Chính phủ vùng Vịnh giàu có mệt mỏi với đội quân chỉ nhận lương không đi làm

20/06/2018 22:32 PM | Xã hội

Chính phủ các nước vùng Vịnh gần nhận ra được rằng cuối cùng một ngày nào đó dầu cũng sẽ hết, họ đang cố gắng điều chỉnh lại tình hình tài chính công, khởi đầu sẽ từ việc giảm bớt ngân sách lương.

Đến và quẹt vân tay. Chu trình này phổ biến với người đi làm khắp nơi trên thế giới. Tại Kuwait, dường như chỉ ngần đó việc thôi cũng quá nhiều.

Chính phủ Kuwait đang cố gắng giảm bớt đi nguồn chi vào lương hiện đang ăn đến hơn nửa ngân sách của Kuwait - một mức quá cao ngay cả nếu so với mặt bằng chung của các nước ở vùng Vịnh. Trong năm ngoái, chính phủ yêu cầu các công chức nhà nước phải quẹt vân tay hàng sáng.

Quý sau đó, khoảng 5.000 người nghỉ việc. Nhiều người trong số họ hiếm khi đến văn phòng và họ lo sợ họ sẽ gặp khó nếu chiếu theo luật mới, theo một quan chức tại Bộ Tài chính Kuwait, ông Khalifa Hamada.

Tất cả các nước vùng Vịnh đều đối diện với vấn đề tương tự. Chính phủ là nhà tuyển dụng đầu tiên - kể cả nếu chẳng có việc gì cho nhân viên làm. Đó là một thỏa thuận ngầm giữa những gia đình cầm quyền với công dân của mình. Công dân có thể không chắc có tiếng nói trong việc điều hành đất nước, thế nhưng ít nhất họ được bảo trợ.

Giờ đây, sau nhiều năm giá dầu thấp, chính phủ các nước vùng Vịnh gần nhận ra được rằng cuối cùng một ngày nào đó dầu cũng sẽ hết, họ đang cố gắng điều chỉnh lại tình hình tài chính công. Chi tiêu vào lương, khoản chi tiêu lớn nhất cho đến hiện tại, và mọi sự cắt giảm chắc chắn bắt đầu từ đây.

Trong trường hợp Kuwait với Qatar, với dân số quy mô nhỏ hơn và nguồn thu từ năng lượng tính trên đầu người cao hơn, việc tìm được một giải pháp không khó. Mọi chuyện với Saudi Arabia không dễ dàng như vậy. Khoảng 70% người Saudi Arabia dưới tuổi 30. 1,2 triệu người sẽ gia nhập vào lực lượng lao động trước năm 2022, con số cao gấp 4 lần tổng số dân của Qatar.

Theo kế hoạch của Thái Tử Mohammed Bin Salman cho thời kỳ hậu dầu mỏ, nhiệm vụ tạo việc làm cho những người trẻ tuổi này sẽ thuộc về lĩnh vực tư nhân.

Chính phủ Saudi Arabia hiện đang tuyển dụng khoảng 2/3 công dân Saudi Arabia. Chính phủ đang cố gắng giảm bớt thâm hụt ngân sách vốn đã phình to lên mức khoảng 16% GDP sau cú sốc dầu mỏ năm 2014.

Cũng giống như nhiều nhà cầm quyền khác tại vùng Vịnh, Thái Tử Mohammed bắt đầu thực thi chương trình giảm chi phí của ông bằng việc thu hẹp các dự án đầu tư. Việc tiếp theo trong danh sách chính là giảm trợ cấp cho nhiên liệu và cuộc sống hàng ngày, cùng lúc đó áp thuế giá trị gia tăng.

Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường cho đến nay khá hài lòng với việc từ chối đề nghị làm việc từ các công ty tư nhân và chờ cơ hội làm việc từ chính phủ. Mức lương cao hơn, giờ làm ngắn hơn, kỳ nghỉ dài hơn; thưởng và trợ cấp cao. Chuyên viên tư vấn ở Kuwait, ông Walid Al Said, từng phỏng vấn một người trẻ mới chỉ 22 tuổi và câu đầu tiên người đó hỏi là: “Tôi có thể về hưu ở tuổi nào?”

Thái độ của xã hội với việc đi làm tại các công ty tư nhân, tuy nhiên, đang dần thay đổi. Ngay cả như vậy, phần lớn những việc làm lương thấp vẫn chủ yếu do người nước ngoài đảm nhiệm.

Chính phủ nhiều nước vùng Vịnh đang cố gắng đuổi bớt người nước ngoài. Chính phủ Saudi Arabia, cho đến nay, đã buộc các công ty phải tuyển dụng thêm người lao động địa phương, cấm người nước ngoài làm việc trong nhiều ngành và đánh thuế đối với họ cũng như người phụ thuộc của họ.

Việc đuổi người nước ngoài đi thực ra cũng chẳng có lợi gì. Nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ phá sản nếu họ phải tuyển dụng lao động địa phương với mức lương tương đương với người làm trong chính phủ. Con số thống kê cho thấy khoảng 466 nghìn người lao động nước ngoài tại Saudi Arabia mất việc vào năm ngoái thế nhưng chỉ có 103.000 người Saudi Arabia được tuyển dụng.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM