Bị siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thậm chí cả tạp hóa cạnh tranh quyết liệt, chợ truyền thống ở các đô thị đang ngày càng teo tóp

13/09/2017 14:44 PM | Kinh doanh

Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại lý ngày càng nâng cấp khiến nhiều chợ truyền thống lâm vào cảnh teo tóp.

Khoảng 10 giờ sáng, tại một chợ ở quận Gò Vấp, TP HCM, người mua thưa thớt tại các cửa hàng thịt, rau, quần áo, tạp hóa…

Càng đi sâu vào chợ thì càng vắng hơn. Nhiều khoảng trống được dùng làm chỗ giữ xe, kho hàng.

Chị Bình, một người bán quần áo trong chợ, cho biết gần đây chợ ế hơn thời gian trước. Kinh doanh ngày càng khó khăn.

Việc buôn bán ở chợ truyền thống ngày càng khó khăn do bị cạnh tranh từ hình thức khác.

Ở một chợ ở Quận 1, những cửa hàng phía ngoài chợ, khách còn đông. Nhưng càng vào trong, việc buôn bán lại càng không thuận lợi.

Theo các tiểu thương, mấy năm nay, khách vào chợ càng thưa thớt dần. Có những giai đoạn, khách đến nườm nượp, nhưng giờ bán hàng ngày càng chậm.

Theo chị Nga, chủ một tiệm tạp hóa trong chợ này, nhiều người ở TP HCM giờ thích vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi do nhiều mặt hàng, giá cả được ghi sẵn, nhiều mặt hàng... Các khu chợ tự phát cũng mọc lên nhiều nên người mua chỉ tấp xe qua, mua luôn không cần gửi xe.

Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, hiện TP.HCM có khoảng 240 chợ lớn nhỏ, gọi chung là chợ truyền thống, trong đó rất nhiều chợ đang lâm vào tình trạng xuống cấp.

TP.HCM hiện không có chủ trương phát triển thêm chợ, mà tăng cường các chương trình hỗ trợ chợ truyền thống phát triển, như tập trung tập huấn cho tiểu thương về các kỹ năng bán hàng, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ.

Với xu hướng phát triển hiện đại như hiện nay, nhiều chuyên gia về kinh tế đánh giá rằng, việc chợ truyền thống đang mất dần ưu thế trước các kênh phân phối khác là điều tất yếu. Với một không gian mua sắm mát mẻ, sạch sẽ, giá cả niêm yết công khai, rõ ràng, thì trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ luôn là nơi thu hút khách hàng.

Song song đó, chợ tự phát ‘mọc’ lên tràn lan, không tốn các loại thuế, phí, giá bán thấp, hàng hóa lại không rõ nguồn gốc, nên tiểu thương ở các chợ truyền thông buôn bán ế ẩm, khó khăn là điều dễ hiểu.

Theo công bố mới đây của Kantar WorldPanel, lượng hàng hóa bán ra từ chợ truyền thống đã giảm khá nhiều trong 10 năm qua. Cụ thể, năm 2007, lượng hàng hóa bán ra từ chợ truyền thống (wet market) là 12,8% nhưng đến năm 2016, con số này chỉ còn 9,9%. Cũng theo Kantar, trong 10 năm tới, tình hình còn “bi đát” hơn, chỉ còn 7,6%.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM