Chiến tranh thương mại Nhật – Hàn: Trung Quốc “ngư ông đắc lợi” nhờ nắm trong tay lợi thế này

10/07/2019 21:32 PM | Xã hội

Căng thẳng thương mại Nhật – Hàn có khả năng sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Đây cũng là thời cơ để Trung Quốc “điền vào chỗ trống”.

Những tưởng động thái hòa hoãn của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump sẽ giúp những cơn sóng gió với nền thương mại toàn cầu tạm lắng xuống nhưng đáng tiếc không phải vậy. Sau Mỹ - Trung, một cuộc chiến tranh thương mại khác đang có nguy cơ xảy ra, lần này là giữa 2 nước láng giếng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày 2/7 vừa qua, Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu công nghệ cao, vốn là nguyên liệu quan trọng để chế tạo màn hình và chip điện thoại thông minh của các công ty của Hàn Quốc. Ngay lập tức, Seoul đã lên án động thái này, coi đây là "trả thù kinh tế" và người dân nước xứ sở kim chi cũng kêu gọi tẩy chay hàng Nhật nhập khẩu.

Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, trong khi 2 người trong cuộc đều chịu tổn thương do chuỗi cung ứng bị phá vỡ thì Trung Quốc lại là kẻ "ngư ông đắc lợi" nhờ nắm lợi thế, tiềm năng trong lĩnh vực quan trọng – ngành công nghiệp chất bán dẫn.

Chất bán dẫn quan trọng thế nào?

3 loại vật liệu mà Nhật Bản ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu bao gồm: polyamit fluoride, được sử dụng trong điện thoại thông minh; chất phát quang và hydro florua, sử dụng trong chất bán dẫn.

Chất bán dẫn thường là một nguyên tố hoặc hợp chất, có thể dẫn điện trong một số điều kiện khác nhau. Nhờ khả năng kiểm soát dòng điện tốt, chất bán dẫn đã trở thành một phần không thể thiếu của rất nhiều thiết bị điện tử, từ điện thoại di động, máy tính xách tay, radio đến đèn LED,…

Chiến tranh thương mại Nhật – Hàn: Trung Quốc “ngư ông đắc lợi” nhờ nắm trong tay lợi thế này - Ảnh 1.

Chất bán dẫn là một phần quan trọng trong các thiết bị điện tử.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, các công ty Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Nhật Bản ở cả 3 loại vật liệu trên. Chỉ riêng tháng 5, nước này đã nhập khẩu 94% polyamit fluoride và 92% các chất cảm quang từ Nhật Bản.

Trong khi đó, một giảng viên chuyên về kinh tế, chính trị quốc tế tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết ngành công nghiệp công nghệ của 2 nước đã có truyền thống kết nối và bổ sung cho nhau rất nhiều. Những công ty Hàn Quốc mua nguyên liệu từ Nhật Bản để sản xuất chất bán dẫn rồi sau đó chúng cũng được bán lại cho các công ty nước bạn.

Thiếu nguồn cung từ Nhật Bản, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, các ông lớn như Samsung hay LG Display,... đều sẽ chịu thiệt hại không hề nhỏ. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chẳng vui vẻ gì khi mất đi đối tác làm ăn lớn.

Trung Quốc với vai trò "điền vào chỗ trống"

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến này sẽ mang thắng lợi cuối cùng về cho Trung Quốc. 

Căng thẳng thương mại với Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường phát triển ngành công nghiệp vi mạch của mình, mà cốt lõi là công nghiệp bán dẫn. Theo kế hoạch "Made in China 2025","Made in China 2025" Bắc Kinh đặt mục tiêu sản xuất 40% chất bán dẫn mà họ sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025 - tăng từ mức dưới 10% hiện nay.

Chiến tranh thương mại Nhật – Hàn: Trung Quốc “ngư ông đắc lợi” nhờ nắm trong tay lợi thế này - Ảnh 2.

Phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn là một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch ""Made in China 2025".

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của chất bán dẫn, nhập khẩu hơn 100 tỷ USD giá trị vật liệu này mỗi năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực để thúc đẩy ngành công nghiệp chất bán dẫn trong nước nhằm cung cấp cho thị trường điện tử khổng lồ của mình, dự định chi 161 tỷ USD trong 10 năm.

Tecent, gã khổng lồ truyền thông xã hội và trò chơi, cha đẻ của ứng dụng Wechat cũng cam kết sẽ hợp tác để xây dựng ngành công nghiệp chip và bán dẫn của Trung Quốc.

Chuyên gia của trang SCMP nhận định khi cuộc đối đầu Nhật – Hàn tiếp tục căng thẳng, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ bị phá vỡ cũng là cơ hội để Trung Quốc lấp đầy khoảng trống. Trong những năm 1990 và 2000, Nhật Bản chiếm ưu thế; từ những năm 2010, Hàn Quốc đã lên ngôi. Còn giờ đây, nếu Trung Quốc nắm bắt dược thời cơ thì rất có thể sẽ thay thế vị trí của các đối thủ.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM