Chợ Lớn tạm ngưng hoạt động 1 năm, các tiểu thương cuối cùng buồn bã dọn hàng

11/11/2016 16:21 PM | Kinh doanh

Mất mối, buôn bán khó khăn, phải dời sang chợ tạm nhỏ hẹp hơn... là những lo lắng của hàng trăm tiểu thương vì ngôi chợ cổ gần 90 tuổi lớn nhất Sài Gòn chính thức tạm đóng cửa để sửa chữa trong dịp cuối năm.

Ngày 11/10, chợ Bình Tây (quận 6, TP. HCM) đã chính thức tạm đóng cửa , ngưng mọi hoạt động buôn bán để sửa chữa vì đã xuống cấp nghiêm trọng. Chợ Bình Tây (hay còn gọi là Chợ Lớn) được xây dựng cách đây hơn 90 năm nên nhiều hạng mục đã hỏng theo thời gian.

Bắt đầu từ 10/11 - 14/11, BQL chợ sẽ chừa lại cửa số 6, còn lại đóng tất cả các cửa chính để phục vụ việc di dời hàng hóa của tiểu thương sang chợ tạm mới ở phía đối diện. Việc sửa chữa diễn ra trong 1 năm (bắt đầu từ ngày 15/11), sau đó tiểu thương sẽ trở lại buôn bán như ban đầu.

Chợ Lớn trong ngày chính thức dừng hoạt động để sửa chữa. Chợ được thương gia người Hoa xây dựng vào năm 1928 với kiến trúc hình bát quái gồm 12 cổng, rộng 25.000 m2.

Trong ngày tạm đóng cửa, các tiểu thương vẫn đang hối hả thu dọn hàng hóa để di dời sang chợ tạm.

Một số du khách khi biết tin đóng cửa cũng đã ghé lại xem hàng hóa, tranh thủ chọn món hàng tại ngôi chợ cổ lần cuối trước khi sửa chữa.

Do đã thông báo cách đây nhiều tháng nên các tiểu thương đã tranh thủ dọn đồ và di dời vào trước đó. Hiện chỉ còn khoảng 30% hàng hóa sẽ di dời hết trong vài ngày tới.

Theo ghi nhận của chúng tôi, việc di dời hàng hóa sang chợ tạm được thông báo trước nhiều tháng nên các tiểu thương đã chủ động thu xếp hàng hóa từ sớm để vận chuyển nhanh gọn hơn. Hiện tại trong ngày đầu di dời đã có khoảng 70% số lượng hàng hóa được vận chuyển ra ngoài chợ tạm buôn bán. Tầng 2 và 3 chỉ còn lác đác vài sạp còn tháo dỡ các khung sắt, gỗ để treo hàng.

Tuy nhiên việc đóng cửa chợ Bình Tây để sửa chữa nhằm vào thời điểm cận Tết (cách 2 tháng) khiến nhiều tiểu thương buồn rầu và lo lắng hơn.

Đang ngồi sắp xếp đống quần áo với vẻ mặt buồn rầu, cô Tú Linh (chủ sạp quần áo trẻ em) chia sẻ: "Hiện giờ tôi và gia đình cũng không biết buôn bán như thế nào nữa, cuối năm mà phải di chuyển sang chợ tạm thì chắc sẽ bị ảnh thưởng nhiều rồi. Sạp tại chợ tạm chỉ 1,25 m2 thì quá nhỏ nên không thể trưng bày hàng hóa được. Giờ là lúc cao điểm mua sắm, mẫu mã về cũng không thể trưng bày ra để bán".

Cửu vạn dọn hàng thuê cho tiểu thương tại chợ.

Cô Tú Linh lo lắng vì cận Tết mà phải di dời sang chợ tạm sẽ khó bán hàng trong thời điểm này.

Người thân của cô Linh vận chuyển số quần áo về nhà vì sạp tại chợ tạm quá nhỏ, không đủ chỗ chứa.

Theo cô Linh, hiện tại hàng quần áo trẻ em cũng bị tồn quá nhiều rồi mà giờ lại di chuyển sang chợ tạm với không gian chật hẹp thì việc kinh doanh phải phó mặc cho số phận, tới đâu hay tới đó.

Chung cảnh ngộ với bạn hàng, chú Thành (chủ sạp quần áo may sẵn cạnh sạp cô Linh) cho biết, thời điểm khoảng 2 tháng nữa là đến Tết, lượng hàng hóa tập kết về nhiều mà thời gian để làm quen với chợ tạm thì không thể một sớm một chiều được.

"Đáng ra phải chọn thời điểm sau Tết để sửa chữa chợ Bình Tây thì hay hơn, ra giêng hàng hóa không còn nhiều nữa, không mất thời gian di dời. Còn bây giờ di dời thì tốn nhiều khoảng kinh phí lắm. Chưa kể sang chợ tạm không biết có buôn bán được không", chú Thành chia sẻ và cho biết thêm vì sạp quần áo của chú có nhiều mối quen nên cũng chưa lo lắng đến chuyện mất mối khi chuyển sang chợ tạm.

Chú Thành buồn bã khi phải dọn hàng.

Một cô gái vác trên lưng 3 thùng hàng vận chuyển sang chợ tạm để kịp khai trương sạp mới.

Số lượng hàng tồn tại chợ đang rất nhiều nên việc vận chuyển mất khá nhiều thời gian.

Đang tháo dỡ những thanh sắt dùng để treo đồ, chú Khương (sạp bán khẩu trang, bít tất) cho biết, giải pháp trước mắt trong việc bán hàng tại chợ tạm mới là giảm các mặt hàng, chỉ bán những loại khách thường hay có nhu cầu mua nhiều. Theo chú Khương, việc thuê người vận chuyển hàng hóa qua chợ tạm cũng tốn khá nhiều chi phí, tiền mướn nhân công khoảng 400.000 đồng/người/ngày.

Chú Khương đang cố gắng tháo dỡ các thanh gỗ để treo hàng hóa khi chuyển sang chợ tạm.

Anh Nam vẫn còn loay hoay với số hàng bách hóa và mỹ phẩm trong sạp hàng tại chợ Bình Tây.

Nhiều tiểu thương đang như đứng trên đống lửa khi lượng hàng Tết về nhiều nhưng không thể bán được.

Còn anh Nam (chủ sạp bách hóa, mỹ phẩm) chia sẻ: "Bây giờ qua chợ tạm chắc tầm 1 tháng mới quen được buôn bán. Hiện tại vì hàng còn nhiều nên tôi còn chưa vận chuyển hết được. Thời điểm này mà đóng cửa chợ để sửa chữa thì gây nhiều khó khăn cho các tiểu thương lắm, cuối năm bao nhiêu thứ phải lo từ hàng hóa đến mối bạn hàng, có thể năm nay việc buôn bán thất thu rồi".

Có thể thấy được tâm trạng lo âu trên nét mặt của các tiểu thương khi đang bận rộn với việc dọn hàng. Bởi lẽ đây là thời điểm hàng Tết bắt đầu nhập về nhiều nhưng lại di dời sang chợ tạm với không gian chật hẹp, nóng bức thì rất khó để làm ăn buôn bán.

Câu hỏi mà các tiểu thương đều thắc mắc nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng là "Tại sao lại chọn thời điểm cuối năm, còn 2 tháng nữa là Tết để đóng cửa chợ Bình Tây?". Về vấn đề này, đại diện ban quản lý chợ Bình Tây cho biết dự án sửa chữa đã có từ rất lâu rồi, việc sửa chữa lần này để đảm bảo an toàn kịp thời cho các tiểu thương.

Theo ban quản lý chợ, đơn vị cũng hiểu được nỗi lo lắng của tiểu thương ở chợ khi phải di dời sang chợ tạm trong thời điểm này vì thế đơn vị sẽ hỗ trợ giữ nguyên số sạp, tên sạp, số điện thoại đặt hàng... để thuận tiện trong việc buôn bán.

Hầu hết hàng hóa đều vận chuyển về nhà với số lượng gần 1 nửa.

Khu chợ tạm trên đường Tháp Mười, hiện chợ tạm đã được hoàn thành với 1.077 sạp, hoạt động tương tự như chợ Bình Tây từ 6g tới 19g hàng ngày.

Bên trong khu chợ tạm khá nóng vì được che mái tôn, không gian chật hẹp.

Theo Tứ Quý

Cùng chuyên mục
XEM