Chính chữ "tiện" đang giết chết môi trường, nên người trẻ đã nghĩ nhiều hơn khi nhận 1 cái túi nilon hay 1 cái ống hút nhựa
Câu chuyện bàn tròn với sự tham gia của Maxk Nguyễn, Dino Vũ, Yumi Dương, Nhacuacoffeeholic và Kendall Nguyễn chắc chắn sẽ đem đến cho bạn những cái nhìn mới mẻ nhưng cũng rất chân thực về vấn đề bảo vệ môi trường.
"Zero waste" vốn là khái niệm có phần vĩ mô và trừu tượng với giới trẻ cách đây vài năm. Tuy nhiên gần đây, nhiều bạn trẻ đã thay đổi cách tư duy và tiếp cận vấn đề để thấy được rằng ai trong chúng ta cũng có thể bảo vệ môi trường bằng những hành động đơn giản nhưng thiết thực.
"Bảo vệ môi trường đã không còn là mối quan tâm của một nhóm người hay là một khái niệm gì xa lạ nữa, nó đã trở thành lifestyle của người trẻ và xuất hiện trong câu chuyện hàng ngày giữa những người trẻ với nhau" - Mark Nguyễn, một Art Director có sức ảnh hưởng trên MXH chia sẻ.
Giống như Mark Nguyễn, nhiều influencers khác cũng đang lan toả phong cách sống thân thiện với môi trường này đến nhiều người thông qua cuộc sống thường nhật của chính họ. Từ đó, những việc làm tưởng chừng như đơn giản khi nhận được sự cộng hưởng lên sẽ mang đến những kết quả rất khả quan.
Ngồi lại với nhau và nói về vấn đề bảo vệ môi trường, những người trẻ có sức ảnh hưởng sẽ mang đến cho bạn cái nhìn rất mới mẻ về vấn đề này. Bàn tròn hôm nay sẽ có sự tham gia của:
Trong thời gian qua, các hoạt động về giảm thải nhựa trong cuộc sống hằng ngày đã và đang nhận được sự chú ý lớn từ giới trẻ. Với vị trí là một người trẻ có sức ảnh hưởng trên MXH, các bạn nghĩ gì về những hoạt động này?
Mark Nguyễn: Nếu như bạn để ý, sẽ thấy sự thay đổi về nhận thức của người trẻ lớn như thế nào. Cách đây một, hai năm thôi, chuyện dùng một cái ống hút nhựa hay bao nilon chỉ là một hành vi sinh hoạt bình thường thì bây giờ, người trẻ cần nhiều thời gian để suy nghĩ hơn khi nhận một chiếc ống hút đi kèm với ly trà sữa.
Bảo vệ môi trường đã không còn là mối quan tâm của một nhóm người hay là một khái niệm gì xa lạ nữa, nó đã trở thành lifestyle của người trẻ và xuất hiện trong câu chuyện hàng ngày giữa những người trẻ với nhau. Đó không phải là một tín hiệu vui sao?
Dino Vũ: Gần đây mình có được xem trên mạng xã hội và trên chính Kênh14 một bài viết về hành trình của một nhiếp ảnh gia đi dọc Việt Nam và chụp lại những bãi rác thải mà chính chúng ta thải ra. Mình cũng theo dõi một trang facebook mang tên "Chuyến đi của Vịt" của một cặp vợ chồng rất trẻ, họ bỏ thành phố, lên Đà Lạt và sống một cuộc sống "Zero Waste".
Việc bảo vệ môi trường, theo Dino nghĩ, trước hết là phải đến từ sự thay đổi nhận thức rồi dẫn tới hành vi. Và những câu chuyện như Dino vừa kể, thực sự vừa xúc động vừa mang tính truyền cảm hứng rất lớn, để cho cộng đồng và các bạn trẻ có một cái nhìn tổng quát về tình trạng đáng lo ngại của vấn đề rác thải và tìm cách giảm thiểu nó.
Về những hoạt động giảm thải nhựa trong cuộc sống hằng ngày đang được sự quan tâm lớn từ giới trẻ, mình cảm thấy đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Và hi vọng nó sẽ trở thành một thói quen của các bạn trẻ thay vì chỉ là một phong trào nhất thời.
Cụ thể thì các bạn đã và đang làm những gì để giảm thải nhựa trong các sinh hoạt hằng ngày của mình?
Nhacuacoffeholic: Mình bỏ hẳn thói quen dùng túi nilon khi đi mua đồ. Khi mua nước thì mình sẽ dùng quai vải thay thế. Khi mua các món đồ khác thì mình bỏ vào túi vải. Mình mang theo bình đựng nước để hạn chế sử dụng cốc giấy, ly nhựa và cũng chuyển hẳn qua dùng ống hút bằng inox hoặc ống hút tre thay vì ống hút nhựa.
Kendall Nguyễn: Khi còn ở Mỹ, mình tiếp thu văn hoá phân loại rác như một thói quen, người ta làm thì mình làm chứ cũng chưa có nhiều suy nghĩ về tương lai cho lắm. Khi về đây mình vội đặt câu hỏi, liệu người Mỹ có quan tâm tới môi trường nhiều hơn chúng ta, hay môi trường sống tạo thói quen tốt cho họ. Ở mỗi gia đình đều có thùng rác phân loại sẵn 3 loại rác, và xe chở rác cũng phân chia nhiều loại khác nhau.
Ở nhà, mình có 1 thùng rác riêng và khối lượng rác sinh hoạt hàng tuần của riêng mình tích tụ lại thật sự làm mình chóng mặt. Ngoài những việc nhỏ như tiết kiệm điện, nước mình còn thu gom tất cả túi shopping để có thể dùng lại. Khi ra ngoài mình cũng hay đeo túi nên khi đi mua sắm mình không xin túi giấy hay túi nylon.
Về chuyện ống hút, mình không thích dùng ống hút lắm nên ít khi lăn tăn về vấn đề này. Hôm trước đi ăn ở một nhà hàng, mình có thấy mọi người bắt đầu sử dụng ống hút bằng bột, nghe nói từ làng bột Sa Đéc. Tuy chúng không đẹp nhưng dùng vẫn tốt và có thể ngâm trong nước lạnh tới 2 tiếng.
Dino Vũ: Dưới đây là gạch đầu dòng những điều mà mình đã làm:
- Mua các sản phẩm trong các bao bì nhựa từ size lớn, thay vì mua những size nhỏ để hạn chế nhiều bao bì vứt ra.
- Bất kì sản phẩm nào có sản phẩm thay thế không dùng đến nhựa, hoặc từ các sản phẩm có bao bì phân hủy sinh học thì mình sẽ lựa chọn, dù sản phẩm thay thế có thể có giá cao hơn một chút.
- Mình cũng sử dụng các sản phẩm như hộp nhựa tái sử dụng nhiều lần, thay vì những sản phẩm dùng nhựa dùng 1 lần rồi vứt đi.
- Sử dụng máy lọc nước để có nước sạch uống hàng ngày chứ không mua nước đóng chai.
- Phân loại rác từ trong gia đình. Ở nhà mình có 2 thùng rác, một dành cho các loại rác hữu cơ, một mình dành cho các loại bao bì, chai lọ có thể tái chế được.
Yumi Dương: Yumi bắt đầu từ những hành động nhỏ thôi, giống như mình sẽ không bao giờ xin hay dùng bịch nilon mà thay vào đó mình có 2 cái bao to để luôn mang theo khi mua đồ. 1 cái là để đồ không dơ như rau củ, đồ khô, nấm, mì, trứng; còn 1 cái Yumi sẽ lót 1 cái bọc ở trong mà mình có thể giặt đi giặt lại và để những đồ như thịt, cá,… Ở nhà Yumi không có li nhựa, chén nhựa hay muỗng nĩa nhựa. Ống hút thì cũng dùng ống hút thuỷ tinh vì nó vừa bền vừa đẹp.
Đang từ cách sống thoải mái, tiện nghi nay bỗng phải cắt giảm và thay đổi nhiều thứ, cuộc sống của các bạn có gặp phải bất cứ khó khăn nào không?
Maxk Nguyễn: Dĩ nhiên là để thay đổi một thói quen là điều không dễ dàng. Khi chưa có kiến thức về nhựa, chuyện dùng hay không dùng giống như chuyện bạn chọn đi thang máy hoặc thang bộ vậy. Vì lợi ích của bản thân, mình sẽ chọn cái tiện lợi cho mình hơn đúng không? Nhưng khi bạn hiểu hơn về ảnh hưởng của nhựa, bạn sẽ có động lực để lựa chọn giải pháp thân thiện hơn với môi trường.
Ban đầu ai cũng sẽ cảm thấy khó khăn, nhưng nếu mình có một giải pháp thay thế phù hợp thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ như uống trà sữa mà không dùng ống hút thì đúng là khó thật, nhưng nếu bạn có sẵn một chiếc ống hút thủy tinh để dùng nhiều lần, thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn.
Dino Vũ: Thật ra nói khó khăn thì hơi quá, mà bất tiện thì đúng hơn. Nhưng Dino nghĩ sự bất tiện đó là điều đáng đánh đổi. Vì tất cả những sự ô nhiễm môi trường này, thực ra đều do một chữ "tiện" mà đưa đến. Tiện tay vứt rác thẳng ra đường, Tiện tay mua đồ từ chợ với hàng chục túi nylon. Tiện tay bỏ tất cả rác vào 1 bịch mà không có sự phân loại. Nói chung cũng có những bất tiện và đánh đổi đi sự thoải mái cho cá nhân mình, nhưng mình nghĩ đó là một thói quen mà tập dần là sẽ làm được.
Những tips, những kinh nghiệm hay ho mà các bạn đã học được trong quá trình thay đổi thói quen của mình? Và cả những lần cố gắng nhưng thất bại nữa?
Nhacuacoffeeholic: Mình nghĩ là hãy rủ bạn bè và người thân cùng tập thói quen hạn chế sử dụng đồ nhựa. Họ sẽ nhắc nhở bạn đồng thời là động lực để bạn thay đổi thói quen. Kiểu nhìn nhau để thay đổi ấy!
Maxk Nguyễn: Nếu bạn cảm thấy bạn đang làm mọi thứ vì môi trường, nhiều khi, bạn sẽ chưa có đủ động lực vì chủ đề này còn quá mới và rộng lớn. Nhưng nếu bạn nghĩ tập thói quen sống xanh, giảm thiểu nhựa là một kiểu lifestyle của mình, bạn sẽ dễ thực hành trong sinh hoạt hàng ngày đó. Quan sát và tìm hiểu nhiều hơn thông tin về nhựa (nhất là những loại dùng 1 lần). Từ đó kế hoạch giảm thiểu nhựa cho bản thân sẽ khoa học và hợp lý hơn.
Yumi Dương: Mình có kinh doanh một quán cà phê nhỏ và thú thật là cũng gặp không ít khó khăn trong việc giảm thải lượng nhựa dùng mỗi ngày. Dù cố gắng lắm nhưng đôi khi chỉ có thể giảm 95% chứ không thể nào tuyệt đối 100% được. Tuy nhiên mình nên quyết tâm và hãy nghĩ về những biện pháp thay thế tối ưu nhất.
Những người xung quanh phản ứng như thế nào, và tỉ lệ hưởng ứng/ ủng hộ theo có phải là một con số khả quan không?
Nhacuacoffeeholic: Những người xung quanh như đồng nghiệp, bạn bè mình thì mọi người đều hưởng ứng và nhắc nhở nhau hạn chế sử dụng bao nilon. Điều mình vui nhất là khi mình chia sẻ lên Instagram thì nhiều bạn follower đã gửi cho mình những dòng tâm sự rất dài và kể về câu chuyện giảm thải nhựa của họ. Có nhiều người đã tập thói quen dùng túi vải đến nỗi bây giờ nhân viên ở cửa hàng họ hay mua đồ cũng biết và không đưa cho họ bao nilon nữa.
Yumi Dương: Khoảng 3 tháng trước mình có đăng lên Facebook một bài viết về môi trường, về rác thải ở Sài Gòn và post đó đã nhận được lượng bình luận và chia sẻ nhiều kỉ lục trên trang cá nhân của Yumi từ trước đến giờ. Mình nghĩ đây đã là một tín hiệu tốt và quan trọng là mình có lên tiếng đúng lúc hay không.
Nhiều người trẻ nghĩ rằng giảm thiểu 1-2 cái ống hút hay vài bao ni-lon chẳng giúp ích được là bao so với lượng rác khổng lồ mà trái đất đang gánh chịu. Nếu được nói với họ 1 câu, bạn sẽ nói gì?
Kendall Nguyễn: Có 437 triệu tới 7.8 tỷ ống hút nhựa nằm rải rác khắp các bờ biển toàn địa cầu. Có hơn 7.6 tỷ người trên trái đất. 7.6 tỷ cần phải nhân với con số bao nhiêu để trả lời câu hỏi trên?
Maxk Nguyễn: Mỗi khi bạn cần dùng một chiếc ống hút, hãy nghĩ rằng sau 5 phút bạn sử dụng, nó sẽ đi về đâu, cuối cùng cũng sẽ ra biển. Nếu bạn giảm thiểu 1 – 2 cái ống hút mỗi ngày, vài cái bao nilon mỗi tháng, một tuýp sữa rửa mặt có hạt vi nhựa mỗi tháng, thì trong một khoảng thời gian dài, bạn sẽ giảm thiểu được một số lượng rác thải đáng kể. Cũng đáng để bạn cân nhắc mà phải không?
Yumi Dương: Mình hiểu tâm lý mọi người thường cho rằng bản thân chỉ là một hạt cát nhỏ và sự ảnh hưởng của mình không lớn nhưng bạn biết không, nếu như mỗi một người góp chỉ 1% rất nhỏ thôi nhưng cộng tất cả lại cũng đã ra 1 con số khổng lồ rồi và có giá trị rồi.