Cho vay tăng nhanh và những hệ lụy

30/05/2016 08:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Kết quả kinh doanh quý I/2016 vừa được một ngân hàng thương mại (NHTM) công bố cho thấy bức tranh lợi nhuận không mấy sáng sủa. Trong đó, chi phí hoạt động và nợ có khả năng mất vốn dường như tăng nhanh và khó kiểm soát.

Chi phí hoạt động tăng mạnh

Ngay từ đầu năm, phần lớn các NHTM đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2016, như SCB 36%, MB 20%, ACB, BIDV, VietinBank 18%, Vietcombank 17%... so với năm 2015.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng cả nước trong quý I/2016 đạt 1,54% - cao hơn so với 1,25% (số tăng, giảm % trong quý I/2016 trong bài đều so với cùng kỳ 2015). Tính riêng tại các NHTM, tín dụng tăng vượt bậc, như BIDV tăng 4,2%, Vietcombank 6,5%, SCB 9%, ACB 7,6%, VietABank 10,4%, TPBank có mức tăng mạnh nhất tới 20,6%. Điều này chứng tỏ các NHTM vẫn đang thể hiện khá tốt lộ trình tăng trưởng tín dụng đã đề ra.

Về lý thuyết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cho ngành ngân hàng trong năm nay. Đó là ngoài việc hướng đến lợi nhuận còn được đánh giá là một trong những giải pháp để đối phó với áp lực giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% theo quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bởi khi dư nợ tín dụng tăng càng mạnh, nợ xấu trong tổng dư nợ sẽ càng thấp.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tính đến thời điểm này chưa mang lại kết quả như mong muốn. Nguyên nhân, dù phần lớn tăng trưởng tín dụng cao, song chi phí hoạt động cũng tăng lên tương ứng. Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2016, dù công bố tín dụng tăng ở cả chiều huy động lẫn cho vay, nhưng lãi thuần của Ngân hàng Bắc Á giảm 4,6%, còn 270 tỷ đồng. Trong đó, lỗ thuần từ dịch vụ 1,4 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 16 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 17 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của Bắc Á cũng tăng 14,6%, ở mức 125 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính quý I/2016 của TPBank, mức cho vay khách hàng đạt 34.082 tỷ đồng (tăng 20,6%), huy động đạt 42.865 tỷ đồng (tăng 8,5%), thế nhưng lợi nhuận chỉ có 93 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 134 tỷ đồng, dù lãi thuần trong kỳ tăng gần 34% với 407 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí hoạt động trong kỳ tăng 37%, lên 239 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp 3,3 lần, lên 73 tỷ đồng.

Gây ngạc nhiên nhất là trường hợp của Techcombank. Theo kế hoạch, năm 2016, Techcombank đạt mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 3.543 tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2015. Hoạt động quý I của Techcombank tăng trưởng cao, phù hợp với lộ trình kinh doanh đặt ra cho cả năm, nhưng vấn đề mà ngân hàng này gặp phải chính là nợ xấu. Vì tăng trưởng nhanh nên nợ xấu của Techcombank cũng tăng tương ứng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính tính đến cuối tháng 3/2016, Techcombank đạt 582 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hơn 475 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42%.

Kết thúc quý I/2016, tổng nợ xấu của Techcombank ở mức 2.322 tỷ đồng, tương đương 2,04% tổng dư nợ cho vay, tăng so với 1,67% cuối năm 2015. Còn xét ở báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 do Techcombank công bố, chi phí hoạt động tăng nhẹ, lên gần 982 tỷ đồng, chi phí dự phòng 1.599 tỷ đồng, tăng hơn 15%.

Nợ có khả năng mất vốn

Bên cạnh việc tăng chi phí hoạt động, khoản nợ có khả năng mất vốn tại các ngân hàng cũng đang tăng đáng báo động. Trong đó, đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn của Techcombank là 1.280 tỷ đồng, tăng 26% so với mức 1.016 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015. Chưa kể Techcombank đang có trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là 3.453 tỷ đồng. Với Eximbank, ABBank, ACB, SHB, TPBank..., con số nợ nghi ngờ cũng tăng đáng kể.

Không chỉ ngân hàng quy mô nhỏ, nợ có khả năng mất vốn tại khối NHTM lớn cũng tăng nhanh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của Vietcombank, mặc dù tỷ lệ nợ xấu của VCB ở mức 1,76% (tương ứng gần 7.600 tỷ đồng nợ xấu), có đến 5.885 tỷ đồng thuộc nợ nhóm 5, tăng 295 tỷ đồng so với đầu năm. VietinBank trong quý I có tỷ lệ nợ xấu 0,96% (hơn 5.300 tỷ đồng nợ xấu) thì 2.094 tỷ đồng thuộc nợ nhóm 5. Còn BIDV tỷ lệ nợ nhóm 5 khoảng 5.565 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu tăng là không tránh khỏi vì thời gian qua các ngân hàng nỗ lực cho vay, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vượt khó, qua đó, nợ cũng tăng. Nói một cách dễ hiểu thì tín dụng tăng nóng có thể đẩy giá trị tài sản tăng theo kiểu bong bóng và cho vay tiêu dùng cũng nhảy vọt.

Trong bối cảnh các NHTM vẫn còn trong quá trình tái cơ cấu, bộ máy còn cồng kềnh nên việc kiểm soát chi phí vận hành chưa được nhiều, qua đó, khớp với chuyện nợ xấu có khả năng mất vốn gia tăng.

Điều đó đã từng xảy ra tại nhiều ngân hàng trong năm 2015 và để lại hậu quả nặng nề. Chẳng hạn tỷ lệ nợ quá hạn của DongA Bank đến cuối quý III/2014 chiếm đến 13% tổng dư nợ, cho dù ngân hàng này đã bán gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, sau đó báo lỗ liên tiếp và rơi vào diện kiểm soát của NHNN.

Điều này nhắc nhở rằng, dù cố gắng tăng trưởng nhưng kết thúc quý I cũng là lúc lãnh đạo các ngân hàng phải suy nghĩ lại quy trình hoạt động và gấp rút đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất giữa áp lực tăng trưởng dư nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng. Việc khó khăn nhất hiện nay là ngân hàng phải tìm cách giảm chi phí hoạt động cũng như tìm được khách hàng tốt để cho vay trước khi bị NHNN can thiệp.

Như TS. Trần Du Lịch đánh giá, khả năng nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn xu hướng tăng một khi phải gọi đúng tên nợ xấu do phải thực hiện các quy định theo đúng chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, nếu nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát của ngân hàng thì cũng không quá lo ngại. Cái khó nhất chính là nợ xấu tăng trở lại sẽ khiến dòng chảy tín dụng khó có thể được khơi thông. Vì thế, các ngân hàng phải nỗ lực kiểm soát chất lượng tín dụng và đẩy mạnh cho vay.

Theo Thùy Chi

Cùng chuyên mục
XEM