Chỉ với những dấu hiệu này, bạn có thể đánh giá chính xác người đối diện

01/05/2016 09:58 AM | Sống

Bộ não người dường như được lập trình để đánh giá người khác. Cơ chế sinh tồn này khiến ta rất khó gặp một người mà không đưa ra đánh giá hoặc tìm cách hiểu người đó.

Trong khi mọi người đều có xu hướng nghĩ rằng những đánh giá của mình dựa trên nội dung của cuộc đối thoại và những biểu hiện rõ rệt khác, thì các nghiên cứu khoa học lại đưa ra những nhận định khác hẳn.

Hành vi vô thức của chúng ta cũng có những ngôn ngữ riêng. Những hành vi này dần trở thành một phần làm nên chính con người bạn, và nếu bạn không dành thời gian nghĩ về chúng, thì rất có thể đó là một sai lầm lớn dẫn đến những thất bại trong sự nghiệp của bạn.

Những điều sau đây rất đáng lưu ý cho những cuộc phỏng vấn trong tương lai đấy.

1. Cách bạn cư xử với người phục vụ và lễ tân

Dựa vào cách bạn cư xử với các nhân viên phục vụ khi ra vào tòa nhà, nhà tuyển dụng sẽ có được cái nhìn về cách bạn đối xử với mọi người.

Đa phần mọi người đều “diễn” rất tốt khi đối thoại với nhà tuyển dụng hoặc những người quan trọng khác, nhưng nhiều người sẽ rũ bỏ tấm mặt nạ ngay khi bước ra khỏi cửa, cư xử với người khác một cách dửng dung và khinh thị.

Các bữa ăn trưa bàn công việc cũng là một nơi các biểu hiện này cần được chú ý. Cho dù bạn tử tế với người ăn trưa cùng đến thế nào, chỉ cần họ thấy bạn đối xử tệ bạc với người khác là mọi công sức của bạn đã vô ích.

2. Bạn có thường xuyên nhìn vào điện thoại hay không

Không có gì bực mình hơn khi thấy một người lôi điện thoại ra khi đang nói chuyện với mình. Hành động đó cho thấy sự yếu kém về thái độ tôn trọng, khả năng tập trung, kỹ năng lắng nghe và ý chí của một người. Trừ trường hợp đặc biệt, tốt nhất là bạn nên để chiếc điện thoại của mình nằm yên một chỗ.

3. Những thói quen lặp lại và xuất hiện khi lo lắng

Nghịch móng tay hay gãi đầu thường là những biểu hiện cho thấy bạn đang lo lắng và mất kiểm soát. Nghiên cứu từ Đại học Michigan chỉ ra rằng những thói quen khi lo lắng thể hiện tính cách của người cầu toàn, và những người như vậy cũng có thói quen tương tự khi học bực mình hoặc buồn chán.

4. Khoảng thời gian bạn cần để đặt câu hỏi


Bạn đã từng nói chuyện với một ai đó mà người này chỉ toàn nói về mình hay chưa?

Bạn đã từng nói chuyện với một ai đó mà người này chỉ toàn nói về mình hay chưa?

Những người như vậy thường là những người hay lớn tiếng, ích kỷ và chỉ biết “nhận” mà thôi. Ngược lại, những người thường xuyên đặt câu hỏi và chỉ nói chút ít về mình thường là những người kín tiếng, khiêm tốn và biết “cho đi”. Những người nắm giữ sự cân bằng giữa hai thái cực này thường có khả năng giao tiếp cuốn hút và biết cách nói chuyện.

5. Cách bạn bắt tay

Người ta thường cho rằng có mối liên quan giữa cái bắt tay yếu đuối và sự thiếu tự tin cũng như thái độ ủy mị.

Một nghiên cứu từ Đại học Alabama cho thấy, mặc dù giả định về khả năng của một người nếu sẽ khá là thiếu chính xác nếu chỉ dựa vào cái bắt tay, nhưng rõ ràng bạn có thể nhận biết được một số nét về tính cách thể hiện trong đó.

Nghiên cứu này còn cho biết cái bắt tay chặt và mạnh mẽ cho thấy một con người bạo dạn, không nhạy cảm thái quá và hướng ngoại.

6. Đúng hẹn

Việc bạn đến muộn sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn thiếu tôn trọng và hay trì hoãn, cũng như lười biếng và hời hợt.

Tuy nhiên, một nghiên cứu từ đại học Bang San Diego lại cho thấy hay sai hẹn là đặc điểm của những người có khả năng làm nhiều việc một lúc, cởi mở và thoải mái.

Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng nhiều người hay đi muộn là do trải nghiệm với thời gian của họ chậm hơn so với người thường. Điều quan trọng rút ra được ở đây là: không nên đánh giá quá nhanh một người khi họ đến muộn, tốt nhất là phải tìm hiểu lý do gì khiến họ sai hẹn.

7. Ánh mắt


Mấu chốt của dấu hiệu này là sự cân bằng.

Mấu chốt của dấu hiệu này là sự cân bằng.

Mặc dù việc duy trì ánh mắt với người đối diện là quan trọng, nhưng lúc nào cũng nhìn vào mắt họ sẽ bị coi là hung hăng và lập dị. Đồng thời, nếu bạn chỉ nhìn vào mắt người khác trong chốc lát, họ sẽ nghĩ là bạn thờ ơ, ngượng ngập hay xấu hổ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng duy trì ánh mắt với người đối diện trong khoảng 60% thời gian của cuộc đối thoại là mức thích hợp nhất, nhờ thế bạn sẽ tỏ ra là một người hứng thú với cuộc trò chuyện, thân thiện và đáng tin cậy.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM