Chính phủ Ấn Độ vừa làm nức lòng người dân, chi 6 tỉ USD cho chiến dịch trồng rừng lớn nhất lịch sử

07/05/2016 11:17 AM | Sống

Một quỹ trồng rừng Quốc gia và một Quỹ trồng rừng Bang đang được thiết lập để khởi động chiến dịch trồng rừng chưa từng có ở Ấn Độ, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ gọi đây là một cơ chế pháp lý mang tính lịch sử, và đã giành được sự ủng hộ của các chính trị gia từ nhiều đảng phái khác nhau.

Theo Javadekar, đạo luật này dành số tiền lên đến 410 tỉ ru-pi (tương đương 6,2 tỉ USD) cho những vùng đất rừng và vẫn chưa được giải ngân.

Điểm nổi bật của chương trình trồng rừng này chính là sự tham gia của người dân, sự kiểm tra của xã hội và sẽ không có bất kỳ sự chuyển dịch cây cối nào. “Ngoài các loại cây ngoại lai, chúng tôi sẽ chú trọng vào các giống cây nội địa”, Javadekar phát biểu trong một cuộc họp báo.

Đạo luật này cũng đảm bảo rằng các quỹ hỗ trợ sẽ khuyến khích hoạt động trồng rừng đền bù. Quỹ quốc gia sẽ nhận khoảng 10%, và các bang sẽ nhận 90% còn lại của Quỹ.

Javadekar cho biết: “Các quỹ này sẽ chủ yếu được dành vào việc trồng rừng nhằm bù lại diện tích che phủ của rừng đã bị mất đi, tái tạo lại hệ sinh thái rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển cơ sở hạ tầng”.

Tuy nhiên, Javadekar cũng nói rằng ngoài các quỹ theo đạo luật mới này, nên có thêm các quỹ khác để tạo ngân sách cho việc trồng rừng của các Bang. “Các Bang phải thường xuyên dành một phần ngân sách cho việc trồng rừng”.

Khi nhấn mạnh tầm quan trọng từ sự tham gia của người dân vào chương trình trồng rừng, Javadekar cho biết: “Ở đâu có sự tham gia của người dân, và ở đâu mà cuộc sống của người dân gắn liền với rừng, thì ở đó họ sẽ không để diễn ra nạn phá rừng bừa bãi”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM