Chỉ số này cho thấy DN đang đặt niềm tin vào nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có thể cán đích

20/07/2017 14:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết, khối tư nhân đang 'mạnh tay' bỏ tiền ra để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản vì họ tin vào viễn cảnh tươi sáng của nền kinh tế.

Qúy II, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt mức 6,17% so với cùng kỳ, góp phần giúp tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2017 đạt mức 5,73%.

Cả 2 con số này đều lớn hơn những chỉ số tương tự được đo vào quý II/2016, vào 6 tháng đầu năm 2016, cũng như tiệm cận kịch bản Chính phủ nhắc tới trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. Trong 2 quý cuối năm, động lực sản xuất bung mạnh hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giúp mục tiêu 6,7% là có thể chạm tới.

Bằng chứng cho nhận định trên có được từ một chuyển biến đang diễn ra tuy âm thầm nhưng đang đầy tích cực nơi khu vực kinh tế tư nhân. Đây là điều được nhắc đến trong buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của MarketIntello ngày 19/7 vừa qua.

Là người công bố báo cáo, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh đã chỉ ra: Không ai khác ngoài kinh tế tư nhân đang đóng góp phần lớn nhất vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Việt Nam. Hiểu nôm na, khối tư nhân đang rất 'mạnh tay' bỏ tiền ra để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đơn giản vì họ tin vào viễn cảnh tươi sáng của nền kinh tế.

Thể hiện quan điểm của báo cáo, chuyên gia này tiết lộ con số thống kê đầy hứng khởi. Đó là trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng đầu tư danh nghĩa của khối tư nhân đạt 14,9%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ, góp phần vào mức tăng trưởng 10,5% của tổng đầu tư toàn xã hội.

Chỉ số này cho thấy DN đang đặt niềm tin vào nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có thể cán đích - Ảnh 1.

Tích cực nhất chính ở khối ngoài Nhà nước. Nguồn: MarketIntello

Trong khi đó, những con số tích cực lại không đến với các khối doanh nghiệp còn lại. Đầu tư của khu vực kinh tế FDI có sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng khi chỉ đạt 9,6%, thấp hơn tới 5 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu 2016. Còn ở khối Nhà nước thì tuy đã lớn hơn so với ở quý II/2016, mức mà các doanh nghiệp chịu bỏ tiền ra để đầu tư vẫn là thấp hơn so với quý II thời điểm 2 năm trước.

Còn nhớ, trong quý trước, đầu tư toàn xã hội đã giảm tốc ở tất cả các khu vực kinh tế. Thành phần đầu tư vốn là một biến số trong công thức tính GDP, vì thế việc giảm này đã được các chuyên gia coi là nguyên nhân cho một mức tăng trưởng thấp kỷ lục của nền kinh tế ở quý I/2017.

Chuyển biến tích cực trong tăng trưởng quý II/2017 phần nào có sự đóng góp bởi sự trở lại của tổng đầu tư toàn xã hội. Và trong đó, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chính là trụ cột lớn nhất.

Nhìn trong vài năm trở lại đây, kinh tế tư nhân cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng đầu tư toàn xã hội ổn định nhất. 

"Điều này chứng minh niềm tin của các doanh nghiệp vào tương lai nền kinh tế. Họ tin nên họ mới chịu đầu tư nhiều hơn trong nhiều năm liên tục như vậy" - Chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận định.

Ông Minh cũng viện dẫn thêm một bằng chứng nữa chứng minh rằng doanh nghiệp đang rất tin tưởng nền kinh tế. Đó chính là một bức tranh đầy gam màu sáng của hoạt động thành lập doanh nghiệp trong quý II năm nay.

"Điều này được phản ánh phần nào qua việc hoạt động thành lập doanh nghiệp mới tiếp tục khởi sắc trong quý II. Tính riêng quý II, cả nước có 34.800 doanh nghiệp được thành lập, tăng 13,2% so với quý II năm 2016. Trong khi đó, lượng vốn đăng ký tăng 41,5% so với cùng kỳ, đạt 325 nghìn tỷ đồng", chuyên gia này giải thích rõ hơn.

Chỉ số này cho thấy DN đang đặt niềm tin vào nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có thể cán đích - Ảnh 2.

Nguồn: MarketIntello

Một trong số những biện pháp mà Chính phủ đề ra cho mục tiêu 6,7% vào cuối năm là nâng mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên 35% của GDP. Động thái mới đây nhất là hạ lãi suất điều hành, lãi suất cho vay với một số ngành nghề lĩnh vực, nhằm mục tiêu thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, chính là một bước để cụ thể hóa biện pháp trên.

Giờ đây, khi nhìn thấy niềm tin đầy tích cực nơi các khối tư nhân, Chính phủ có lẽ cũng nên cân nhắc đến giải pháp làm sao để doanh nghiệp yên tâm vào nền kinh tế mà bỏ ra nhiều tiền hơn để đầu tư vào nền kinh tế.

Tất nhiên, đây lại là một bài toán khác cần được giải. 'Chỗ khó' của bài toán này nằm ở một nguyên tắc trong vận động của nền kinh tế: Tăng trưởng tín dụng vừa vặn thì không sao, nhưng tăng trưởng tín dụng quá đà sẽ đồng nghĩa với sự mất ổn định về lãi suất, tỷ giá và khiến cho doanh nghiệp cảm nhận được những nguy cơ mà ngại đầu tư hơn.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM