Chiến dịch chống chế cho "gái ế": Thắng lớn nhờ chạm đến các vấn đề xã hội

22/10/2016 13:16 PM | Kinh doanh

Chiến dịch quảng cáo online bênh vực "gái ế”, ám chỉ những cô gái gần 30 tuổi vẫn chưa muốn kết hôn.nằm trong mô thức "Fight for a cause" - Đấu tranh cho các vấn đề xã hội.

Vừa qua, AIM Academy Vietnam đã tổ chức hội thảo “Best of Spikes Asia 2016 - Creative Thinking Patterns Behind Winning Idea” do ông Yonathan Dominitz - sáng lập của trung tâm huấn luyện Mindscapes chia sẻ.

Ông Yonathan Dominitz đã giới thiệu 6 mô thức thực hiện chiến dịch quảng cáo hiệu quả, điều đã mang lại vinh quang cho các Agency toàn cầu, gồm: Fight for a cause (Đấu tranh cho các vấn đề xã hội), Dynamic connections (kết nối linh động), New tasking (thêm một nhiệm vụ mới), Create a product (tạo ra sản phẩm mới), Sabotage/removal (loại bớt), Relocation (chuyển hướng vị trí).

“Fight for a cause” – Đấu tranh cho các vấn đề xã hội là một trong những mô thức sáng tạo đổi mới tư duy, chỉ đơn giản tìm đến một vấn đề xã hội và thực thi những giải pháp giải quyết vấn đề này. Từ đó, câu chuyện về thương hiệu sẽ được chia sẻ, hình ảnh của thương hiệu cũng được xây dựng vững chắc trong lòng của cộng đồng.

Chúng tôi sẽ gửi đến quý độc giả các case study minh họa cho các mô thức này. Case study đầu tiên về "Chiến dịch chống chế cho "gái ế" nằm trong mô thức "Fight for a cause" - Đấu tranh cho các vấn đề xã hội.

Marriage Market Takeover – Chiến dịch chống chế cho "gái ế” ở Trung Quốc

Ý tưởng độc đáo lần này đến từ đại gia Procter & Gamble với nhãn hàng mỹ phẩm xa xỉ SK-II trong chiến dịch quảng cáo online bênh vực "gái ế”, ám chỉ những cô gái gần 30 tuổi vẫn chưa muốn kết hôn.

Tại Trung Quốc, nhóm phụ nữ này đang phải gánh chịu áp lực xã hội rất lớn.

Trong mẩu quảng cáo của SK-II, các cô gái phân trần với cha mẹ rằng mình không muốn kết hôn chỉ bởi vì lợi ích của hôn nhân, mà thay vào đó, muốn dành thời gian tìm người phù hợp cho mình. Các cô đã nói về áp lực phải đối mặt, cảm giác tủi thân thế nào khi bị ra rìa và nỗi chán chường khi phải luôn đối mặt với những câu hỏi muôn thuở bởi họ hàng trong dịp lễ tết. Cuối cùng, chính những phụ nữ này hiểu phải ngay lập tức đưa ra giải pháp triệt để cho vấn nạn này.

Các cô nàng quyết định tham gia “chợ tình” nhưng thay vì chuẩn bị “hồ sơ” xin cưới, họ sẽ treo ảnh của chính mình kèm theo những thông điệp cá nhân cảm xúc: “Con muốn có thời gian để lựa chọn đúng người con yêu” hay “Con đang rất hạnh phúc và tự do với cuộc sống độc thân”,...

Câu chuyện khép lại bằng một tín hiệu vui mừng, chính là giây phút cảm động khi những người phụ nữ độc thân nhận được sự cảm thông từ gia đình, và vui sướng khi được sống đúng nghĩa trong niềm hạnh phúc và tự hào.

"Chiếm tỷ lệ lớn trong các khách hàng ngày nay là nhóm phụ nữ học thức cao, làm việc văn phòng và độc lập về tài chính. Thường thì họ là những người biết theo kịp xu hướng. Rất nhiều thương hiệu lớn muốn nhắm vào họ", Ben Cavender của hãng nghiên cứu China Market Research cho biết.

SK-II đang làm điều mà các thương hiệu khác cũng thực hiện. Đó là thực hiện chiến dịch tôn vinh phụ nữ. Không chỉ tôn vinh, chiến dịch này cũng khai thác triệt để “vấn nạn” chung của chị em phụ nữ hiện đại là “gái ế”.

Cách họ thể hiện không giống như một nhãn hàng mà là một tổ chức xã hội, họ đấu tranh vì quyền “được làm gái ế”, quyền bình đẳng, quyền được hạnh phúc theo cách riêng, quyền được phá vỡ mọi rào cản, định kiến, quyền được sống là chính mình. Một cách nào đó, họ đã thu phục được nhân tâm và trái tim của những người phụ nữ độc thân quyến rũ, là đối tượng tiêu dùng quan trọng của các công ty này.

Áp dụng mô thức "đấu tranh cho các vấn đề xã hội" ở Việt Nam

Riêng tại Việt Nam, những hoạt động sáng tạo với mô thức “Fight for a cause” đang dần trở nên phổ biến và các DN bắt đầu nhận thức rằng để chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, họ phải biết cách đi “lòng vòng”.

Tuy nhiên, đấu tranh cho các vấn đề là một việc không hề đơn giản chút nào. Vì vậy, để có thể vận dụng được tối ưu mô thức đòi hỏi DN luôn cần có sự thông hiểu thấu đáo về gốc rễ của các vấn đề và đưa ra giải pháp phù hợp, thực tiễn cao nhưng điều quan trọng hơn cả là không xa rời định vị thương hiệu và mục tiêu truyền thông mà DN hướng đến

Mới đây, các doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa ở Việt Nam đã tham gia Đề án quốc gia phát triển thể lực, nâng cao tầm vóc người Việt. Đây cũng chính là một ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng mô thức “Fight for a cause”.

Hiện nay, Việt Nam được xếp vào một trong các quốc gia có tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cao trên thế giới, và bên cạnh đó, nỗi lo về tình trạng béo phì cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại. Theo con số thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia 2010, xét riêng và dinh dưỡng, ở Việt Nam có tới 17,5% trẻ bị thiếu cân và một số trẻ thiếu các loại khoáng chất quan trọng. Còn xét riêng về chiều cao, điều đáng buồn là mức cao của thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ khoản 1m66 (nam) và 1m56 (nữ) và bị xếp vào mức tăng chậm, chỉ khoảng 1,5cm sau hơn 10 năm.

Như vậy, vấn đề nâng cao tầm vóc đã trở thành nỗi lo không chỉ của các gia đình mà còn là mối quan tâm chung của Chính phủ, các doanh nghiệp quan tâm đến cộng đồng và toàn xã hội.

Với mức kinh phí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khoảng 6.000 tỷ đồng, mục tiêu lớn nhất của Đề án 641 là nâng chiều cao của người Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5-3,5cm.

Đây chính là tiền đề, là cơ sở cho các thông điệp chiến dịch quảng cáo các dòng sản phẩm của các công ty sữa được triển khai thuyết phục, nhờ vào nhiệm vụ nhân văn là “đấu tranh” để ngăn ngừa các vấn đề về suy dinh dưỡng, thiếu cân, thể lực yếu và hướng tới mục tiêu cao cả là cải thiện tầm vóc người Việt vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Có thể nói, khi dùng các thông điệp xã hội (social message) để thực hiện các chiến dịch truyền thông hay quảng cáo, các DN sẽ có nhiều lợi thế trong việc thu hút sự chú ý của dư luận và chạm đúng “điểm đau” của thị trường, chiếm được cảm tình của nhiều đối tượng liên quan.

Xã hội luôn tồn tại rất nhiều các vấn đề cần giải quyết. Nếu như bản chất của hoạt động kinh doanh là giải quyết các nhu cầu không ngừng gia tăng hay tiềm ẩn của khách hàng tiềm năng thì nỗ lực của các chiến dịch truyền thông cần hướng tới việc giải quyết các vấn đề của xã hội càng nhiều, càng tốt. DN nào sớm ý thức điều này sẽ nhanh chóng tạo được những ưu thế vượt trội trên thị trường.

Ông Yonathan Dominitz - bậc thầy về Quảng cáo - Sáng tạo toàn cầu, người thầy góp phần giúp các tập đoàn Agency quốc tế gặt hái các giải thưởng sáng tạo đình đám quốc tế.

Theo phân tích của ông, 81% các chiến dịch thắng giải cao nhất (Gold và Grand Prix) tại Cannes Lions và Spikes Asia sử dụng các mô thức sáng tạo mà ông đã nghiên cứu và đúc rút suốt 15 năm qua.

Hoài Anh

Cùng chuyên mục
XEM