Chính sách của ông Trump đang đưa nước Mỹ về những năm 1980, khi người tiêu dùng Mỹ là bên bị thiệt hại nhiều nhất

03/07/2018 09:36 AM | Xã hội

Các chính sách thương mại mà Mỹ thực hiện trong những năm 1980 đã gây tổn hại cho nền kinh tế nước này trong khi mục tiêu giảm thâm hụt thương mại thì không đạt được.

Những động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong quá trình thực thi chính sách bảo hộ thương mại khiến nhiều người nhớ đến các cuộc chiến thương mại từng xảy ra cách đây vài thập kỷ. Và các chuyên gia kinh tế cho rằng đó là công thức cho rắc rối.

Theo Anna Zhou và Ethan Harris, các chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch (BAML), việc ông Trump tập trung vào thuế quan và thâm hụt thương mại song phương cũng tương tự như những chính sách mà Mỹ đã thực hiện trong những năm 1980, đặc biệt là đối sách với Nhật Bản.

Có thể nhìn thấy sự tương đồng ngay trên bề mặt: ở cả 2 thời kỳ đều là 1 vị Tổng thống của đảng Cộng hòa triển khai một loạt chính sách bảo hộ chống lại đồng minh thân cận của Mỹ với hi vọng sẽ giảm thiểu được thâm hụt thương mại vốn đang gia tăng và bảo vệ một số ngành sản xuất cụ thể.

"Giống như những năm 1980, hiện tại thâm hụt thương mại lớn cũng được nhìn nhận là bằng chứng rõ ràng nhất cho hoạt động thương mại không công bằng", Harris và Zhou cho biết.

Những chính sách không hiệu quả của năm 1980 cho thấy cuộc chiến thương mại nguy hiểm như thế nào

Trong những năm 1980, cựu Tổng thống Ronald Reagan và các nhà làm luật Mỹ đã lo ngại về tình trạng thâm hụt thương mại với Nhật Bản đang ngày càng gia tăng cũng như việc Nhật thâm nhập rất mạnh mẽ vào các thị trường mà Mỹ đang chiếm ưu thế.

Nếu như ở thời điểm hiện tại ông Trump tập trung vào ô tô, thép và các công nghệ mới, ông Reagan cũng tập trung vào ô tô, thép và công nghệ bán dẫn vừa nổi lên. Reagan cũng đã dựng lên một loạt rào cản như thuế quan , hạn ngạch và các chính sách hạn chế nhập khẩu để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên các chính sách này đã tỏ ra rất kém hiệu quả. Theo số liệu của BAML, thâm hụt thương mại đã tăng từ mức 36 tỷ USD (tương đương 1,3%) trong năm 1980 lên 170 tỷ USD (3,7% GDP) vào năm 1989.

Zhou và Harris chỉ ra một số bài học có thể áp dụng cho thời điểm hiện tại:

- Dựng lên các rào cản thương mại không nhất thiết sẽ làm giảm thâm hụt thương mại: tác động của chính sách trong nước đến thâm hụt cũng lớn không kém so với chính sách thương mại. Các chương trình chi tiêu công (ví dụ như cắt giảm thuế) và thâm hụt ngân sách hoàn toàn có thể gây ra thâm hụt thương mại nếu khiến cho tỷ lệ tiết kiệm của nước đó sụt giảm. Thêm vào đó, giá tăng lên sẽ triệt tiêu tác dụng từ việc giảm số lượng, đồng thời dòng chảy hàng hóa sẽ tự điều chỉnh để tránh các rào cản đã được dựng lên.

- Người Mỹ sẽ phải gánh chịu chi phí: giá cả tăng lên vì thuế và các rào cản thương mại, và cuối cùng thì người tiêu dùng Mỹ đã phải chi trả cho chính sách thương mại của Reagan. Chỉ trong năm 1984, ước tính người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm 53 tỷ USD vì các chính sách hạn chế nhập khẩu, chưa kể đến nhiều việc làm bị đe dọa khi các công ty phải cắt giảm chi phí vì giá nguyên liệu đầu vào tăng lên.

- Các ngành được bảo hộ cũng không nhận được nhiều lợi ích: thị phần của ô tô Nhật trên thị trường Mỹ đã giảm xuống, nhưng chỉ giảm chưa đến 3 điểm phần trăm. Trong khi đó tổng giá trị ô tô Nhật được nhập vào Mỹ lại tăng lên vì giá tăng. Câu chuyện tương tự diễn ra trên thị trường thép và ngành bán dẫn.

Zhou và Harris kết luận rằng xét về tổng quan thì các chính sách thương mại mà Mỹ thực hiện trong những năm 1980 đã gây tổn hại cho nền kinh tế nước này trong khi mục tiêu giảm thâm hụt thương mại thì không đạt được.

2018 khác gì 1980?

Các chuyên gia kinh tế của BAML chỉ ra 1 điểm khác biệt lớn có thể thay đổi cục diện căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Trong những năm 1980, xét theo một số khía cạnh nhất định thì Nhật Bản đã hợp tác và nhượng bộ với Mỹ thay vì "ăn miếng trả miếng".

Ngược lại, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã thông báo các loại thuế trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ, thậm chí các quan chức nước này còn nhấn mạnh Trung Quốc không sợ chiến tranh thương mại với Mỹ. Kể cả những đồng minh thân cận của Mỹ như Mexico, Canada và EU cũng đã đánh thuế hàng hóa Mỹ để đáp trả.

Do đó, những rủi ro từ 1 cuộc chiến tranh thương mại được dự báo là sẽ lớn hơn đáng kể so với 3 thập kỷ trước, theo các chuyên gia kinh tế của BAML.

Theo Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM