Chợ nổi Ngã Năm ngày giáp Tết

26/01/2017 14:45 PM | Kinh doanh

Đồng bằng sông Cửu Long chi chít sông ngòi kênh rạch, từ đó hình thành một nền văn minh sông nước đặc trưng, với sự xuất hiện những chợ nổi trên các ngã ba, ngã năm, ngã bảy – nơi tiếp giáp những dòng sông, gắn liền với đời sống người dân từ thời khẩn hoang lập đất. Chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng là một trong những điển hình cho nét văn hóa vùng sông nước.

Chợ nổi nhóm họp cả ngày, nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát sương giăng bảng lảng mặt sông và mặt trời chỉ mới hừng đỏ mặt sông xa xa. Đi chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, bắt đầu nắng gắt là chợ vãn khách.

Nét riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức bẹo hàng. Bẹo là quảng bá hàng hóa tại chỗ. Trước mỗi mũi ghe, người ta thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Khách phải nhìn cây bẹo mà tìm các loại hàng hóa cần mua. Một số ghe có mui bằng ván người ta ghi hẳn dọc theo bên hông tên món hàng với dòng chữ "Ghe bán mắm các loại" chẳng hạn.

Ngày thường là vậy, ngày Tết chợ nổi càng nhộn nhịp. Khoảng từ rằm tháng Chạp trở đi, chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng lên xuống hàng, để phục vụ cho bà con ngày Tết. Cả quãng sông dài vài cây số tấp nập ghe xuồng, rộn ràng tiếng nói vang cả mặt sông: tiếng gọi hàng í ới, tiếng hô tránh đường, tiếng máy nổ, tiếng mái chèo rẽ nước, tiếng người chào hỏi nhau…

Ghe bán hàng thì neo đậu chất đầy những hàng hóa thiết yếu của ngày Tết như bánh mứt, vải vóc, quần áo… cho đến dưa hấu, chuối xiêm, dừa tươi, bắp cải, củ hành, củ kiệu…

Những chiếc xuồng ba lá thoăn thoắt hai mái chèo của những cô gái mặc áo bà ba, nón lá quai hường đi chợ mua sắm cho mấy ngày Tết: bông vạn thọ trong vườn nhà chưa kịp trổ thì mua vài chậu bông rực vàng về chưng Tết; cặp dưa hấu cúng ông bà không thể thiếu, thêm ít ký kiệu, củ hành tươi về làm dưa; trứng vịt về làm bánh hay kho thịt…, thứ gì nhà thiếu thì mua.

Người bán phần lớn là nông dân, bán sản vật do mình làm ra, thật thà, ít khi nói thách. Mua bán tới ngày nay còn tính chục, tính trăm hoặc bán theo mớ, nhắm chừng. Cân đong, đo đếm từng li từng tí hay tranh giành hơn thiệt ít khi xuất hiện ở môi trường này.

Ghe xuồng dày đặc hàng trăm chiếc cùng di chuyển như vậy nhưng gần như không xảy ra va chạm nghiêm trọng nào đáng tiếc. Va quẹt chút xíu là người ta luôn miệng nhắc nhau "Chợ Tết mà, mỗi người nhường một chút đi!" hoặc là lời xin lỗi, nhận lỗi… Mặt trời lên, bụng đã đói, sẵn có ghe bán bún nước lèo hay cháo lòng, bà con kêu lại ăn một tô, uống ly cà phê buổi sáng bập bềnh theo con nước.

Có dịp theo ghe bán hàng mới cảm nhận được những khoảnh khắc bình yên và nhận ra rằng cuộc sống này còn thi vị biết bao!

Ghe nào hết hàng, nhắm thời gian còn đủ thì sẽ tiếp tục xuôi ngược để về lấy hàng rồi quay lại. Nhưng mọi hoạt động mua bán đều kết thúc vào buổi sáng ngày cuối cùng của năm cũ, người mua vội vã trở về nấu bữa cơm cúng ông bà tổ tiên ngày cuối năm, các ghe bán hàng cũng tất tả quay về nhà cho kịp tất niên. Ghe nào bán hết thì mừng, ghe nào ế hàng đến sáng Ba mươi còn nhiều thì phải hạ giá, bán rẻ, do vậy nên chợ sáng Ba mươi thường đông hơn.

Người đi chợ xem cái gì được bán xổ thì mua để dành ăn. Ngược lại cũng có những mặt hàng khan hiếm, giá cao gấp mấy lần ngày thường - một đặc điểm của phiên chợ cuối năm.

Sang năm mới, qua mùng Ba mới lai rai có vài ghe xuất hành sớm trở lại chỗ buôn bán cũ để neo đậu bắt đầu công việc cho năm mới. Mọi hoạt động của chợ nổi trở về bình thường khi người dân "ăn Tết hết mùng".

Theo Minh Khuyên

Cùng chuyên mục
XEM