Chiếc "hộp cát Sandbox" của quyền CEO ABBank: Trong sandbox tha hồ sáng tạo, ngoài sandbox liên tục cải tiến để nuôi doanh số, đây là 2 team đối lập nhưng luôn phải song hành!

14/11/2019 13:30 PM | Kinh doanh

Theo Quyền CEO ABBank Phạm Duy Hiếu, nếu doanh nghiệp chỉ có cải tiến thì dễ lạc hậu và bị thị trường đào thải, còn nếu chỉ sáng tạo thì doanh nghiệp nhiều khả năng không có doanh thu ổn định.

Làm sao để một doanh nghiệp phát triển bền vững là câu hỏi đau đáu của tất cả các doanh chủ khắp Việt Nam và thế giới. Theo anh Phạm Duy Hiếu - Quyền Tổng giám đốc ABBank kiêm Phó Chủ tịch SVF, để một doanh nghiệp phát triển bền vững, chúng ta cần phải phát triển cùng lúc 2 yếu tố cải tiến liên tục và đổi mới sáng tạo.

"Đây không phải là phát kiến của tôi mà là quan điểm của một người thầy mà tôi ngưỡng mộ. Ví dụ: hồi ông cha ta chỉ có ánh sáng đến từ nến, sau đó họ cải tiến liên tục theo kiểu hôm nay phải khiến cho nến cháy lâu hơn, ngày mai thêm mùi thơm, ngày kia ra mắt nhiều kích cỡ nến khác nhau. Đến một lúc nào đó, họ sẽ sáng tạo ra đèn điện và chúng ta không thể sáng tạo đèn điện trong bóng tối mà chính là dưới ánh nến.

Cải tiến liên tục là để doanh nghiệp có doanh thu ổn định, tạo ra lợi nhuận đầu tư cho đổi mới sáng tạo", anh Phạm Duy Hiếu chia sẻ trong sự kiện Vietnam CFO Forum 2019.

Tuy nhiên, để duy trì cùng lúc 2 bộ phận này trong cùng 1 công ty là điều không dễ dàng, vì bản chất những người thực hiện 2 mảng này khá khác nhau, không dễ để dung hòa.

Lời giải cho bài toán này chính là tạo ra những Sandbox. Bản chất thuật ngữ Sandbox – Hộp cát chính là lấy từ nền văn hóa của các thành phố duyên hải phương Tây, mỗi nhà dân ở gần biển đều có một khu vực được gọi là Sandbox – nơi mà những người đi từ biển lên phải đến đó giũ hết cát mới được vào nhà.

Hay nói nôm na Sandbox chính là nơi các doanh nghiệp khoanh vùng để thử nghiệm. Ở trong Sandbox, các nhân viên có quyền phá vỡ các quy trình - quy tắc, tha hồ đổi mới sáng tạo. Mục đích khoanh vùng là để những đổi mới sáng tạo của các nhân viên không dây dưa, tránh ‘lấm bẩn’ mô hình kinh doanh chính hay những thứ đang mang lại doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thế nên, khi lên đảm đương chiếc ghế CEO của ABBank, anh Phạm Duy Hiếu cũng đã đề nghị ngân hàng này tổ chức 2 bộ phận: khoanh vùng cho phép các nhân viên đổi mới sáng tạo trong kiểm soát và cải tiến liên tục để nuôi sống doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của các đổ đông.

Trong thế giới luôn luôn thay đổi ngày nay, chỉ khi chấp nhận rủi ro thì doanh nghiệp mới có sự an toàn. Nếu không chấp nhận rủi ro, đến một lúc nào đó doanh nghiệp sẽ sụp đổ.

"Nhân sự của bộ phận cải tiến liên tục sẽ tương đối cổ hủ, bảo thủ và luôn nghĩ mọi chuyện đang tốt cớ sao phải đổi mới sáng tạo. Còn ‘ưu điểm’ của bộ phận sáng tạo chỉ giỏi phá, không làm ra tiền cho doanh nghiệp, nhưng nếu không có bộ phận này chúng ta có thể trở thành ‘một Nokia’ tiếp theo. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là làm sao để cả hai bộ phận này nhận ra vai trò cũng như hiểu cả ưu và nhược điểm của nhau", Quyền CEO ABBank truyền kinh nghiệm.

Chiếc hộp cát Sandbox của quyền CEO ABBank: Trong sandbox tha hồ sáng tạo, ngoài sandbox liên tục cải tiến để nuôi doanh số, đây là 2 team đối lập nhưng luôn phải song hành! - Ảnh 2.

Ở khía cạnh khác, muốn kích thích sự sáng tạo trong doanh nghiệp, các lãnh đạo cần thực hành nguyên tắc: không có gì tuyệt đối đúng.

"Mới đây, có một câu chuyện khá thú vị. Shark Hưng nói rằng: Đã bắt đầu làm thì đừng nghĩ đến thất bại; còn Shark Việt nói ngược lại: Đã bắt đầu làm thì hãy nghĩ đến thất bại. Thật ra, cả hai Shark đều nói đúng, với từng đối tượng. Lời Shark Hưng đúng với những bạn chưa làm mà cứ sợ thất bại, còn lời Shark Việt đúng với những bạn mở miệng ra là ‘chém gió’ và luôn nghĩ mình thành công đến nơi rồi. Còn nếu ứng dụng với tất cả đối tượng, cả hai đều sai.

Có một vài cư dân mạng vui tay còn để lên hình thứ ba: Đã khởi nghiệp thì đừng nghe ai", anh Hiếu kể.

Trong quá trình hoạt động ở giới khởi nghiệp cũng như làm việc với tư cách Phó Chủ tịch hệ sinh thái khởi nghiệp SVF, không ít lần anh Hiếu đã nhìn dự án sai trật lất.

Có lần anh đã khen nức nở dự án của một startup và khuyến khích bạn đó hãy phát triển nó lên. Bạn đó đã về bán nhà cửa để mở rộng thị trường và sau đó dự án…. ‘bể tan tành’. Startup đó đã quay lại mếu máo với anh Hiếu: vì anh đã động viên em dữ dội nên em mới làm.

Hay trường hợp của Cốc Cốc. Mới đầu ai cũng nghĩ dự án của Cốc Cốc sẽ thất bại nhưng cuối cùng nó đã thành công. Trước khi gọi được vốn khoảng 14 triệu USD từ một quỹ đầu tư của Đức năm 2015, Cốc Cốc đã bị 42 quỹ đầu tư khác nhau từ chối rót vốn. Anh Hiếu nói vui là cũng may ‘họ không nghe lời mọi người rồi dẹp đi’.

"Trước đây, tôi nhận định như thế nào thì thực tế sẽ diễn ra ngược lại. Nên bây giờ, cứ bạn startup nào đến hỏi tôi ‘anh ơi, anh thấy dự án của em thế nào?’, tôi đều trả lời là 'em cứ làm thử đi rồi biết, chứ anh trả lời sai nhiều rồi'!", anh Phạm Duy Hiếu thú nhận.

Bởi thế, với những dự án đổi mới sáng tạo, các lãnh đạo đừng thấy không đúng và rủi ro rồi bác luôn, hãy để mọi người có cơ hội thử nghiệm. Bây giờ, không ít bạn trong SVF cứ thắc mắc là sao anh duyệt ngân sách cho dự án này hay dự án kia, anh Hiếu thường bảo: chẳng có cái gì là tuyệt đối đúng, với các startup quan trọng là học được các bài học kinh nghiệm.

Theo anh Hiếu, chỉ cần 1 trong 10 startup mà anh duyệt ngân sách thành công là đã rất mừng. Những startup còn lại, số tiền đó xem như là để trả cho bài học kinh nghiệm. Với giới startup, phải qua các bài học kinh nghiệm thì họ mới tiến bộ và đi đến thành công.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM