Chiếc lược K-Move của Hàn Quốc: Tập trung vốn "thâu tóm" DN Việt Nam thay vì rót FDI theo ngành

14/08/2018 08:13 AM | Kinh doanh

K-Move tập trung vào 3 yếu tố: Mở rộng thị trường cho sản phẩm Hàn Quốc (K-Product), rót vốn (K-Capital), và đưa nhân lực Hàn Quốc sang làm việc (K-People).

Hình thức rót vốn của quốc gia đứng vị trí số 1 trong việc rót vốn vào Việt Nam đã thay đổi, thay vì rót FDI theo ngành, giờ đất nước kim chi chuyển sang hướng tập trung vào M&A (mua bán & sáp nhập), ông Michael DC Choi - Phó GĐ Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) - chia sẻ tại sự kiện Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá mới đây.

"Điều này nằm trong định hướng phát triển của chúng tôi trong việc hỗ trợ mở rộng sản phẩm, vốn, và cuối cùng là mở rộng để đem nhân lực Hàn Quốc sang làm việc", ông Choi nói.

Cụ thể, chiến lược đầu tư K-Move của Hàn Quốc tập trung vào 3 yếu tố: Mở rộng thị trường cho sản phẩm Hàn Quốc (K-Product), rót vốn (K-Capital), và đưa nhân lực Hàn Quốc sang làm việc (K-People).

Chiến lược này không những giúp Hàn Quốc tăng cường nhận diện thương hiệu, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới, mà còn đưa sản phẩm Hàn Quốc tiếp cận với người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu.

Chiếc lược K-Move của Hàn Quốc: Tập trung vốn thâu tóm DN Việt Nam thay vì rót FDI theo ngành - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ông Choi cho biết, tính đến nay, Hàn Quốc là quốc gia rót FDI lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 63 tỷ USD, tiếp sau là Nhật Bản và Singapore. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước này cũng đóng góp 1/3 vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, với 7000 dự án, cung cấp 1 triệu công ăn việc làm mới.

Với Hàn Quốc, Việt Nam là một thị trường quan trọng trong việc tiến vào thị trường Đông Nam Á.

Từ 1990, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với mặt hàng may mặc, giày da. Đến năm 2000, các doanh nghiệp nước này tập trung vào lĩnh vực điện tử, mở các cơ sở sản xuất ở Bắc Ninh nhằm cung cấp linh kiện cho Tập đoàn Samsung.

Gần đây, mối quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển hướng sang mặt hàng tiêu dùng, bán lẻ và tài chính.

- Tài chính: Tập đoàn Tài chính Shinhan sau khi hoàn tất thâu tóm mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam, đã tiếp tục chi 151 triệu USD mua lại Công ty Tài chính tiêu dùng Prudential Finance (PVFC).

Hồi tháng 3, Tập đoàn Lotte đã hoàn tất mua Công ty Tài chính Techcombank với tham vọng thúc đẩy mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Công ty Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset đã mua 50% cổ phần của Prévoir Việt Nam, Samsung Fire & Marine nắm giữ 20% bảo hiểm PJICO.

- Bán lẻ: Sự hiện diện của Hàn Quốc rõ nhất ở 2 thương hiệu: Lotte Mart và Emart. Trong đó, Lotte Mart dự kiến vào năm 2020 sẽ mở 60 cửa hàng trên khắp Việt Nam.

- Tiêu dùng: Các mặt hàng thực phẩm mang thương hiệu CJ đang ngày càng phổ biến trong các điểm bán lẻ tại Việt Nam. Ngoài việc mua lại kim chi Ông Kim’s, các công ty thành viên khác của Tập đoàn CJ cũng nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre lên 71,6%, và đổi tên công ty thực phẩm Việt thành CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre.

CJ CheilJedang cũng mua lại 64.9% vốn của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt với tổng giá trị khoảng 300 tỷ đồng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2018, có hơn 3.300 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,8 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 475 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,64 tỷ USD và gần 3.000 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,15 tỷ USD.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM