Chiến lược “nhốt” riêng khách hàng mục tiêu là nam giới - nữ giới của Shark Khoa và nguyên tắc "Chỉ đầu tư vào công ty có lời, dù rất ít"

14/07/2018 08:56 AM | Kinh doanh

Người sáng lập, sản phẩm có chất lượng, startup phải có lời… là những yếu tố để nhà đầu tư Lê Đăng Khoa có thể rót vốn và đồng hành cùng các founder.

Nói chuyện với Lê Đăng Khoa, mới thấy từ nhiều năm trước, doanh nhân 8X đã có chiến lược quy hoạch khách hàng mục tiêu riêng: Nam giới và nữ giới. Và từ đó, Khoa xây dựng mỗi startup là một “mắt xích” trong hệ sinh thái dành riêng cho nữ giới và riêng cho nam giới.

Chiến lược phục vụ nữ giới: Ăn bánh, uống trà, ngắm hoa, làm nail...

Một quán cafe trà Flower Market Tea House gần Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) là nơi tập trung nhiều dịch vụ rất liên quan đến nhau bắt nguồn từ ý tưởng của doanh nhân này. Đó là các chị em đã vào uống cà phê là ngắm hoa, mua hoa, rồi ăn bánh…. Tất cả đều là các startup trong hệ sinh thái của Khoa, hoặc Khoa đang là cổ đông lớn.

Doanh nhân Lê Đăng Khoa có Hoa 38 độ (chuyên bán hoa sỉ lẻ), Flower Market Tea House (quán kết hợp giữa cà phê, trà, hoa), The Cake Factory (Khoa mới thành lập đầu năm 2018 chuyên về bánh sinh nhật), tiệm nail dành cho chị em, công ty Geek chuyên về tổ chức sự kiện như sinh nhật, party, rồi Food Click (chuyên chụp hình các món ăn). Đó là các công ty mà Khoa đang vận hành để phục vụ tập khách hàng là nữ giới.

“Chúng tôi đang nhắm vào một công ty thời trang nữ nhưng chưa thể tiết lộ tên”, Lê Đăng Khoa nói.

“Nhốt” khách hàng nam mới bằng bóng rổ, may đo, nội thất…

Để phục vụ cho nửa kia của thế giới, Khoa hiện đang có Câu lạc bộ bóng rổ Đà Nẵng Dragons, một công ty may đo nam giới là Cooper&Co, Puzzle (công ty thiết kế và nội thất nhắm tới khách hàng là căn hộ 1-2-3 phòng). Đầu năm sau, Khoa dự định sẽ mở Social Club cho đàn ông để họ có thể tới uống cà phê, mua nội thất, may đo…

Chiến lược “nhốt” riêng khách hàng mục tiêu là nam giới - nữ giới của Shark Khoa và nguyên tắc Chỉ đầu tư vào công ty có lời, dù rất ít - Ảnh 1.

Những cảm xúc với đội bóng rổ Đà Nẵng Dragons.

“Chúng tôi sẽ áp dụng chính sách combo để khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ của chúng tôi. Chẳng hạn như mua bánh, tặng làm nail…”, doanh nhân 8X nói.

Khoa cho hay tất cả những startup mà Khoa là cổ đông lớn, anh chỉ chuyên về branding và quản trị. Anh đóng vai trò cổ đông chiến lược, hỗ trợ và tư vấn vận hành.

“Việc ai người đó làm, tôi chỉ tư vấn định hướng mà thôi”, Khoa chia sẻ.

Khoa cho rằng cho đến thời điểm này, anh không khẳng định bản thân mình đầu tư vào startup nào cũng đúng nhưng các startup đều giỏi và rất cạnh tranh. Và Khoa tự nhận mình là “chả là gì trong giới doanh nhân” và anh biết những doanh nhân miệt mài làm việc như thế nào.

Khoa đã sở hữu nhiều doanh nghiệp, đầu tư vào nhiều startup. Vậy, nguyên tắc đầu tư là gì?

Khoa cho biết, có 4 nguyên tắc chính để đầu tư vào startup.

Thứ nhất, người sáng lập phải có sự khác biệt, nổi bật trong ngành

Và tầm nhìn của founder cũng hết sức quan trọng. Giữa nhà đầu tư và founder phải có cùng tầm nhìn mới có thể đi chung một con đường.

Ví dụ, nhà đầu tư muốn đi đến điểm A nhưng founder chỉ muốn dừng ở điểm B. Như vậy, “tốt nhất là không nên đi cùng nhau ngay từ đầu, để tiết kiệm thời gian và công sức cho cả hai”, Khoa nói.

Khi hai người có tầm nhìn khác nhau không ai sai, nhưng không nên đi cùng nhau. Phụ nữ thích làm nội trợ không sai, phụ nữ thích làm kinh doanh càng không sai. Nhưng hai người phụ nữ đó khó hợp nhau và khó đi cùng nhau, ông chủ Hoa 38 độ nhận định.

“Founder phải giỏi, phải tiềm năng nhưng phải cùng một con đường với nhà đầu tư. Một bên cảm thấy tầm nhìn này ổn nhưng bên kia lại không thấy ổn thì thôi, phí thời gian và tiền bạc”, Khoa khẳng định.

Chiến lược “nhốt” riêng khách hàng mục tiêu là nam giới - nữ giới của Shark Khoa và nguyên tắc Chỉ đầu tư vào công ty có lời, dù rất ít - Ảnh 2.

Thứ hai, sản phẩm phải có chất lượng

“Thời buổi bây giờ, chất lượng, giá là yếu tố bắt buộc, không phải là sự khác biệt”, doanh nhân 8X khẳng định.

Lê Đăng Khoa cho rằng, không có sự khác biệt thì không có thương hiệu.

Thứ ba, thị trường đó phải lớn và tiềm năng

Khoa đưa ra một ví dụ, The Cake Factory, doanh nghiệp mà anh thành lập hồi đầu năm 2018, chuyên về bánh, trong đó có bánh cầu vồng. Bánh này làm bằng bột dừa.

Những năm trước đây thị trường bột mì rất lớn nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, vì quan tâm đến sức khỏe nên nhiều quốc gia đã dùng bột dừa thay thế. Vì bột dừa chất xơ cao, đạm cao… Và bột dừa là thứ mà The Cake Factory hướng tới, đó là làm bánh từ bột dừa và sau này là xuất khẩu bột dừa.

Khoa muốn kết hợp giữa dịch vụ và nông nghiệp. Vì bởi Khoa đã nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, với phân bón trong nhiều năm nay.

“Tôi muốn nhảy vào phân khúc có thị trường, lúc bước vào có thể lớn nhưng sau một thời gian, thị trường đó sẽ rất kinh khủng”, anh bày tỏ.

Thứ tư, lợi nhuận ít thôi cũng được để chứng tỏ được thị trường chấp nhận

“Tôi không còn thích mua những công ty mới thành lập hoặc mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng tuyệt vời. Tôi mua công ty có doanh thu ít thôi, có lời ít thôi cũng được. Có lời nghĩa là đã được thị trường chấp nhận”, Khoa đưa ra nhận định.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM