lên vì sung sướng hoặc nhảy múa."

Trong cuốn sách "Chơi tự do", Stephan Nachmanovitch có chia sẻ: "Công việc sáng tạo là một trò chơi, đó là động cơ miễn phí, sử dụng những nguyên liệu của một hình thức chọn sẵn. Một tư duy sáng tạo sẽ lựa chọn chơi với những thứ nó yêu thích. Người họa sĩ chơi với màu sắc và không gian. Nhạc sĩ chơi với âm thanh và những khoảng lặng. Thần ái tình chơi với những tình nhân. Thượng đế chơi với vũ trụ. Trẻ con chơi với bất cứ thứ gì chúng có thể chạm tay vào". Và trong khi những điều này được thực hiện để tận hưởng chứ không vì mục đích nào nghiêm túc, chúng ta sẽ thấy văn hóa được tạo thành từ nghệ thuật, âm nhạc và khiêu vũ do con người tạo ra.

Rất nhiều năng lượng "chơi đùa" của chúng ta những ngày nay được hướng thẳng đến những thứ gọi là "game". Nhưng chơi đùa là điều hoàn toàn khác. Chơi đùa là tinh thần tự do khám phá, thực hành và bản chất của nó hướng đến niềm vui thuần khiến. "Game" là những hoạt động được định nghĩa bởi một loạt những luật lệ như bóng đá, các bài thơ sonnet (loại bài thơ 14 câu), các bản nhạc giao hưởng hay quy tắc ngoại giao. 

Chơi đùa là một thái độ, một tinh thần, một cách để thực hiện điều gì đó; trong khi "trò chơi" là một hoạt động được định nghĩa bởi luật lệ, một khía cạnh chơi đùa và những người chơi. 

Các trò chơi máy tính được điều khiển bởi các quy luật và quy tắc: những trò chơi như thế này thường hạn chế lựa chọn của người chơi. Điều nay hoàn toàn khác với ý tưởng rằng những trò chơi tự do nhất của chúng ta xảy ra khi chúng ta không có gì để mất hay nhận được.

Chơi đùa quan trọng thế nào? - Ảnh 1.

Bạn đừng hiểu lầm ý tôi. Có rất nhiều loại hình sáng tạo liên quan cần liên quan đến hệ thống và giới hạn. Các luật lệ của trò chơi là giới hạn, cũng giống cách số dây đàn guitar là cố định. Hệ thống và giới hạn giúp tập trung năng lượng. Nhưng chơi đùa không liên quan đến kết quả, sản phẩm, năng suất hay điểm số. Chơi đùa bản chất của nó là trải nghiệm, không phải là thứ để đo lường, định lương hay làm đi làm lại. Có một niềm vui thú đến từ việc không cần phải cố gắng để đạt được kỳ vọng nào ngoại trừ chính bản thân việc trải nghiệm. Giống như những đứa trẻ hoàn toàn tập trung vào hiện tại, chơi đùa kết nối chúng ta với cơ thể, giác quan và môi trường mà chúng ta tương tác tại thời điểm đó.

Tựu chung lại, chúng ta có thể thấy lợi ích của việc chơi đùa. Tôi tin rằng nếu mọi người chơi đùa thường xuyên hơn, chúng ta sẽ cảm thấy cách tiếp cận cuộc sống của chúng ta linh hoạt hơn. Chúng ta cũng sẽ tìm thấy những giải pháp sáng tạo cho nhiều vấn đề. Tự phát là nơi mà chúng ta kết nối trực tiếp với những thứ đang có, do đó quá trình đưa ra quyết định và thay đổi trong cuộc sống dường như tự nhiên hơn. Chúng ta sẽ trở nên trực quan và sẽ bớt áp lực bởi việc suy nghĩ hay sợ hãi quá nhiều. Chơi đùa rất vui. Nó khiến chúng ta trải nghiệm những cảm xúc tích cực cũng như có cớ để thể hiện bản thân.

Nhưng có đúng là bằng cách thể hiện bản thân, chúng ta khám phá chính mình? Có phải qua tưởng tượng chúng ta sẽ hiểu điều gì là thực?

Ai đó đã từng nói "Chúng ta không hát vì chúng ta hạnh phúc, mà chúng ta hạnh phúc khi chúng ta hát".

Chơi là cách ta đặt cuộc sống trong một câu chuyện. Tất nhiên chúng ta cần nghiêm túc với cuộc sống. Nhưng đôi khi ta cũng cần học lại cách để chơi ra sao từ chính những đứa trẻ ngây thơ mà hạnh phúc này.

Bài viết dịch từ "The importance of play", Douglas Holwerda, Vietnamnews.

* Về tác giả: Tiến sĩ Douglas Holwerda là Cố vấn sức khỏe tâm thần làm việc tại Family Medical Practice Hà Nội. Ông làm việc với thanh thiếu niên, người lớn và các cặp vợ chồng để giải quyết các vấn đề như giận dữ, lo lắng (bao gồm các cơn hoảng loạn và rối loạn tâm lí mãn tính), các mối quan hệ và các vấn đề về giao tiếp, điều chỉnh, mất mát và đau buồn, những thay đổi ở tuổi trung niên, và ý nghĩa của câu hỏi cuộc sống. Ông cũng làm việc với những người đang tìm kiếm sự phát triển của bản thân và giúp đỡ với những mối lo lắng về sức khỏe tâm thần khác. Ngoài công việc tại FMP Hanoi, Holwerda tham gia giảng dậy những lớp tâm lý và tâm lý xã hội học tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Douglas Holwerda

Cùng chuyên mục
XEM