Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, sóng lớn cho Startup công nghệ tài chính đã đến!

06/01/2017 10:51 AM | Xã hội

Với đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 mảnh đất cho khởi nghiệp công nghệ thanh toán điện tử còn rất rộng lớn. Cơ hội lớn đang chờ đón các startup như MoMo, eMonkey, Payoo, BankPlus,...

Mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Mục tiêu được Đề án đặt ra gồm:

- 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

- 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Để thực hiện được những mục tiêu này, một trong các giải pháp được Chính phủ đặt ra là xây dưng, phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ. Ngoài việc tiếp tục phát triển mạng lưới POS, thanh toán trực tuyến, mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, Đề án này còn đưa ra các giải pháp mới như:

- Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại mới với chi phí hợp lý, tốc độ thành toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao.

- Khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội, thu học phí…)

- Phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử như hoàn thiện, tăng cường kết nối hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.

- Khuyến khích sử dụng các thiết bị điện tử để thanh toán hàng hóa, dịch vụ trên các kênh thanh toán điện tử khác nhau.

- Triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại điện tử, tạo lập nền tảng cho phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử.

Có thể thấy với mục tiêu phát triển thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ cùng với những biện pháp phát triển thanh toán điện tử, thời gian tới là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Hiện trên thị trường còn khá ít tên tuổi ứng dụng thanh toán điện tử có thể kể tên như MoMo, eMonkey, Payoo, VTC Pay, BankPlus tuy nhiên phần lớn người Việt chưa biết đến.

Ngoài ra các ứng dụng này hiện mới chỉ đưa ra những dịch vụ như thanh toán dịch vụ điện, nước, điện thoại, games, chuyển tiền thông qua liên kết với những ngân hàng thương mại như BIDV, Vietcombank,... Với mục tiêu mở rộng của Chính phủ sang các lĩnh vực khác như thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội, thu học phí,… thì rõ ràng mảnh đất cho khởi nghiệp công nghệ thanh toán điện tử còn rất rộng lớn.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM