Chiến lược cao tay khi ra mắt VinShop của ông Phạm Nhật Vượng: Chạm tới 'kho báu' cửa hàng tạp hóa, cùng lúc có thể biến VinID thành 'gã khổng lồ'

06/10/2020 12:50 PM | Kinh doanh

Bài học tại Indonesia cho thấy Vinshop là chiến lược cực kỳ cao tay của Vingroup, họ đang chạm tới "kho báu khổng lồ".

Thời gian gần đây, việc Vingroup cho ra đời ứng dụng VinShop nhắm tới việc cung cấp dịch vụ đặt hàng cho những cửa hàng tạp hóa gây bất ngờ lớn. Đây được cho là lĩnh vực mới mẻ và mới chỉ có Vingroup nhảy vào ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn sang Indonesia, có thể thấy kể từ năm 2014, đã có rất nhiều công ty nhảy vào đang tranh giành miếng bánh này.

Dưới đây là bài phân tích nói về "kho báu" các cửa hàng tạp hóa đang được rất nhiều doanh nghiệp ở Indonesia khai thác. Điều đó để thấy rằng tầm nhìn của VinShop là cực kỳ sáng suốt và nếu thành công, họ sẽ được hái rất nhiều "trái ngọt". 


Với hiện trạng tương tự như Việt Nam, Indonesia sở hữu mạng lưới những cửa hàng tạp hóa (warung) khổng lồ và điều đó khiến nhiều doanh nhân nhìn ra được cơ hội.

Vài năm trở lại đây nổi lên một làn sóng những startup và các công ty nhắm tới kỹ thuật số hóa các warung ở Indonesia. Kudo là đơn vị tiên phong vào năm 2014. Sau đó công ty này được mua lại bởi Grab vào năm 2017 và gần đây đổi tên thành GrabKios. Người tiếp theo tham gia vào cuộc chơi là Bukalapak – đơn vị cho ra đời Mitra Bukalapak vào năm 2017. Mitra Bukalapak hiện có 3 triệu người dùng đăng ký biến họ thành người dẫn đầu thị trường trong cuộc đua số hóa warung. Tokopedia cũng theo sau cho ra đời Mitra Tokopedia vào năm 2018. Một vài những người chơi nhỏ hơn như Warung Pintar và KiosOn hay Payfazz.

Trên thực tế, xu hướng nhắm tới các warung không chỉ xuất hiện tại Indonesia. Amazon đầu năm nay đã tuyên bố hợp tác với hàng nghìn kirana – phiên bản warung ở Ấn Độ để sử dụng như là một trung tâm giao vận. Jeff Bezos đã trực tiếp tới Ấn Độ để dự lễ ra mắt dịch vụ mới này.

Vậy tại sao các ông lớn lại đang nhắm tới các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ như warung, Kirana? Những nhân tố sau cho thấy đây thực sự là một "kho báu khổng lồ".

Chiến lược cao tay khi ra mắt VinShop của ông Phạm Nhật Vượng: Chạm tới kho báu cửa hàng tạp hóa, cùng lúc có thể biến VinID thành gã khổng lồ - Ảnh 2.

Tại sao lại là warung?

Có 3 điểm khiến warung trở thành một cơ hội kinh doanh vô cùng "quyến rũ":

- Số lượng các warung ở Indonesia rất khổng lồ.

- Nhiều nơi ở Indonesia, đặc biệt là vùng nông thôn, warung là lựa chọn đầu tiên của người mua.

- Nhiều vấn đề về việc thiếu hiệu quả là tiềm năng lớn để các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cải thiện tình hình. 

Tại Indonesia, warung là một phần trong số 67 triệu doanh nghiệp nhỏ. Tác giả tờ Medium không thể tìm ra bất kỳ số liệu chính xác nào về tổng các warung tuy nhiên số lượng tương đối được phóng viên phán đoán là vào khoảng 4 triệu cửa hàng. 

Riêng Jakarta có 50 nghìn warung trong khi những tỉnh lớn hơn như East Java có 400.000 cửa hàng. Nếu lấy trung bình những số kể trên, nhân với 34 tỉnh, thành phố ở Indonesia có thể ra con số từ 4-7 triệu warung trên toàn quốc. Nếu doanh thu trung bình 500.000 IDR mỗi ngày (khoảng 34 USD), tổng lượng giao dịch của tất cả các warung trên cả nước sẽ đạt con số khổng lồ. 

Warung cũng là lựa chọn đầu tiên để mua sắm đặc biệt là ở các vùng nôn thôn. Dĩ nhiên những cửa hàng bán lẻ hiện đại như Alfamart và Indomaret cũng là lựa chọn mua sắm số 1 của một vài người. Tuy nhiên, tổng số lượng chi nhánh của Indomaret và Alfamart trên toàn quốc chỉ vào khoảng 30.000 cửa hàng trong khi số lượng warung riêng ở Jakarta đã gấp đôi số đó. Warung rất phổ biến, dễ tiếp cận. Tập hợp lại, có thể thấy warung là kênh bán lẻ lớn nhất tại Indonesia, đóng góp 70% vào giao dịch bán lẻ của toàn quốc.

Chiến lược cao tay khi ra mắt VinShop của ông Phạm Nhật Vượng: Chạm tới kho báu cửa hàng tạp hóa, cùng lúc có thể biến VinID thành gã khổng lồ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, cũng như rất nhiều doanh nghiệp vi mô khác, warung còn tồn tại rất nhiều vướng mắc. Chủ những warung nhỏ hơn mua hàng từ những warung lớn hơn bởi vì đại lý nguồn cung cấp hàng hóa rất khó tiếp cận tới những cửa hàng nhỏ lẻ. Điều này khiến biên lợi nhuận của họ rất nhỏ bởi phải lấy với giá bán lẻ. 

Chưa kể đến việc hầu hết chủ các warung không rành mạch được tiền kinh doanh và chi tiêu trong gia đình. Vì vậy, khi có nhu cầu tài chính lớn để trả học phí cho con chẳng hạn, chủ các warung sẽ sử dụng luôn tiền kinh doanh. 

Ngoài ra, hầu hết các đơn hàng warung đều không được ghi sổ hay các giao dịch cũng không được ghi lại. Tất cả những điều đó khiến việc huy động tiền vay để mở rộng kinh doanh trở nên khó khăn.

Giải quyết tất cả những khúc mắc đó, cho một nhóm doanh nghiệp vốn có kích thước khổng lồ về cả mặt lượng người dùng và doanh thu tiềm năng chính là một cơ hội kinh doanh trời cho. Đó là lý do cuộc chiến số hóa warung bắt đầu tại Indonesia.

Số hóa warung

Dòng tiền giao dịch quanh các warung vô cùng lớn nhưng chủ yếu là tiền mặt. Đây rõ ràng là nhóm khách hàng mục tiêu "trong mơ" của các công ty ví điện tử. Nhắm tới warung là chiến lược đưa người dùng chuyển giao dịch lên các nền tảng trực tuyến, thông qua các công nghệ kỹ thuật số. 

Mitra Bukalapak và Mitra Tokopedia đều cung cấp những sản phẩm rẻ hơn cho warung. Bằng việc đó, họ giữ được giao dịch giữa các warung và nhà cung cấp - vốn trước đây chỉ dùng tiền mặt. Nhìn chung, những công ty thương mại điện tử và ví điện tử có thể giúp chuyển thương mại offline ở warung lên online có tiềm năng mở rộng thị phần khả định rất lớn.

Giải quyết nhu cầu vốn cho warung

Vấn đề tiếp theo là cung cấp các dịch vụ tài chính cho warung. Warung có doanh thu nhanh nhưng thường gặp vấn đề về dòng tiền đặc biệt là trong những lúc họ cần những chi tiêu lớn cho việc con cái đi học. Không có tiền mặt tức là không có tiền để bổ sung thêm hàng hóa, vì vậy doanh thu của warung có thể giảm hoặc không có trong 1 thời gian. Với những vấn đề này, họ cần một khoản vay nhỏ để bổ sung thêm hàng và khởi động dòng tiền mặt trở lại.

Với những warung trung bình và lớn vốn giao dịch trực tiếp với các nhà phân phối hàng hóa, họ thường nhận những điều kiện thanh toán để có thể trả tiền hàng sau 1 hoặc 2 tuần.Tuy nhiên với những warung nhỏ, việc có thể được cung cấp các khoản vay cho nhu cầu bổ sung thêm hàng hóa trực tiếp trên ứng dụng là rất cần thiết. Điều này cũng đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh khổng lồ cho những công ty như Mitra Bukalapak.

Chiến lược cao tay khi ra mắt VinShop của ông Phạm Nhật Vượng: Chạm tới kho báu cửa hàng tạp hóa, cùng lúc có thể biến VinID thành gã khổng lồ - Ảnh 4.

Với tất cả những yếu tố trên, có thể thấy VinShop đang đi đúng hướng. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, và nếu như tất cả đều sử dụng VinShop để đặt hàng, ví điện tử VinID sẽ có thêm một lượng cơ sở khách hàng khổng lồ, với lượng giao dịch khổng lồ. 

Liệu VinShop có thể thành công hay không vẫn cần thời gian để trả lời. Tuy nhiên với những gì đang diễn ra ở Indonesia hay Ấn Độ, có thể thấy chiến lược cho ra đời VinShop của Vingroup đang đi đúng hướng. 

Vân Đàm

Từ khóa:  vinshop
Cùng chuyên mục
XEM