Chỉ vài ngày nữa, vệ tinh 8,5 tấn của Trung Quốc mất kiểm soát sẽ rơi xuống Trái Đất, nếu nó rơi trúng bạn thì trách nhiệm thuộc về ai?

27/03/2018 09:00 AM | Công nghệ

Vệ tinh Thiên Cung 1 của Trung Quốc đã kết thúc quá trình phục vụ của mình và được thả rơi không kiểm soát, dự kiến rơi xuống Trái Đất trong khoảng từ 30/03 đến 02/04. Nếu nó rơi trúng bạn thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Như chúng ta đã biết, vệ tinh Thiên Cung 1 của Trung Quốc được phóng lên quỹ đạo của Trái Đất từ năm 2011 và là trạm không gian đầu tiên của quốc gia này. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu năm 2016, cơ quan kiểm soát vũ trụ đã mất liên lạc với trạm này và dự kiến nó sẽ rơi xuống Trái Đất trong khoảng thời gian từ 30/03 đến 02/04. Hiện tại, địa điểm rơi của vệ tinh Thiên Cung 1 vẫn chưa được dự đoán chính xác. Cơ quan Vũ Trụ Châu Âu đặt tại Darmstadt, Đức mới chỉ có thể tiên lượng rằng vệ tinh này sẽ rơi trong vùng giữa vành đai vĩ độ 43 độ Bắc và 43 độ Nam.

Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên có một trạm không gian dừng hoạt động và rơi xuống Trái Đất. Vào năm 1979, trạm không gian Skylab của Mỹ cũng đã được cho dừng hoạt động và để rơi tự do. Thế nhưng ở thời điểm đó, NASA vẫn kết nối được và điều khiển hướng rơi cho trạm vũ trụ nặng 100 tấn này ra đại dương. Một vài mảnh vỡ nhỏ của trạm vũ trụ này đã rơi xuống Australia nhưng may mắn là không có thương vong nào được ghi nhận.

Chỉ vài ngày nữa, vệ tinh 8,5 tấn của Trung Quốc mất kiểm soát sẽ rơi xuống Trái Đất, nếu nó rơi trúng bạn thì trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Vệ tinh Thiên Cung 1 tương đương 1 chiếc xe buýt

Quay trở lại với Thiên Cung 1 thì từ đầu năm 2016, cơ quan kiểm soát tại mặt đất đã mất liên lạc với trạm này và không thể điều chỉnh được quỹ đạo rơi của nó. Trọng lượng của Thiên Cung 1 là 8,5 tấn, tương đương với 1 chiếc xe buýt chở học sinh nên nếu chẳng may rơi trúng khu vực dân cư thì vẫn sẽ có thể có thương vong xảy ra.

Dẫu vậy thì độc giả cũng không nên lo lắng bởi theo tính toán của các nhà khoa học, tỉ lệ để vệ tinh Thiên Cung 1 rơi trúng bạn sẽ chỉ là 1 phần 292 triệu. Nếu so sánh với khả năng trúng số độc đắc Powerball (dạng xổ số giống Vietott) thì khả năng bạn bị vệ tinh rơi trúng còn ít hơn hàng nghìn lần.

Và câu hỏi được nhiều người lo xa đặt ra ở đây là trong trường hợp xấu nhất, khi mà vệ tinh Thiên Cung 1 rơi trúng bạn thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho thương vong này? Đó là công ty sản xuất vệ tinh? Đó là quốc gia phóng vệ tinh? Là chính quyền sở tại hay chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cho sự cố ngẫu nhiên này?

Trong quy ước về thiệt hại gây ra bởi các vật thể đến từ không gian của Liên Hợp Quốc, ra đời vào năm 1972 thì các thiệt hại được "đền bù" bao gồm mạng sống của con người, những thương tật, thiệt hại về sức khỏe, tài sản của các quốc gia chịu ảnh hưởng khi vệ tinh rơi xuống.

Và quốc gia phóng vệ tinh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với việc đền bù cho những bên bị thiệt hại. Việc đền bù thiệt hại sẽ chỉ áp dụng cho quốc gia tiến hành phóng vệ tinh, trạm vũ trụ chứ không áp dụng cho những quốc gia tham gia sử dụng, khai thác trạm vũ trụ, vệ tinh này sau khi phóng thành công.

Như vậy, nếu chiếu theo luật thì Trung Quốc, quốc gia đã phóng Thiên Cung 1 lên quỹ đạo của Trái Đất sẽ là người chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại nếu chẳng may vệ tinh này rơi trúng ai hay hủy hoại tài sản của quốc gia nào đó.

Đến đây thì câu hỏi tiếp theo được đặt ra đó là vậy mức đền bù thiệt hại sẽ do ai quy định?

Thực tế thì trong lịch sử đã có một vài trường hợp thiệt hại do vệ tinh rơi gây ra. Như trường hợp vệ tinh Cosmos 954 của Liên Xô rơi xuống Canada vào năm 1978, chính phủ Canada yêu cầu được bồi thường 16,7 triệu USD (tính theo tỉ giá năm 2018) và sau một thời gian thỏa thuận thì Liên Xô đã trả 2,3 triệu USD (theo tỉ giá năm 2018) cùng một vài thỏa thuận về ngoại giao giữa hai nước.

Và với tiền lệ như vậy thì có thể thấy rằng khoản đền bù thiệt hại sẽ được chính quyền 2 quốc gia thỏa thuận với nhau, thông qua phán quyết của tòa án quốc tế.

Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
XEM