Chính phủ nên hỗ trợ chính sách chứ đừng bơm tiền vào Startup, đây là lý do vì sao

04/08/2016 09:37 AM | Kinh doanh

Điều đó chỉ khiến cộng đồng này phát triển lệch lạc và mau chết hơn thôi.

Lợi thế là môi trường cực kỳ hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ nhưng tham vọng của chính phủ các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đối với startup dường như đang đi chệch hướng.

Trên rất nhiều phương diện, Đông Nam Á đang là trung tâm đầy hấp dẫn với các doanh nghiệp công nghệ: Đây là thị trường trực tuyến phát triển nhanh nhất thế giới. Khoảng 70% dân số khu vực này dưới 40 tuổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Doanh số điện thoại thông minh tăng mạnh.

Vì vậy, có thể dễ dàng hiểu tại sao chính phủ các quốc gia ở khu vực này sẵn sàng thành lập các quỹ đầu tư cho startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) ở địa phương với hy vọng nuôi dưỡng thành các trung tâm công nghệ mới hàng đầu. Thái Lan là một ví dụ, quốc gia này đã chi 570 triệu USD với mục tiêu tạo ra 10.000 công ty khởi nghiệp tính đến năm 2018.

Đó là kế hoạch tốt, đầy tham vọng nhưng dường như đang đi sai hướng.

Khi chính phủ rót tiền vào các công ty sẽ gây rủi ro gia tăng chi phí cho các nhà đầu tư tư nhân và khiến môi trường kinh doanh trở nên thiếu tính cạnh tranh. Rõ ràng mục tiêu đối với các công ty đầu tư của chính phủ và nhà đầu tư tư nhân là khác nhau (các chính phủ muốn tối đa hóa việc làm còn nhà đầu tư thì không). Dĩ nhiên những hỗ trợ vừa đủ sẽ tạo ra hiệu quả tuy nhiên thái quá sẽ gây ra vấn đề lớn.

Đó là lý do tại sao tốt hơn hết nên để thị trường tự quyết định nơi nào cần nhận đầu tư. Tại Đông Nam Á, mọi chuyện đang diễn ra đúng như vậy.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm tạo ra các khoản đầu tư vào khu vực này nhiều hơn 127% so với thời kỳ năm 2010, đạt mức 1,1 tỷ USD trong năm ngoái. Gần 7.000 startup đã xuất hiện. Một vài trong số đó như Tokopedia của Indonesia đang phát triển tốt, một số khác thì không. Điều này hoàn toàn bình thường bởi như vậy mới gọi là đầu tư mạo hiểm.

Dĩ nhiên những quốc gia giàu có như Singapore có đủ khả năng kiên nhẫn "nuôi" những doanh nghiệp địa phương nhưng nhiều nước khác tốt hơn hết nên đầu tư cho những thứ cơ bản khác như: Công trình công cộng, cải cách thủ tục và nghiên cứu.

Với khu vực Đông Nam Á, có lẽ điều quan trọng nhất là cải tiến chất lượng truy cập Internet. Hầu hết các quốc gia trong khu vực này đều có tốc độ truy cập Internet kém hơn so với mức trung bình của thế giới. Rất nhiều công dân tại đây thậm chí vẫn chưa được tiếp cận với Internet.

Đầu tư vào băng thông rộng có thể tạo bước đệm cho các doanh nhân, mở rộng giao thương và kết nối những nhân tài. Điều này cũng có thể thúc đẩy sáng tạo: Trong những năm gần đây, rất nhiều phát minh sáng tạo từ hệ thống thanh toán di động đến dịch vụ y tế nổi lên tại những nơi có kết nối Internet nhưng nguồn tiền hạn hẹp.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng là một biện pháp hiệu quả. Thương mại điện tử tại Đông Nam Á đang được kỳ vọng có thể tăng trưởng 32% một năm trong vòng 1 thập kỷ tới. Tuy nhiên, hầu hết hiện tại người dân vẫn thanh toán dịch vụ bằng tiền mặt.

Tạo ra các quy tắc chung trên toàn khu vực cho thương mại trực tuyến cũng có thể giúp các công ty tạo ra những phương pháp thanh toán sáng tạo có thể thông dụng trên nhiều thị trường.

Cuối cùng, nghe có vẻ nhàm chán nhưng rất quan trọng đó là đầu tư vào những công trình nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Nỗ lực này sẽ tạo ra những lợi ích được chia sẻ rộng rãi hơn nhiều so với những dự án R&D (nghiên cứu và phát triển) ở các tập đoàn. Điều này kích thích sáng tạo, cải thiện kỹ năng của người lao động và thúc đẩy phát triển, tất cả những điều đó giúp khơi nguồn cho các startup.

Nhìn chung, các hình thức cải cách thông thường sẽ không thể tạo ra những Google tiếp theo. Tuy nhiên, không có một công thức kỳ diệu nào có thể làm được điều này cả. Điều gì nên làm và không nên làm vẫn là một bí ẩn lớn. Nhưng những bước đi thận trọng cùng sự đổi mới sẽ tạo nên thành công.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM