Chiến lược du lịch y tế kiểu Malaysia: Thu hút du khách bằng dịch vụ y tế chất lượng cao, bệnh viện như khách sạn, giá rẻ hơn hẳn Thái Lan, Singapore...

16/07/2019 09:36 AM | Kinh doanh

Sau hành trình từ phi trường về thủ đô Kuala Lumpur được mô tả ở kỳ trước, chúng tôi có cuộc trao đổi hơn một giờ đồng hồ với bà Sherene Azli - CEO của Hội đồng Du lịch Y tế Malaysia - MHTC để hiểu thêm về cơ chế hợp tác công - tư và liên ngành độc đáo của MHTC cũng như cách người Malaysia định dạng chiến lược du lịch y tế.

Thời điểm chúng tôi đến Malaysia, 1 USD đổi được tầm 4 ringgit (MYR) và 1 ringgit bằng khoảng 5.600 VNĐ....

Xem phần trước: Malaysia những điều trông thấy - Phần 1



Làm du lịch y tế kiểu Malaysia: Đánh vào túi tiền trung lưu, giữ giá phải chăng để 1 đồng ringgit tăng trưởng y tế đổi lấy 4 đồng tăng trưởng của dịch vụ khác

Cuộc trao đổi diễn ra khá sôi nổi, CEO Sherene Azli và các nhân viên hỗ trợ của MHTC hào hứng khi nói về kỹ thuật điều trị vô sinh và thụ tinh ống nghiệm đạt tỉ lệ thành công cao với chi phí thấp do hệ thống bệnh viện tư tiến hành.

Tham quan hầu hết các quy mô bệnh viện của Malaysia như Mahkota (mô hình bệnh viện địa phương ở Malacca), Subang Jaya (mô hình bệnh viện ở thủ đô), SunMed (mô hình bệnh viện thuộc Tập đoàn SunWay - tương tự Vingroup của Việt Nam), tôi có thể rút ra một đặc điểm chung là họ không ôm đồm khi nói về các lợi thế điều trị.

Người Malaysia rất biết tận dụng lợi thế so sánh trong điều trị y tế. Họ tập trung vào công nghệ tiên tiến chữa trị ung thư, vô sinh, huyết học...Những lĩnh vực này ít gây ra tai biến y khoa và mang lại doanh thu ổn định.

Ở Malaysia, chính phủ có quy định mức giá trần cho các dịch vụ y tế tại bệnh viện tư. Giá điều trị dành cho bệnh nhân quốc tế và trong nước là như nhau. Quan điểm chính sách của họ là dịch vụ y tế chất lượng cao phải dành cho tất cả mọi người, hướng đến đối tượng phục vụ là tầng lớp trung lưu.

Chính phủ Malaysia không chỉ giữ giá xăng thị trường ở mức 2,8 ringgit/lít (tức gần 14.000 đồng/lít) và duy trì nhiều mặt hàng ngang giá ở nhiều khu vực dịch vụ khác nhau, họ còn điều tiết tích cực giá dịch vụ y tế.

Giá dịch vụ y tế của Malaysia được đánh giá chỉ bằng khoảng 1/3 của Singapore, đối thủ hàng đầu khu vực Đông Nam Á có thế mạnh lâu đời về du lịch y tế.

Chiến lược du lịch y tế kiểu Malaysia: Thu hút du khách bằng dịch vụ y tế chất lượng cao, bệnh viện như khách sạn, giá rẻ hơn hẳn Thái Lan, Singapore... - Ảnh 2.

Bảng giá so sánh các dịch vụ kỹ thuật cao của bốn nước có nền du lịch y tế phát triển

Malaysia duy trì chính sách y tế khá cân bằng giữa hai hệ thống công - tư và bắt đầu cho phép tuyển dụng bác sĩ nước ngoài đến làm việc.

Trước đây, bác sĩ Malaysia thích làm việc ở bệnh viện công hơn do tin rằng tay nghề sẽ được nâng cao vì thường gặp những ca khó. Sau đó, chính phủ Malaysia ban hành chính sách cho phép họ được làm việc ở cả hai nơi, tạo cơ chế điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ các bệnh viện tư phát triển.

Mặc dù thị trường du lịch y tế Malaysia xếp thứ 8 thế giới nhưng theo số liệu do MHTC công bố, các bệnh viên tư chỉ đóng góp doanh thu 1,5 tỉ ringgit/năm (khoảng hơn 370 triệu USD).

Theo lý giải của MHTC, họ không đặt nặng trọng tâm lợi nhuận vào y tế (bản chất y tế là phục vụ người dân). Ngành y tế phát triển với kỹ thuật cao và giá dịch vụ rẻ sẽ thu hút nhiều bệnh nhân tới khám chữa bệnh, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của các ngành dịch vụ tương cận.

Các ngành điển hình như khách sạn, giao thông, dịch vụ nhà hàng, thuộc hệ sinh thái du lịch - yế tế đã đóng góp doanh thu 5-6 tỉ ringgit/năm, tức 1 đồng ringgit tăng trưởng y tế tạo ra 4 đồng ringgit tăng trưởng cho dịch vụ có liên quan.

CEO Sherene Azli nói với chúng tôi rằng: "Các bệnh viện tư nhân tại Malaysia luôn cạnh tranh với nhau nên giá cả được giữ ổn định. Mỗi lần ra chính sách hay công nghệ mới, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá phù hợp. Kỹ thuật nào có trên thế giới Malaysia cũng có nhưng quan trọng vẫn là đội ngũ bác sĩ".

Không tiết lộ mức lương cụ thể, nhưng theo bà Sherene Azli, lương trung bình của bác sĩ mới vào nghề khoảng 1.000 USD/tháng. Đối với bác sĩ có thâm niên, mức lương là "sáu con số", tức tính bằng trăm ngàn ringgit (từ gần 600 triệu VNĐ trở lên).

Chiến lược du lịch y tế kiểu Malaysia: Thu hút du khách bằng dịch vụ y tế chất lượng cao, bệnh viện như khách sạn, giá rẻ hơn hẳn Thái Lan, Singapore... - Ảnh 3.

Không gian tại bệnh viện Mahkota ở thành phố Malacca cổ kính


MHTC là mô hình hợp tác công-tư và phối hợp liên ngành độc đáo

Tôi còn nhớ một nguyên tắc quản lý hiện đại xuất phát từ phương Tây, đại ý là vấn đề gì hiểu được mới kiểm soát được, kiểm soát được mới quản lý được. Triết lý này đúng với tư duy về mô hình MHTC.

Để kiến tạo cơ chế chung hỗ trợ hoạt động du lịch y tế và tránh trường hợp các Bộ ngành ngồi cãi vã nhau về trách nhiệm khi ký vào các văn bản liên tịch, giới chính sách Malaysia khai sinh ra MHTC.

Theo cách những người đứng đầu MHTC mô tả, MHTC là một cơ chế hợp tác công - tư và phối hợp liên ngành, giúp các bên có thể tham gia và thấu hiểu lẫn nhau.

Thành lập vào năm 2006, MHTC trực thuộc Bộ Y tế. Bước sang năm 2018, MHTC được chuyển giao về Bộ Tài chính. Hiện MHTC đại diện cho 76 bệnh viện thành viên, trong đó có 21 bệnh viện cao cấp.

CEO Sherene Azli lý giải rằng, ban đầu, MHTC làm nhiệm vụ củng cố các nền tảng y tế. Sau khi mọi việc đi vào khuôn khổ, tổ chức này cần những hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án phối hợp giữa du lịch và y tế. Chính vì vậy, cơ chế Bộ Tài chính chủ quản tỏ ra phù hợp.

Chúng ta có thể hình dung MHTC mang nhiều hình thái tổ chức khác nhau như hiệp hội, viện chính sách. Thậm chí, MHTC mang dáng dấp của một doanh nghiệp theo kiểu Temasek Holdings của Singapore, nhưng hoàn toàn khác biệt về bản chất.

Temasek Holdings không phải doanh nghiệp nhà nước giống SCIC của Việt Nam. Temasek Holdings do Bộ Tài chính nắm cổ phần và hoạt động độc lập như một doanh nghiệp tư nhân đầu tư tài chính nhà nước.

Temasek Holdings tự chủ kinh doanh và chỉ báo cáo kết quả về cấp quản lý cao nhất. Chính phủ Singapore không can thiệp quá sâu vào công tác quản trị của Temasek.

Chiến lược du lịch y tế kiểu Malaysia: Thu hút du khách bằng dịch vụ y tế chất lượng cao, bệnh viện như khách sạn, giá rẻ hơn hẳn Thái Lan, Singapore... - Ảnh 4.

Thái độ niềm nở của nhân viên tại bệnh viện Malaysia - Ảnh được chụp khi nhân viên này không hay biết sự hiện diện của chúng tôi.Tôi đã cố gắng hạn chế góc chụp có nhiều bệnh nhân, vì theo người phụ trách, khách hàng là thượng đế, họ sẽ không vui nếu bị làm phiền.

MHTC cũng có nguồn gốc nhà nước và hoạt động khá độc lập. Tuy nhiên, về bản chất, dường như MHTC không phải một định chế sinh lời mà là một cơ chế kết nối nguồn lực đa biên để tạo cú hích liên ngành.

MHTC ngoài trực thuộc Bộ Tài chính, còn làm nhiệm vụ tham vấn và báo cáo công việc cho Bộ Y tế, Bộ Du lịch nước này. Mô hình giống Temasek Holdings nhất ở Malaysia chỉ có thể là Khazanah.

Đối với khách hàng của nền du lịch y tế, MHTC đóng vai trò hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh, tìm bệnh viện phù hợp hoặc xin gia hạn visa nếu điều trị nội trú...

Theo thông tin do MHTC cung cấp, thị trường chính mà họ nhắm đến là Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong 1,5 triệu du khách tới Malaysia khám chữa bệnh thì 60% lại là người Indonesia. Quốc gia láng giềng của Malaysia hiện đóng vai trò "đối tác lớn" của thương hiệu thuốc lá Dunhill thuộc hãng BAT, được ủy quyền nhập khẩu và bán với giá hơn 17 ringgit/gói trong các siêu thị tiện lợi 7 Eleven khắp Kuala Lumpur.



Nếu bạn đến Malaysia và khách sạn hết phòng, bạn có thể vào ở phòng của bệnh viện, giá rẻ hơn mà chất lượng 5 sao? Thật hay đùa? (Còn nữa)

Phương Danh.

Cùng chuyên mục
XEM