“Chiếc chìa khóa vàng” ở TH

17/03/2017 15:30 PM | Kinh doanh

Tại Dự án sản xuất rau củ quả hữu cơ và gạo chất lượng cao của tập đoàn TH vừa khởi công ở xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, Thái Bình), một cụm từ được nhắc tới nhiều nhất là “công nghệ cao”. Đây là cụm từ không mới mẻ trong ngành nông nghiệp, nhưng áp dụng được nó thì vô cùng gian nan. Vậy mà tập đoàn TH đã áp dụng công nghệ cao từ rất sớm, và sẽ tiếp tục áp dụng trong tất cả các dự án nông nghiệp của mình.

Phân tích các chỉ tiêu chất lượng sữa tại phòng thí nghiệm của trang trại TH.

Từ chuyện làm sữa tươi sạch

Tập đoàn TH là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp chứng nhận ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tất cả những ai từng tới trang trại bò sữa TH- nơi đang cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu sản xuất sữa TH true MILK sẽ thấy các công nghệ này có ích như thế nào trên đồng ruộng, trong trang trại.

Trên một diện tích rộng tới 8.100ha, tập đoàn TH đã xây dựng được 2 cụm trang trại với quy mô toàn đàn hơn 45.000 con, trong đó có hơn 22.000 con đang cho sữa.

Với số lượng bò khổng lồ như vậy, không có hoạt động “tay chân” nào có thể phục vụ được mà phải có sự hỗ trợ của máy móc công nghệ cao. Trang trại TH tập hợp công nghệ đầu cuối của thế giới và chọn công nghệ tốt nhất trong mỗi quy trình như: công nghệ chăm sóc đàn bò của Israel; chăm sóc thú y của Newzeland; cánh tay tưới và máy cắt cỏ của Mỹ (với công nghệ 3:1: làm đất, chạy hàng và gieo); hệ thống xử lý nước thải của Hà Lan; Xử lý nước sạch, nước sinh hoạt là của Israel.

Ra tới cánh đồng bát ngát của trang trại, các nhãn hiệu công nghệ cũng chen vai thích cánh. Trên những cánh đồng cao lương vừa mới cấy, công nhân đang vận hành máy gieo hạt từ công ty JohnDeer XP 1770 (USA) và Kuhn Maxima GT2 (Pháp); máy bón phân Kuhn Axis 40.1 và Zaga B750 (Tây Ban Nha); với tốc độ bón đạt 10ha/giờ, sử dụng hệ thống máy tính để điều khiển.

Không chỉ hiện đại ở các loại máy móc có thể nhìn thấy trên đồng ruộng, trong khu nuôi bò mà trang trại TH còn sở hữu hẳn một phòng thí nghiệm phân tích sữa và các chỉ tiêu vi sinh hiện đại nhất Việt Nam, kết nối dòng sữa sạch từ hoạt động nhỏ nhất.

Trong phòng phân tích sữa, máy combifoss đang chạy đều đặn, phân tích khoảng 600 mẫu sữa/ngày. Theo các chuyên gia của phòng, trung bình 1 con bò ở trang trại TH được phân tích mẫu sữa 1 lần/tháng. Các chỉ tiêu phân tích là chất đạm, béo, protein… Thành phần quan trọng nhất được lưu ý trong các phân tích này là tế bào soma, tức là tế bào bạch cầu để xem xét nguy cơ về bệnh. Bởi vậy, có thể nói mọi yếu tố liên quan tới dòng sữa tươi nguyên liệu ở trang trại TH đều được kiểm soát kỹ. Và điều đó chỉ có thể làm được với công nghệ vi sinh, công nghệ tự động hóa đang áp dụng nơi đây.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH từng chia sẻ: “Chúng tôi đã tìm đến những đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo khống chế được điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam và tạo ra những sản phẩm sữa tươi sạch giữ nguyên được tính vẹn nguyên của thiên nhiên”.

… tới rau củ quả hữu cơ và gạo sạch

Làm chủ được khoa học công nghệ, bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH coi như đã tìm thấy “chiếc chìa khóa vàng” trong nông nghiệp.

Lễ khởi công Dự án Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và gạo chất lượng cao của tập đoàn TH tại Thái Bình.

Tại Dự án sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao ở Thái Bình, chiếc “chìa khóa” ấy tiếp tục được đưa vào áp dụng. Đây là dự án sinh thái bền vững, không chỉ đóng góp tích cực vào việc gìn giữ, bảo vệ môi trường tự nhiên mà còn tiên phong áp dụng đồng bộ mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Để làm được điều đó, tập đoàn TH đã sáng lập Viện Nông nghiệp hữu cơ và mời các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế cùng tham gia.

GS.TSKH Trần Duy Quý- Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ TH chia sẻ, Thái Bình là đất lúa, nhưng hiện nay lúa gạo không còn là thế mạnh của tỉnh, tập đoàn TH sẽ tập trung vào mảng này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe giới thiệu về công nghệ cao đã áp dụng trong trồng rau củ quả mang thương hiệu FVF của tập đoàn TH.

Với việc áp dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống lúa, áp dụng tiêu chuẩn trồng trọt Global Gap, Organic (chứng nhận của Châu âu và Mỹ), các sản phẩm do TH trồng tại Thái Bình sẽ tạo đẳng cấp mới cho nông sản Việt Nam. Giáo sư Quý nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong các trung tâm phát sinh của lúa Japonica, đây là một thế mạnh cho chúng ta trong việc tổ chức nghiên cứu, sản xuất và xây dựng được thương hiệu gạo Japonica Việt Nam. Tuy nhiên, TH sẽ sản xuất ở cấp độ cao hơn, theo tiêu chuân Global gap hoặc Organic. Đó sẽ là điểm khác biệt”.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM