Cho người dân vay vốn mua nhà lãi suất chỉ 4,8%, Chính phủ lấy tiền ở đâu ra?

22/06/2016 14:05 PM | Kinh tế vĩ mô

Người dân đặt kỳ vọng vào quyết định của Thủ tướng về cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8% song ngân hàng đến nay vẫn chưa biết lấy tiền ở đâu ra và khi nào mới có...

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ.

Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.

Như vậy, ngoài kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, thì những người thu nhập thấp có thêm sự lựa chọn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách với mức lãi suất thấp hơn gói vay 30.000 tỷ đồng ở các ngân hàng thương mại là 0,2%/năm.

Có thể nói đây là một tin vui cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp có cơ hội mua nhà ở với lãi suất rẻ như cho. Các chuyên gia cũng nhận định, chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nếu được thực hiện tốt sẽ phát huy tác dụng lớn đối với đời sống xã hội cũng như góp phần giúp cho thị trường bất động sản ổn định.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, nhu cầu của khách thì nhiều nhưng Chính phủ lấy đâu ra tiền, cấp vốn như thế nào cho Ngân hàng Chính sách để cho người dân vay?

Cụ thể, theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông NHCSXH cho biết, hiện nay ngân hàng vẫn chưa có vốn để triển khai chương trình, chưa biết nguồn vốn bao nhiêu, khi nào mới có.

“Để khách hàng có thể tiếp cận được vốn phụ thuộc rất nhiều vào các Bộ ngành liên quan. Ngân hàng vẫn đang còn tiếp tục đợi những văn bản hướng dẫn triển khai từ Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư… “, ông Ngọc cho hay.

Ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là việc Chính phủ sẽ cấp vốn như thế nào cho NHCSXH để cho người dân vay, bởi các Bộ, ngành liên quan đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ này.

Điều đó cũng có cơ sở khi Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao.

Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn.

Chính vì thế, theo ông Quang, từ chính sách đến thực hiện là một khoảng cách, cần sự nỗ lực mạnh của cả Chính phủ và NHCSXH.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cái khó là hiện nay nợ công của chúng ta đã đầy, phát hành trái phiếu chính phủ cũng đến giới hạn, không thể tùy tiện in tiền để ngân hàng chính sách cho vay được.

"Việc tìm nguồn vốn là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa để triển khai chính sách trong thực tiễn, tránh tình trạng nợ chính sách quá nhiều", ông Phong khẳng định.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM