Chính phủ tạo cơ chế đặc biệt nào để khuyến khích phát triển điện mặt trời?

15/04/2017 17:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đưa ra thông báo chỉ đạo tạo cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời.

Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời được huy động vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời theo quy định của pháp luật hiện hành.

Dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được.

Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện mặt trời được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Miễn, giảm tiền sử dụng đất

Về ưu đãi đất đai, Quyết định quy định các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh tạo điều kiện thu xếp quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

Quyết định nêu rõ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời có trách nhiệm lắp đặt các thiết bị điện mặt trời phải bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn về công trình theo các quy định hiện hành.

Việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định liên quan khác.

Với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong hơn thập kỷ qua khiến nhu cầu về điện năng tăng thêm khoảng 15% mỗi năm theo ước tính của các chuyên gia năng lượng. Tuy nhiên hiện nay nguồn điện năng tại nước ta chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời hay điện gió có tiềm năng lớn.

Hiện nay tại Việt Nam có 2 nhà máy điện mặt trời lớn đang xây dựng gồm: Thiên Tân và Tuy Phong.

Ngày 29/8/2015, dự án Nhà máy quang điện mặt trời Thiên Tân do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư đã chính thức được khởi công xây dựng, nhà máy có công suất 19,2 MW với tổng mức đầu tư 800 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 24 ha tại thôn Đạm Thủy, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi bằng nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài. Dự án do Công ty TNHH Full Advantage làm tư vấn.

Đến đầu tháng 1 năm 2016, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết chính quyền tỉnh vừa cấp phép đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Tuy Phong cho Công ty TNHH DooSung Vina với tổng vốn đầu tư khoảng 66 triệu đô la Mỹ.

Nhà máy điện mặt trời Tuy Phong sẽ được xây dựng trên diện tích gần 50 héc ta tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong với công suất 30 MW với tổng vốn đầu tư 1.454 tỉ đồng (tương đương 66 triệu đô la Mỹ) dự kiến sẽ khởi công xây dựng giữa năm nay và bắt đầu phát điện từ năm 2017.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM