Chia sẻ "rút ruột" của nhà tuyển dụng: "Nhiều bạn sinh viên còn ảo tưởng về cái mác trường đại học mình đang mang"

22/07/2019 16:15 PM | Sống

"Nhưng để khuyên các bạn sinh viên, cũng như nói ra điều ước tôi sẽ làm nếu được quay trở lại thời đi học, tôi sẽ nói rằng hãy chơi nhiều lên. Tôi quan sát "tệp" bạn bè mình, những người em mình quen, đa phần mọi người đều ở trạng thái trung tính, chơi không dám chơi, học cũng không hết sức, nhiều khi cứ lửng lơ khiến cho mọi người không rõ "màu" của mình."

Nỗi lo việc làm sau tốt nghiệp đại học dường như là nỗi lo của phần lớn các sinh viên. Không phải sinh viên nào cũng cảm thấy hoàn toàn tự tin khi bước vào phòng phỏng vấn, thậm chí ngay từ bước làm CV đã mắc những lỗi sai cơ bản. Phải viết CV thế nào cho đúng, phải chuẩn bị những gì cho buổi phỏng vấn, phải làm thế nào để nhà tuyển dụng hài lòng... vô vàn những thắc mắc của các bạn sinh viên mong được giải đáp.

Chính vì thế, buổi talkshow "Career Talk: Tốt Nghiệp Không Lo Thất Nghiệp" diễn ra vào ngày 18/7 mới đây tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phần nào giúp các bạn sinh viên trả lời những câu hỏi trên. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng được lắng nghe những chia sẻ cũng như kinh nghiệm quý báu từ các diễn giả khách mời. 

Hiện nay, không ít sinh viên ra trường chọn một công việc trái ngành. Chia sẻ về vấn đề này, anh Hải Phong, Phó ban Điều hành Cộng đồng Ngân hàng & Nguồn nhân lực U&Bank cho biết: "Bất kì ai khi bắt đầu một công việc không đúng chuyên môn của mình đều gặp khó khăn. Đứng trên cương vị một người quản lý, tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi - đó là yếu tố quan trọng. Số lượng các bạn đi làm đúng với chuyên ngành của mình không nhiều, ngay cả khi đó là một công việc mang tính chất ngắn hạn. 

Sự khác nhau giữa một bạn sinh viên làm được việc hay không chính là ở sự chủ động, sự cầu thị. Tinh thần, thái độ tốt mới chuyển hóa thành hành động tốt được. Nếu ngay từ đầu, các bạn sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp với thái độ hơi "chảnh" một chút, ngạo nghễ, không biết mình ở đâu thì đó chính là một sai lầm. Nhiều bạn còn ảo tưởng về cái mác trường đại học mình đang mang, suy cho cùng cái mác cũng chỉ là cái mác thôi, không hề nói lên giá trị con người bạn. Những bạn đi làm nhiều trong thời gian đi học có sức chịu đựng công việc tốt hơn. 

Nhưng để khuyên các bạn sinh viên, cũng như nói ra điều ước tôi sẽ làm nếu được quay trở lại thời đi học, tôi sẽ nói rằng hãy chơi nhiều lên. Tôi quan sát "tệp" bạn bè mình, những người em mình quen, đa phần mọi người đều ở trạng thái trung tính, chơi không dám chơi, học cũng không hết sức, nhiều khi cứ lửng lơ khiến cho mọi người không rõ "màu" của mình. 

Theo quan điểm của tôi, chơi cũng là một trải nghiệm, quan trọng là các bạn dám chơi hay không, dám sống với cá tính, với những gì mình mong muốn hay không. Chứ đừng có sống "mờ mờ", đi học về rồi lại cày phim, chơi game, rồi đi học, về lại cày phim. Cuộc sống như vậy cực kì nhàm chán! Đó cũng là cuộc sống năm 1, 2 của tôi, sau đó một vài cú hích đã khiến tôi cảm thấy cuộc sống đại học thú vị hơn mình nghĩ."

Chia sẻ rút ruột của nhà tuyển dụng: Nhiều bạn sinh viên còn ảo tưởng về cái mác trường đại học mình đang mang - Ảnh 1.

Kể về kỷ niệm bản thân từ khi ra trường tới khi đi xin việc, chị Linda Nguyễn, Giám đốc nhân sự - Tập đoàn TA Holdings chia sẻ: "6 năm du học ngành Kế toán - Tín dụng, về Việt Nam, tôi mất thêm nửa năm học bổ sung thêm các chứng chỉ về chuyên ngành để phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Vậy mà khi nộp đơn xin việc, mặc dù đã vượt qua các vòng test chuyên môn nhưng tới khi vào đến vòng phỏng vấn thì tôi thường bị từ chối vì vẻ bề ngoài khá "ăn chơi" và khả năng giao tiếp lưu loát của mình. 

Tại thời điểm đó, nhà tuyển dụng hay đánh giá tôi: chưa phù hợp với tính chất, đặc thù nghề kế toán như cần mẫn, giản dị và ít nói, có đôi phần mọt sách - một hình ảnh in đậm trong tâm trí chúng ta khi nhắc về nghề kế toán nói chung. Tôi thường được nhận xét là chưa phù hợp với vị trí công việc và luôn nhận được lời mời thử sức tại phòng Kinh doanh, phòng Marketing thay vì làm chuyên môn được học trong suốt 6 năm đại học. Nhưng có lẽ đó là điều may mắn của chính mình. Từ những sự cố đầu đời đó, những lời từ chối khiến bản thân chỉ có đúng 2 tháng gắn bó với chuyên ngành, tôi chấp nhận dấn thân chuyển sang các công việc khác: kinh doanh, trợ lý cao cấp, đào tạo và đến bây giờ tôi hoạt động trong lĩnh vực nhân sự.

Mặc dù không làm kế toán nhưng không thể phủ nhận, tính chất và công việc được đào tạo về kế toán là một nền tảng rất tốt, nó giúp tôi có được sự chi tiết, cẩn thận mà không phải nghề nào/công việc cũng có.

Để cho lời khuyên tới các bạn sinh viên khi đi xin việc, bản thân tôi không nhìn vào CV, bằng cấp, trường đại học của các bạn dù có thể nó rất tốt, tôi nhìn vào tiềm năng và sự thế hiện của ứng viên qua 1, 2 tháng thử việc. Nhiều bạn sinh viên bằng cấp ổn nhưng khi tham gia vận hành doanh nghiệp lại rất chậm. Các bạn nên tìm hiểu doanh nghiệp cần gì chứ không phải trường đại học cho các bạn cái gì vì trường học và doanh nghiệp trên thực tế đang lệch nhau rất nhiều."

Chia sẻ rút ruột của nhà tuyển dụng: Nhiều bạn sinh viên còn ảo tưởng về cái mác trường đại học mình đang mang - Ảnh 2.

Đối với các bạn sinh viên muốn xin việc ở các công ty lớn, anh Nguyễn Hải Phong không ngần ngại nói thẳng: "Nhiều bạn giữ quan điểm cố hữu là muốn xin việc ở vị trí cao phải có quan hệ, chính vì thế các bạn có cảm giác sợ hãi và mất tự tin vào bản thân mình. Trên thực tế, quan hệ có hay không không quan trọng, quan trọng là giá trị nằm ở mỗi ứng viên. Và giá trị ấy được đánh giá thông qua trải nghiệm của mỗi người. Bạn có thể làm gia sư, chạy bàn, chạy xe ôm công nghệ... Trải nghiệm như thế nào là tùy ở bạn có cảm thấy thú vị hay không và bạn nhìn nhận được gì ở trải nghiệm ấy."

Trên quan điểm là một người thường ngày chịu trách nhiệm về mảng tuyển dụng, chị Nguyễn Thu Hòa - Trưởng nhóm Tuyển dụng - Dịch vụ Headhunting, CTCP Nguồn Nhân Lực Siêu Việt bày tỏ quan điểm: "Ở vị trí được tiếp xúc nhiều với các bạn sinh viên và tuyển dụng cho nhiều doanh nghiệp, tôi để ý thấy các bạn sinh viên hiện nay mắc khá nhiều lỗi về thái độ và lỗi này thường gặp phải ở các bạn mới tốt nghiệp trong vòng 6 tháng. Có thể các bạn có quá nhiều lựa chọn nên không chắc chắn về một lựa chọn cá nhân nào cả dẫn tới việc đi phỏng vấn nhưng không hiểu gì về doanh nghiệp. Tôi gặp khá nhiều bạn hủy hẹn phỏng vấn ngay phút chót hoặc đã được nhận đi làm rồi nhưng đến ngày phỏng vấn lại báo không đi được.

Phương án duy nhất tôi có thể đưa ra đó là các bạn nên nghiêm túc với những cơ hội mình có, khi thái độ nghiêm túc thì hành động sẽ nghiêm túc. Như thế, các bạn sẽ đầu tư thời gian vào tìm hiểu công việc mình apply."

Thái độ nghiêm túc sẽ giúp bạn trở nên may mắn hơn trong mọi cơ hội. Nhà trường dạy cho các bạn kiến thức còn thái độ như thế nào là do quá trình bạn rèn luyện bản thân. Đừng chỉ vì "một phút nông nổi" mà khiến cho nhà tuyển dụng đánh giá sai giá trị con người bạn.

V.D

Cùng chuyên mục
XEM